Hoàng Diệu - vị Tổng đốc thương dân, tiết tháo
Cuối đời, Hoàng Diệu gắn bó với Hà Nội, tuẫn tiết ở Hà Nội chứ không chịu hàng giặc Pháp. Nơi ông chọn để quyên sinh chính là Võ Miếu. Theo các nhà sử học thì Võ Miếu xưa ở góc phố mang tên ông giao nhau với đường Điện Biên Phủ, Hà Nội ngày nay.
Hoàng Diệu được triều đình Huế giao trọng trách là Tổng đốc Hà Ninh, tức là trung tâm của vùng Bắc Bộ hiện nay, trong đó có cả Bắc Thành (Hà Nội) và Ninh Bình. Ông còn lãnh chức Thượng thư Bộ Binh của nhà Nguyễn, tương đương Bộ trưởng Quốc phòng ngày nay.
Trong thời gian làm quan ở Hà Nội, ông đã chăm lo đời sống của nhân dân và kiên quyết bài trừ tệ nạn. Năm 1881, ông cùng với Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng cho khắc tấm bia “Thân cấm khử tệ” (Lệnh cấm các tệ nạn), hiện được gắn vào tường của cửa ô Quan Chưởng (quận Hoàn Kiếm). Một tấm bia “Thân cấm khử tệ” nữa được lưu giữ trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Tấm bia nói đến tệ nhũng nhiễu của bọn tuần phòng: “Nhà dân có việc tang ma, tất cả bọn đến chiếm cứ địa phương vòi vĩnh tang gia, chẳng kể xa gần, nhiều ít, cố ý đòi giá, không theo phép tắc cản trở người ta”. Có đoạn còn nói cụ thể hơn: “Năm Tự Đức thứ 32 (1879), có người ở phố Hàng Bạc là Lã Khắc Tế, nhà nghèo, con mồ côi 6 tuổi ốm chết, cho nên thuê 4 người khiêng áo quan mà điếm phu sở tại bắt thuê 8 người, vòi tiền 24 quan mới nhận làm. Lần ấy, hàng xóm gần gũi bất đắc dĩ phải quyên góp đủ số tiền ấy để chúng làm”. Căn nguyên “là tại ở lý dịch dung dưỡng bọn đó, nhân các việc cưới xin, tang ma và thường ngày trông vào thuyền bè bến sông cùng tạp vật buôn bán trên chợ mà giật cướp lung tung, thậm chí tới cuối năm xông vào nhà người ta vòi tiền 3-5 quan, bất chấp cả phép tắc, vu oan giáo họa”.
Tấm bia ngăn cấm sự nhũng nhiễu: “Đối với phu điếm và những kẻ được dung dưỡng xin cấm chuyện sách nhiễu để chấn chỉnh phong tục trong dân. Ngoài ra, chuyển cho các viên chức đó khuyên góp khắc một tấm bia đá dựng trước nha môn ấy hoặc quay mặt ra ngoài quan lộ để mọi người qua lại đều biết các lời bẩm báo về việc làm. Và theo lời bẩm báo thì bọn lý dịch ở hạt ấy, bình nhật không phải không thông đồng với nhau, dung túng bọn phu điếm và không nghiêm cấm bọn được nuôi dưỡng cứu giúp, dẫn đến thói quen tệ hại quá mức, cần phải nghiêm cấm. Nếu ở nơi nào vẫn còn tình cảnh tệ hại như vậy, phát giác ra thì phải trừ bỏ kẻ phạm tội ấy cũng như trị nặng người trong làng, tổng”.
Trước khi ông làm Tổng đốc Hà Ninh, Hoàng Diệu đã kinh qua các chức vụ như Tri phủ Đa Phúc, Lạng Giang, Án sát Nam Định, Bố chính Bắc Ninh. Ở đâu, ông cũng được dân chúng yêu mến bởi sự liêm chính, thương dân.
Trước nguy cơ quân Pháp xâm lược, triều đình Nguyễn, đứng đầu là vua Tự Đức nhu nhược, chấp nhận đầu hàng, nhưng Tổng đốc Hoàng Diệu sớm nhìn thấy dã tâm cướp nước của chúng nên đã cùng quân dân Hà Nội quyết tử đến cùng. Sớm ngày 25 tháng 4 năm 1882, Đại tá Henri Riviere đã cho 4 tàu chiến đánh thành Hà Nội, vấp phải sự kháng cự của quân đội do Hoàng Diệu chỉ huy nên phải tạm thời rút lui. Sau đó, quân Pháp dùng mưu đốt kho thuốc súng của Hà Nội, thừa cơ phá được cổng Tây của thành Hà Nội.
Hoàng Diệu đã ra lệnh cho tướng sĩ rút lui để tránh thương vong. Mình ông thảo tờ di biểu, trong đó có đoạn: “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất”, rồi ra trước Võ Miếu dùng khăn bịt đầu để thắt cổ tự tử.
Di tích của trận công phá thành Hà Nội lần này, chính là những vết đạn đại bác hằn sâu vào đoạn thành Cửa Bắc. Về sau, quân Pháp cố tình giữ lại coi như “chiến tích”. Còn đối với chúng ta, đấy là di tích buổi đầu chống Pháp và nhớ đến người chỉ huy tiết tháo giữ thành.
Người dân thương tiếc Hoàng Diệu, người con của đất Quảng Nam (làng Xuân Đài, thị xã Điện Bàn), có tâm với mảnh đất Hà Nội. Ông được thờ trong đền Trung Liệt trên gò Đống Đa cùng với Nguyễn Tri Phương. Vua Tự Đức mặc dù không ủng hộ việc ông chống Pháp tại thành Hà Nội, nhưng cũng nhận ra tấm lòng tiết tháo của ông, cũng phải hạ chiếu khen ông và cho tổ chức quốc tang ở tỉnh Quảng Nam, quê hương ông.
Giáo sư Trịnh Sinh