Hoàng đế không ngai vĩ đại chết bởi 23 nhát dao đau đớn
Julius Caesar (100 – 44 TCN) là nhà độc tài của La Mã cổ đại. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc nội chiến, Julius Caesar trở thành công dân số một, nhà lãnh đạo đứng đầu Viện Nguyên lão của La Mã. Caesar được hậu thế suy tôn là hoàng đế không ngai vĩ đại nhất trong lịch sử.
Để giành được quyền lực về tay mình, Julius Caesar đã đánh bại đối thủ lớn nhất là Pompey (Pompey vĩ đại). Sau chiến thắng trước Pompey, Julius Caesar trở thành công dân số một của thành Rome, đứng đầu Viện Nguyên lão, cai trị nhà nước La Mã cổ đại.
Julius Caesar đã đánh bại Pompey trong trận đánh kinh điển ở Pharsalus vào ngày 9/8/48 TCN. Thất bại trong trận đánh này khiến Pompey phải chạy sang Ai Cập và bị ám sát sau đó. Caesar trở về Rome với địa vị chính trị mới, được bổ nhiệm làm thống chế và thành nhà lãnh đạo độc tài cùng điều hành công việc với một Viện Nguyên lão được cải tổ. Đầu năm 44 TCN, Caesar được bầu làm lãnh đạo tối cao mãi mãi của Cộng hòa La Mã, trở thành hoàng đế không ngai.
Theo sách "Danh tướng, nhà cầm quân vĩ đại trong lịch sử", giành thắng lợi to lớn nhưng nhiệm kỳ ngắn ngủi đó chỉ kéo dài được vài tháng trước khi Caesar bị một nhóm nghị sĩ trong Viện Nguyên lão lập mưu sát hại bằng 23 nhát dao chí mạng. Sau khi qua đời, Caesar được suy tôn làm vị thần của La Mã.
Khi còn sống, Julius Caesar từng có cuộc tình kéo dài với nữ hoàng Ai Cập Cleopatra cho đến khi qua đời. Chính Caesar là người đã giúp nữ hoàng Ai Cập củng cố quyền lực, dẹp bỏ các thế lực để nắm giữ ngôi báu.
Sau khi Julius Caesar qua đời, người con nuôi Augustus (Gaius Octavius) được kế thừa sự nghiệp của ông. Gaius Octavius đã trở thành vị Hoàng đế đầu tiên của Đế quốc La Mã, cai trị đất nước từ năm 27-14TCN.
Theo sách "Lịch sử thế giới cổ trung đại", đế quốc La Mã là một quốc gia cổ đại hùng mạnh ở châu Âu tiếp nối sau Cộng hòa La Mã. Đế quốc này có diện tích khoảng 2,7 triệu km2, thủ đô là thành phố Rome.