Hoàng Đình Giong - cán bộ chính trị, quân sự cấp cao thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng và quân đội
Quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Đình Giong trở thành cán bộ chính trị, quân sự cấp cao lớp đầu tiên của Đảng, của quân đội. Đồng thời, là người cán bộ có đức độ, tài năng, có nhiều công lao trong thời kỳ vận động cách mạng và những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Gây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng - Lạng Sơn
Hoàng Đình Giong sớm có tư tưởng yêu nước, từ những năm 1923 - 1926, anh bí mật tuyên truyền tư tưởng yêu nước trong học sinh, thanh niên, vận động họ gia nhập các tổ chức yêu nước. Mùa thu năm 1927, Hoàng Đình Giong ra nước ngoài để liên lạc với tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Long Châu (Trung Quốc). Đến tháng 11/1927, Hoàng Đình Giong dự lớp huấn luyện chính trị của Hội. Ngày 19/6/1928 được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại cơ sở Long Châu (Trung Quốc) và phụ trách một số công việc của Tổng bộ Hội, có nhiệm vụ giới thiệu những thanh niên yêu nước sang Long Châu dự các lớp huấn luyện chính trị của Hội, học xong trở lại Cao Bằng hoạt động. Năm 1928, Hoàng Đình Giong mời Hoàng Văn Nọn, năm 1929 mời Lê Đoàn Chu cùng với một số thanh niên Cao Bằng sang Long Châu dự lớp huấn luyện. Sau đó kết nạp vào Hội và cử về Cao Bằng hoạt động.
Tại Long Châu, đồng chí Giong gặp lại Hoàng Văn Thụ. Hai đồng chí tích cực hoạt động, đào tạo cán bộ Cao Bằng, Lạng Sơn. Tháng 12/1929, đồng chí Lê Hồng Sơn kết nạp Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn vào Đông Dương Cộng sản Đảng và thành lập Chi bộ Hải ngoại ở Long Châu (Trung Quốc), Hoàng Đình Giong được bầu làm Bí thư Chi bộ. Với vai trò là Bí thư Chi bộ, đồng chí được Đảng giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng và Lạng Sơn.
Trên cơ sở ra đời của các tổ chức cộng sản, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay sau khi thành lập, Đảng chủ trương xây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở các tỉnh và thành phố, trong đó có các tỉnh miền núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên...
Đầu năm 1930, đồng chí Giong cử Hoàng Văn Nọn về Cao Bằng hoạt động, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức tiến tới thành lập tổ chức Đảng ở Cao Bằng. Sau một thời gian kiểm tra phong trào và thử thách rèn luyện cán bộ, Hoàng Văn Nọn thay mặt Chi bộ Long Châu kết nạp hai đồng chí tiêu biểu trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Cao Bằng là Lê Đoàn Chu (Nam Cao, Lê Mới) và Nông Văn Đô (Bích Giang, Cát Lợi) vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng của Cao Bằng vào ngày 1/4/1930 tại Nặm Lìn (nay thuộc xã Hoàng Tung, huyện Hòa An) do Hoàng Văn Nọn làm Bí thư. Đây là chi bộ đầu tiên ở Cao Bằng, ngay từ lúc được thành lập đã làm nhiệm vụ như Ban Tỉnh ủy lâm thời, lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh.
Năm 1932, đồng chí Lê Hồng Phong, phái viên Quốc tế Cộng sản từ Liên Xô về Trung Quốc, tìm cách bắt liên lạc về nước nắm tình hình, củng cố các cơ sở đảng sau cuộc khủng bố đẫm máu của thực dân Pháp. Tại Long Châu, “Đồng chí Lê Hồng Phong đã gặp đồng chí Giong tìm hiểu kỹ phong trào cách mạng tỉnh Cao Bằng, giúp Đảng bộ tỉnh Cao Bằng mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ, xây dựng Cao Bằng thành cầu nối giữa Ban lãnh đạo Trung ương của Đảng với phong trào cách mạng trong nước”. Sau khi gặp Lê Hồng Phong, đồng chí Giong nhận kế hoạch về nước với nhiệm vụ từ Cao Bằng bắt liên lạc về xuôi.
Tại Lạng Sơn, thực hiện chủ trương của Chi bộ Long Châu, đến cuối năm 1931, Hoàng Văn Thụ chỉ đạo tuyên truyền, giác ngộ, tập hợp 10 tổ chức quần chúng cách mạng với 30 người ở các làng biên giới thuộc Văn Uyên, từ đó mở rộng hoạt động ra các vùng xung quanh, xây dựng được địa bàn, đường dây liên lạc cho của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam giữa hai vùng biên giới.
Từ những cơ sở quần chúng cách mạng ban đầu ở Khưa Đa, Ma Mèo, Tân Yên, Tân Thanh, đến giữa năm 1933, phong trào cách mạng phát triển sang các xã Thụy Hùng, Hồng Phong, Phú Xá... Vượt qua sự kiểm soát gắt gao của chính quyền tay sai, các cơ sở quần chúng được hình thành và bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền mục tiêu cách mạng của Đảng. Để gây dựng tổ chức và phong trào có trọng điểm, Hoàng Văn Thụ và Đảng bộ đặc biệt Long Châu quyết định thành lập một tổ chức cơ sở đảng ở châu Văn Uyên để làm nòng cốt cho phong trào tỉnh Lạng Sơn. Được sự ủy nhiệm của Đảng, giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ và Đoàn Viết Thọ tới đình Háng Pài, thôn Khòn Pheo, xã Thụy Hùng, châu Văn Uyên (nay là xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc) tổ chức lễ kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Thụy Hùng, là Chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh Lạng Sơn với 5 đảng viên. Từ đó phong trào cách mạng ở Lạng Sơn ngày càng phát triển mạnh.
Chỉ đạo phong trào cách mạng ở Hải Phòng và Quảng Ninh
Đầu năm 1933, đồng chí Giong đến Hải Phòng công tác theo sự phân công của tổ chức. Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong nước, Đảng bộ Hải Phòng bị tổn thất nặng nề trước sự khủng bố gắt gao của thực dân Pháp, hàng trăm đảng viên và quần chúng cách mạng bị giam cầm, đày ải, số đảng viên của Đảng bộ còn lại ít, hệ thống tổ chức Đảng bộ bị tan vỡ, đòi hỏi phải khẩn trương khôi phục lại mới có thể tiếp tục tiến lên.
Trước tình thế cấp bách đó, đồng chí Giong đã kết nối với các đảng viên trung kiên để nắm rõ thêm tình hình và vạch ra kế hoạch cụ thể gây dựng lại các tổ chức cơ sở đảng ở vùng duyên hải, kết nạp ngay một số công nhân ưu tú vào Đảng để thành lập chi bộ mới và hướng dẫn quần chúng đứng lên đấu tranh. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, phong trào dần được phục hồi và các cuộc đấu tranh chống khủng bố, áp bức bóc lột, đòi tăng lương, thả tù chính trị liên tiếp nổ ra tại nhà máy tơ, thu hút nhiều xí nghiệp và nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia.
Năm 1934, được sự giúp đỡ của quốc tế cộng sản, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng được thành lập. Đồng thời, Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ được lập lại, đồng chí Giong là Ủy viên Xứ ủy và được phân công về Hải Phòng tổ chức gây dựng cơ sở. Lúc này, thực dân Pháp vẫn khủng bố dã man phong trào cách mạng, giết hại các đảng viên cộng sản trung kiên, số đảng viên của Đảng bộ chỉ còn 10 người. Đồng chí Giong kiên trì, nhẫn nại vượt qua bao thử thách, hiểm nguy, nối liên lạc với các đảng viên của Đảng bộ Hải Phòng, bàn kế hoạch xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên mới. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, các tổ chức Đảng đã liên kết lại với nhau như: Bến cảng, Nhà máy Xi măng, Lạc Viên, Hàng kênh, An Dương... Những năm 1934 - 1935, hàng loạt các chi bộ Đảng được khôi phục và trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng.
Để làm tốt công tác tuyên truyền, đồng chí Giong cho in nhiều tài liệu, truyền đơn phát động công nhân và quần chúng đấu tranh. Vì thế, phong trào bãi công, tăng lương, giảm giờ làm, đòi tự do, dân chủ, đòi thả tù chính trị nổ ra liên tiếp tại nhiều nhà máy và lan đến cả vùng nông thôn Kiến An (Hải Phòng). Hệ thống tổ chức cơ sở của Đảng bộ Hải phòng được củng cố, phong trào đấu tranh của quần chúng tiếp tục lan rộng và phát triển.
Những năm hoạt động ở Hải Phòng, đồng chí Giong đã sang vùng mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả (Quảng Ninh) trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Không khác gì Hải Phòng, Đảng bộ Quảng Ninh cũng trong tình trạng tổn thất nặng nề trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp. Hầu hết các tổ chức cơ sở đảng bị phá vỡ, nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên bị bắt giam, tù đày. Một số cuộc đấu tranh của công nhân ở khu mỏ Hà Lầm, Hà Tu, Cẩm Phả, Mông Dương bị thực dân Pháp khủng bố, kiểm soát gắt gao. Đồng chí Giong tìm cách liên lạc với các đảng viên còn lại như: Phạm Văn Gia, Nguyễn Văn Ngư, Nguyễn Đức Cư để nắm rõ tình hình và chỉ đạo thành lập các cơ sở đảng, gây dựng phong trào quần chúng. Trước hết là tổ chức Hội Ái hữu, Công Hội đỏ làm nòng cốt để tập hợp lực lượng quần chúng đứng lên đấu tranh, qua đó phát hiện những hạt nhân ưu tú để phát triển đảng viên. Từ đây, các cơ sở đảng lại ra đời liên kết thành hệ thống, phong trào cách mạng ở Quảng Ninh tiếp tục phát triển.
Trong quá trình hoạt động ở Hải Phòng, Quảng Ninh, đồng chí có lúc về Cao Bằng, ra nước ngoài báo cáo tình hình, nhận chỉ thị mới của cấp trên rồi trở lại vị trí công tác, tựa như “cánh chim đại bàng” sải cánh không hề ngưng nghỉ, góp phần quan trọng khôi phục và phát triển phong trào cách mạng giai đoạn 1933 - 1935.
Trước khi bước vào Đại hội Đảng lần thứ I, ở Long Châu (Trung Quốc) đã diễn ra hội nghị trù bị để tiến tới đại hội. Tại hội nghị này, đồng chí Giong và Bùi Bảo Vân được bầu tham dự Đại hội Đảng lần thứ I. Cuối tháng 3/1935, Đại hội Đảng lần thứ I được tổ chức trọng thể tại Ma Cao (Trung Quốc). Với sự phấn đấu liên tục, không mệt mỏi cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc, đồng chí Giong vinh dự được đại hội bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc trách Xứ ủy Bắc Kỳ. Sau đại hội, Chi bộ Long Châu được nâng lên thành Đảng bộ và do đồng chí Giong phụ trách.
Thời gian hoạt động tại Hải Phòng, Quảng Ninh, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, đồng chí một lòng tận tụy, kiên trung với sự nghiệp cách mạng của Đảng, vượt qua bao khó khăn thử thách, hiểm nguy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khôi phục các tổ chức cơ sở đảng giành thắng lợi lớn, góp phần cùng cả nước tạo nên tiền đề quan trọng cho cao trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ giai đoạn 1936 - 1939. Sự cống hiến và tình cảm cách mạng sáng ngời của đồng chí để lại những ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc, mãi không thể nào quên trong lòng nhân dân tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh những năm 1933 - 1936.
Ở Cao Bằng, với những quyết định sáng suốt, kịp thời, khéo léo của đồng chí Hoàng Đình Giong đã giúp lực lượng cách mạng thực hiện cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành thắng lợi. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Cao Bằng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của nhân dân Việt Nam trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.