Hoãn xuất cảnh khi nợ thuế: thực thi sao cho hợp lý?
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện khoản 9 Điều 6 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, liên quan đến ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Dự thảo này dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.1.2025.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, cá nhân và chủ hộ kinh doanh nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên và quá hạn trên 120 ngày sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã, nếu nợ thuế từ 100 triệu đồng trở lên và quá hạn trên 120 ngày thì người đại diện pháp luật sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Đề xuất này nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi nợ thuế, nhất là với những trường hợp nợ thuế kéo dài. Thực tế, nợ thuế đang là vấn đề nghiêm trọng, khi nhiều cá nhân và doanh nghiệp vì lý do này hay lý do khác chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình với Nhà nước. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tính đến cuối tháng 11.2024, số tiền nợ thuế ước là 192,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nợ có khả năng thu ước là 99,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cuối năm 2023 và chiếm gần 52% trong tổng số nợ.
Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cũng đã chứng tỏ được hiệu quả nhất định trong việc thu hồi nợ thuế. Tính đến tháng 11.2024, có hơn 58,6 nghìn người đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã đang nợ thuế 80,5 nghìn tỷ đồng, đã bị hoãn xuất cảnh và cơ quan thuế đã thu được 4.289 tỷ đồng của 6.648 người.
Tuy vậy, việc áp dụng ngưỡng nợ thuế như trong đề xuất: 10 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã - hiện gặp phải một số ý kiến trái chiều. Một số người tán thành mức ngưỡng này, trong khi đó cũng có ý kiến cho rằng ngưỡng này quá thấp, khiến số lượng người bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế có thể tăng mạnh, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và gây thiệt hại về kinh tế nói chung, thậm chí làm giảm thu ngân sách trong dài hạn. Bên cạnh đó, cào bằng khoản nợ thuế quá hạn “tiền tỷ” của các tập đoàn như với doanh nghiệp quy mô nhỏ, hộ cá nhân kinh doanh có thực sự hợp lý hay không?
Áp dụng biện pháp này sao cho công bằng, nhân văn cũng hết sức quan trọng. Bởi thực tế có những doanh nghiệp dù nợ thuế nhiều nhưng không có nhu cầu ra nước ngoài, trong khi lại có những doanh nghiệp khác dù nợ ít do gặp khó khăn tạm thời nhưng cần xuất cảnh để gặp đối tác, tìm kiếm đơn hàng. Lại có những trường hợp có lịch sử tuân thủ pháp luật thuế tốt, nay nợ thuế vì những lý do khách quan như kinh doanh khó khăn, họ cần được hỗ trợ, khuyến khích để vượt qua khó khăn, làm ăn khấm khá hơn và thực thi được nghĩa vụ thuế. Hoặc, giả sử người nợ thuế cần ra nước ngoài để điều trị bệnh thì tính sao cho phù hợp?
Mặc dù mục tiêu của đề xuất là hợp lý và tạm hoãn xuất cảnh cũng đã chứng tỏ tác dụng trong việc thu hồi nợ thuế, nhưng để áp dụng biện pháp này một cách hiệu quả, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu và đưa vào quy định nhiều ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh theo từng nhóm doanh nghiệp và theo giá trị nợ thuế. Cũng cần có quy định rõ ràng về các trường hợp đặc biệt (như những người bị bệnh nặng, trường hợp khẩn cấp...), cùng với các biện pháp hỗ trợ cho những cá nhân, doanh nghiệp có khả năng thanh toán nợ thuế nhưng chưa kịp thực hiện nghĩa vụ của mình - ví dụ cho phép nộp thuế ngay tại cửa khẩu. Đồng thời, quy định rõ bao lâu sau khi nộp thuế thì biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ được dỡ bỏ?
Có nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh để thu hồi nợ thuế, nhưng thường coi đây là biện pháp cuối cùng, sau khi đã thực hiện các giải pháp khác như thu giữ tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng, mà vẫn không thể thu hồi được nợ. Kinh nghiệm này chúng ta cũng có thể tham khảo.