Hoàng A Sáng và cuộc dạo chơi với sắc màu
Mở cánh cửa cho mỹ thuật hội nhập
(HNMCT) - Trong con người Hoàng A Sáng luôn tồn tại song song hai mảng đối lập. Đó là một người đàn ông có giọng nói đậm tính địa phương, vẻ bề ngoài xù xì thô ráp gộc ghệch, nhưng sâu thẳm bên trong là một tâm hồn lãng mạn mơ mộng, có lúc dữ dội tới khốc liệt, nhưng cũng có lúc yếu đuối tới mức có thể gục đầu bật khóc chỉ vì đẩy được cái cảm xúc của mình tràn ra trên mặt toan vào lúc 3h sáng...
1. Làm bạn với Hoàng A Sáng đã lâu nhưng dường như tôi chưa khi nào hết ngạc nhiên về anh. Sáng thỉnh thoảng làm tôi giật mình, đôi khi chỉ từ một bức tranh còn chưa kịp khô, vì nó chạm tới vùng tâm thức vốn rất yên tĩnh của tôi.
Là người dân tộc Tày (Trùng Khánh - Cao Bằng), Sáng xuống Hà Nội lập nghiệp với hai bàn tay trắng và một trái tim nồng cháy với hội họa. Sáng kể với tôi kỷ niệm mà anh không bao giờ quên, đó là khi đi tìm thầy để ôn thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm nhạc - họa trung ương, thầy hỏi: “Cậu mang theo gì?”, Sáng lôi từ trong túi vải ra một bó... bút chì màu. Thầy cười đến mấy phút không nhịn được. Cho đến tận lúc ấy, Sáng vẫn chưa biết toan, sơn, chổi, bay... là gì hết. Có lẽ lúc ấy cả Sáng và thầy đều không thể hình dung nổi rằng hai chục năm sau đó Sáng có thể lặng lẽ ghi tên mình vào nền hội họa Việt Nam.
Tốt nghiệp chuyên ngành mỹ thuật, Sáng trở thành một họa sĩ trình bày báo, thỉnh thoảng vẽ tranh minh họa. Rồi cái áp lực tồn tại khiến Sáng nhảy sang viết báo, rồi phụ trách cùng lúc vài tờ báo bán khá chạy trên thị trường. Bẵng đi hàng chục năm làm báo miệt mài như vậy, bỗng một ngày Sáng thình lình... tổ chức triển lãm tranh cá nhân. Một sự bất ngờ đối với cả giới họa sĩ lẫn công chúng Hà Nội. Hóa ra, trong rất nhiều năm, Sáng đã lầm lũi mày mò, vật vã tìm lối đi cho riêng mình. Triển lãm Miền A Sáng khi đó đã được đón nhận nồng nhiệt ngoài dự kiến.
Giờ thì Sáng chuẩn bị triển lãm cá nhân lần thứ hai, Miền A Sáng 2. Suốt từ triển lãm Miền A Sáng 1 tới nay, Sáng chưa một lúc nào ngừng làm việc. Sáng ít khi dùng màu nóng, mà thường nghiêng về những màu lạnh, u buồn, trầm tĩnh. Dễ hiểu, vì Sáng hướng mình và hướng người xem tới cái mà Sáng gọi là “tranh thiền”. Cũng khá gần với tính cách của Sáng. Một sự dữ dội luôn ẩn sâu bên dưới cái bề mặt hồn nhiên đầy chất rừng núi của anh. Và riêng về tài dùng màu một cách biến ảo, tôi phục Sáng.
2. Ở Miền A Sáng 1, trùm phủ các bức tranh của Sáng là màu xanh. Xanh lam, xanh ngọc, lam ngọc, lá cây... Màu xanh dịu dàng và bí ẩn, đôi khi hơi cô đơn, lạnh, đôi khi hơi buồn bã. Sau này Sáng dịch chuyển cảm xúc từ màu lạnh sang màu nóng, tôi thấy rõ ràng là anh làm chủ được nó.
Đặc biệt, có lẽ cũng tựa như văn chương, làm nghệ thuật, khó nhất, hơn nhau nhất, là ý tưởng. Muốn làm gì thì làm, trong đầu phải có ý tưởng. Không nghĩ ra được ý tưởng gì mới mẻ hay ho, cứ loanh quanh luẩn quẩn như bị bỏ tù, cồn cào gào thét vì đầu óc tối mịt tối mò tối như bưng, và sốt sình sịch vì đồng nghiệp cứ liên tục có tác phẩm mới... thì người nghệ sĩ ấy sẽ khổ sở vô cùng. Và sẽ thật may mắn lần nữa cho cái tài của anh, đấy là khi anh chọn được những tấm áo cho các ý tưởng, khiến nó trở nên quyến rũ, hấp dẫn, lôi cuốn, và mỗi lúc một ghi dấu ấn cá nhân anh mạnh mẽ hơn trong thế giới thể loại mà anh đang dấn thân.
Tôi thích màu đỏ của Sáng, tất cả những bức khoảng vài ba tháng trở lại đây. Những khoảng tròn quen thuộc, những đường viền mờ hầu như không có ranh giới, sự uyển chuyển của đậm nhạt, sự bí ẩn khi đối lập với các mảng đen thẫm... nó cho thấy là Sáng luôn làm chủ được rực rỡ, kiềm chế được chói lóa lòe loẹt không cần thiết và vô nghĩa, đối với ý tưởng mà anh dịch chuyển bản thân anh sang một vị trí khác, vẫn trên cái hành trình không bao giờ thấy đích của nghệ thuật ấy.
Vẫn là một A Sáng điềm tĩnh và dữ dội, khiêm nhường và kiêu hãnh, bạo liệt nhưng tinh tế; vẫn những đường cong của cơ thể phụ nữ - một niềm si mê mà không bao giờ Sáng giấu giếm, vẫn những mộng mơ và biến ảo, sự giao thoa, giao hòa, tiếp giáp và lấn sâu của trời và đất, thực và ảo, thiên nhiên và con người; Vẫn một tinh thần thiền, tĩnh tại, an yên, dễ chịu lan tỏa. Đôi khi tranh của anh dữ dội tới mức khiến trái tim người xem loạn nhịp, nhưng vẫn có một cái gì đó níu giữ, một cái ranh giới dù rất mỏng manh nhưng rắn chắc. Cái ranh giới ấy phụ thuộc vào bản lĩnh, sự thông minh, tinh nhạy của người cầm cọ.
Tác phẩm Mẫu tử của Hoàng A Sáng.
Sen, phụ nữ, trẻ em gái, cây, bầu trời khoáng đạt, mặt đất mênh mông, ngựa, bình minh và hoàng hôn, trăng..., tất cả vẫn là một Hoàng A Sáng đến từ Cao Bằng, kiêu hãnh có thừa, và khiêm nhường cũng có thừa.
3. Với Miền A Sáng 2, chắc chắn mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau về Hoàng A Sáng. Với tôi, bước tiến này của Sáng không quá dài, quá xuất sắc, nhưng nó vững chắc. Sự vững chắc cho thấy một nội lực, một khát vọng, một si mê với hội họa, ít bị chi phối bởi tất cả những gì đến từ bên ngoài, như là xu hướng nội, ngoại, như là thị hiếu người chơi, như là những thách thức lớn của thị trường tranh...
Sáng vẽ tranh để chơi, mặc dù theo như tôi biết thì cho đến thời điểm này, Sáng đã có một vị trí nhất định trong giới hội họa đương đại. Cái tên Hoàng A Sáng đã xuất hiện trong danh sách tìm kiếm, lựa chọn của nhiều người chơi tranh, cả trong nước cả quốc tế. Hơn bốn mươi tuổi, có một sự nghiệp, và được ghi danh, không phải là chuyện dễ mà có được. Có người nói rằng, việc tạo ra một phong cách sẽ có mặt trái của nó là sự lặp lại, văn chương hay hội họa cũng vậy. Nhưng ngược lại, nếu không có cái gọi là sự “lặp lại” ấy, thì lấy đâu ra một phong cách. Cứ như vậy thì anh sẽ chỉ là một người thợ đào giếng vụng về, suốt đời đào mà không gặp một cái giếng nào có nước.
Ở vào thời điểm này, những gì anh đang làm cho thấy một phong độ chưa hề giảm sút, một bản lĩnh chưa hề bị lung lay và một biên độ sáng tạo ngày càng mở ra, rộng ra. Đôi khi tôi nghĩ, Sáng từ núi rừng về một đô thị lớn, chân vẫn quen nhấc cao đầu gối ngay cả khi đi giữa phố phường bằng phẳng, nên có cái liều của kẻ không biết, nên không thấy sợ, có cái tự tin của kẻ lạc lõng, đơn độc. Lạc lõng, đơn độc trong nghệ thuật đôi khi mang tới sự độc quyền, chẳng có ai tranh giành, xâm lấn vào cái mảnh đất mà mình đang lủi thủi cày xới gieo trồng. Và vì thế, cứ vui vẻ mà gặt hái những mùa màng ấy thôi.
Tôi thường thấy các họa sĩ có những bức chân dung tự họa, Hoàng A Sáng thì chưa cho tôi xem một bức tự họa nào. Nhưng tôi thấy, cách mà các họa sĩ tự họa chân dung mình chính xác nhất, không phải là một bức họa cụ thể mà chính là cả sự nghiệp của họ. Ngắm một bức tranh, người xem có thể gọi tên họa sĩ, đấy chính là cách khắc họa chân dung xuất sắc nhất trong một sự nghiệp đắm chìm vào màu sắc, đường nét, hình khối. Chân dung Hoàng A Sáng nằm ở các bức tranh của anh. Chính là như vậy!
Họa sĩ, nhà văn, nhà báo Hoàng A Sáng người dân tộc Tày, sinh năm 1976 ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Anh đã in một số cuốn sách như: Thằng Páo (truyện dài cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng), Thân xác (tiểu thuyết, NXB Phụ nữ)...
Triển lãm Miền A Sáng 2 khai mạc chiều 1-10 và mở cửa đến ngày 5-10 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội). Triển lãm giới thiệu 30 bức sơn dầu sáng tác thời gian qua của họa sĩ Hoàng A Sáng.