Hoằng Châu nỗ lực 'cán đích' nông thôn mới nâng cao
Sau khi đạt chuẩn NTM vào năm 2019, xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) tiếp tục nâng cao các tiêu chí làm bước đệm để thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao. Với sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cao của cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân, diện mạo nông thôn trên toàn xã ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh; chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên.
Cùng với nguồn vốn của Nhà nước, Nhân dân thôn Phú Quang đóng góp xây dựng nhà văn hóa khang trang, rộng rãi.
Đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế
Với quan điểm XDNTM phải bắt đầu từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, lấy “sức dân để lo cho dân”, ngay khi bắt đầu thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, NTM nâng cao, xã Hoằng Châu đã nỗ lực phát triển kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp dựa trên thế mạnh của địa phương, kết hợp các mô hình sản xuất luân canh, xen canh cây trồng; tổ chức các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại thu nhập cho người dân.
Để cảm nhận sự đổi thay của xã, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Lan đưa chúng tôi ra ngoại đê - “thủ phủ nuôi tôm” của xã. Đứng trên đê nhìn thấy hàng chục ao nổi hình trụ được phủ mái che trắng toát như những cây nấm khổng lồ, lô nhô... nổi lên giữa cánh đồng nuôi trồng thủy sản. Bà Lan nói: “Những năm trước, nơi này bà con chủ yếu nuôi tôm quảng canh, nhưng do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát dịch bệnh nên bà con dần chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC). Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC của các hộ dân đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho nghề nuôi tôm ở xã”.
Dừng chân tại khu nuôi tôm của gia đình ông Cao Văn Thành - hộ đầu tiên đưa mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC vào đồng đất Hoằng Châu đúng thời điểm gia đình đang tất bật thu hoạch tôm bán cho thương lái từ tỉnh ngoài đến thu mua. Nhìn những rổ tôm được vớt lên từ ao nuôi, bắn nước tung tóe, bà Lan cho biết: Xã Hoằng Châu hiện có 432 ha nuôi trồng thủy sản ngoại đê, trong đó có 18,4 ha nuôi ứng dụng CNC (diện tích ao nuôi thực tế có mái che 6,97 ha), đạt năng suất từ 30 tấn/ha. Trong đó, hộ ông Thành xây dựng được 10 ao nuôi, mỗi ao có diện tích trên 500m2, nếu thời tiết thuận lợi, gia đình ông nuôi gối được từ 3 - 5 vụ, mang về nguồn thu nhập không nhỏ.
Cũng như ông Thành, ông Nguyễn Văn Suốt đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích nuôi tôm quảng canh sang đầu tư các ao nuôi tôm ứng dụng CNC. Nhiệt tình dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng các ao nuôi, nơi xử lý nguồn nước, các thiết bị điều hòa nước, không khí trong ao nuôi... ông Suốt cho biết: “Làm nghề gì cũng phải có đam mê, nếu không đam mê thì tôi bỏ nghề lâu rồi. Bởi, năm 2021 khi thả lứa giống đầu tiên bị thất bại, tôi quyết tâm “phục thù” bằng cách đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm ứng dụng CNC. Khi tích lũy được “lưng vốn” kinh nghiệm, tôi về cải tạo toàn bộ khu nuôi tôm, phân thành 12 ô nuôi, mỗi ô có diện tích từ 500 đến 600m2; nếu gối vụ nuôi trong năm cũng được từ 3 - 4 lứa, so với nuôi tôm quảng canh thì thu nhập cao hơn rất nhiều. Hiện, gia đình đang giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên, với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng; còn đến thời vụ dọn ao, thu hoạch... có lúc từ 30 - 35 người làm”.
Rời “thủ phủ nuôi tôm”, bà Lan dẫn chúng tôi tới cánh đồng rau màu. Nhìn những ruộng ngô ngọt xanh mướt mát, ruộng măng tây, hoa lý, hoa cúc, cây ăn quả... đang được chăm bón cẩn thận, mới thấy hết được sự cần cù, chịu khó, nỗ lực của người dân Hoằng Châu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bà Trương Thị Tơ ở thôn Tiến Thắng nói: “Mùa nào thức ấy, bà con trong xã không cho đất nghỉ. Cứ luân canh, gối vụ để sản xuất. Vì vậy, gia đình tôi hiện có 4.000m2 đất trồng rau màu và hoa cúc bán trong dịp tết, giờ muốn mở rộng khu đất ra để sản xuất cũng không có đất. Bởi, bà con quý đất sản xuất lắm”.
“Bên cạnh phát triển nông nghiệp, xã cũng khuyến khích bà con phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, xuất khẩu lao động và “đầu quân” cho các doanh nghiệp... từ đó thu nhập bình quân đầu người từ 10,1 triệu đồng năm 2012 lên 65,31 triệu đồng năm 2023”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Lan cho biết.
Huy động sức dân
Cùng với đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Hoằng Châu cũng đã tập trung xây dựng hạ tầng, trong đó tranh thủ nguồn vốn của Nhà nước, sự đồng thuận trong Nhân dân để đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, các thiết chế văn hóa, phát triển phong trào văn hóa - thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Toàn xã có 32,05 km đường giao thông các loại, trong đó đường liên xã 4,2 km, đường xã 7 km, đường trục thôn 11,5 km, ngõ xóm 9,35 km đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% tuyến đường đều có điện chiếu sáng và trồng cây xanh; 3,3 km đường nội đồng đã được cứng hóa; các công trình trường, trạm đạt chuẩn theo quy định; 10/10 thôn có nhà văn hóa, với diện tích quy hoạch từ 300 - 800m2, quy mô xây dựng từ 150 chỗ ngồi trở lên, được bố trí đầy đủ trang thiết bị, đảm bảo phục vụ tốt các sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân. Bên cạnh đó, các thôn đều bố trí xây dựng khu thể thao thôn với diện tích quy hoạch từ 500m2 - 3.000m2. Tại các khu thể thao thôn được bố trí các dụng cụ tập luyện thể dục - thể thao đơn giản và dụng cụ vui chơi giải trí cho trẻ em.
Nhìn những gương mặt rạng ngời, nụ cười vui vẻ của những người cao tuổi thôn Phú Quang khi đứng nhìn các cháu nhỏ làm quen với các dụng cụ tập thể dục được lắp đặt tại sân nhà văn hóa, mới thấy được thành quả của sự đoàn kết, đồng thuận trong Nhân dân khi cùng chung tay góp công, góp của xây nên nhà văn hóa.
Bí thư Chi bộ thôn Phú Quang Nguyễn Văn Phương cho biết: Có được khu đất rộng 3.800m2 để xây nhà văn hóa thôn và khuôn viên xung quanh là nhờ sự đồng thuận của Nhân dân. Bởi, khi xã có chủ trương dồn điền, đổi thửa lần 3, giao cho các thôn vận động Nhân dân hiến mỗi khẩu 6m2 đất nông nghiệp dùng vào mục đích công ích để lấy quỹ đất xây dựng nhà văn hóa. Riêng thôn Phú Quang có hộ cựu chiến binh Nguyễn Thị Toan, hiến 700m2 cho thôn xây dựng nhà văn hóa. Đến khi khởi công xây dựng nhà văn hóa, Nhân dân trong thôn hào hứng đóng góp tiền xây dựng, với tổng số vốn xây dựng công trình là 800 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 120 triệu đồng, còn lại Nhân dân đóng góp. Từ khi nhà văn hóa và khuôn viên được xây dựng xong, sáng sớm và chiều tối sân nhà văn hóa lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói, tiếng cười của người già và trẻ nhỏ.
Qua tìm hiểu được biết, khi bắt đầu XDNTM nâng cao, qua rà soát các tiêu chí, toàn xã Hoằng Châu có 9/19 tiêu chí đạt. Để hoàn thành các tiêu chí còn lại, xã đã huy động mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực đầu tư từ Nhân dân là 138 tỷ 60 triệu đồng, chiếm 75,68% trên tổng số kinh phí XDNTM nâng cao (Nhân dân đóng góp bằng tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất mở đường để xây dựng các công trình phúc lợi trị giá 8 tỷ đồng; nguồn đầu tư xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp 130 tỷ 360 triệu đồng).
Trao đổi thêm với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Châu Nguyễn Văn Bốn cho biết: Trong XDNTM nâng cao, xã đã tính toán, cân nhắc, ưu tiên các tiêu chí thiết thực để nâng cao đời sống Nhân dân. Song, cũng phải tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng thuận của Nhân dân để thực hiện tiêu chí “cứng” về hạ tầng, còn các tiêu chí “mềm” như môi trường, an toàn thực phẩm, văn hóa... không cần nhiều kinh phí nhưng cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng tham gia thực hiện. Đến nay xã đã hoàn thành xong các tiêu chí XDNTM nâng cao. Thời gian tới sẽ tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí để phấn đấu “cán đích” NTM kiểu mẫu trong năm 2024.