Hoàng Hà Mobile: Nợ phải trả cao gấp 9 lần vốn chủ sở hữu, thoát lỗ nhờ thu nhập khác
Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Thương mại Hoàng Hà sở hữu thương hiệu Hoàng Hà Mobile, được biết đến là ở nhà bán lẻ chuyên cung cấp các sản phẩm công nghệ chính hãng tại thị trường Việt Nam.
Hoàng Hà Mobile doanh thu nghìn tỷ nhưng lợi nhuận chỉ vài trăm triệu đồng.
Dư nợ cao, tồn kho lớn
Năm 1996, Hoàng Hà Mobile bắt đầu nghiên cứu và tham gia vào các đơn vị kinh doanh công nghệ. Năm 2020 ghi nhận dấu ấn lớn trên thị trường khi trở nhà bán lẻ ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam.
Hiện Hoàng Hà Mobile có hệ thống hơn 120 chi nhánh phủ trên khắp cả nước, có trung tâm bảo hành tại Hà Nội và TP.HCM.
Năm 2023 các doanh nghiệp ngành bán lẻ công nghệ đối mặt với nhiều khó khăn, có công ty ghi nhận tăng trưởng âm. Hiện Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Thương mại Hoàng Hà chưa công bố kết quả kinh doanh các quý của năm 2024, nhưng theo dữ liệu Đầu tư Chứng khoán có được, bức tranh kinh doanh năm 2023 của Hoàng Hà cũng cho thấy năm qua là năm khó khăn chung của các doanh nghiệp bán lẻ công nghệ.
Cụ thể, tính đến hết ngày 31/12/2023, Hoàng Hà Mobile có tổng tài sản 1.326 tỷ đồng, cao hơn 27,6% so với con số đầu năm. Tuy nhiên, chiếm đến 90% trong tổng tài sản là nợ phải trả với số dư nợ của năm 2023 là 1.194,4 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm. Trong tổng nợ của Hoàng Hà Mobile, phải trả người bán ngắn hạn chiếm 68% với hơn 814 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 370 tỷ đồng, chiếm gần 31%.
Cũng theo báo cáo tài chính năm 2023, vốn chủ sở hữu của Công ty tính đến 31/12/2023 là 131,6 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả đang gấp 9 lần vốn chủ sở hữu.
Thông thường, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bắt đầu được xem là tình trạng báo động khi tỷ lệ lên đến 3/1, tuy nhiên cũng có một số trường hợp ngoại lệ, nhưng các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp, bất động sản hay phân phối, bán lẻ...
Xét các doanh nghiệp trong ngành phân phối bán lẻ đang niêm yết, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2023 của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT), tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 6,6. Tại Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG) tỷ lệ này năm 2023 là 1,5. Như vậy, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Hoàng Hà Mobile năm 2023 vẫn ở mức cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp tên tuổi khác trong ngành.
Xét về dòng tiền, theo Báo cáo tài chính năm 2023, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động của Công ty Hoàng Hà trong năm âm 6,87 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số âm 159,4 tỷ đồng trong năm 2022. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 19,3 tỷ đồng, cũng giảm so với âm 27,9 tỷ đồng của năm trước.
Hàng tồn kho của Hoàng Hà Mobile tính đến hết năm 2023 là hơn 996,6 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2022.
Doanh thu nghìn tỷ nhưng lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh
Về kết quả kinh doanh năm 2023, Hoàng Hà Mobile ghi nhận doanh thu đạt hơn 4.858 tỷ đồng, gần như đi ngang so với kết quả 4.851 tỷ đồng của năm 2022. Tuy nhiên, giá vốn năm 2023 cao hơn so với năm 2022 (năm 2023 giá vốn hơn 4.574 tỷ đồng, năm 2022 giá vốn 4.566 tỷ đồng) nên lợi nhuận gộp năm 2023 của Công ty đạt 283,8 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số đạt được 285,4 tỷ đồng của năm 2022.
Trong năm 2023, chi phí tài chính trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay công ty tăng hơn so với năm 2022, ghi nhận 25,3 tỷ đồng (tăng hơn 58% so với năm 2022). Cùng với đó chi phí bán hàng (hơn 263,6 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 3,89 tỷ đồng (tăng 43% so với năm 2022), dẫn tới lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2023 của Công ty ghi nhận con số âm 4,96 tỷ đồng, trong khi năm 2022 có lãi 3,7 tỷ đồng.
Nhờ ghi nhận một khoản thu nhập khác là 6,14 tỷ đồng, giúp Hoàng Hà tránh được thua lỗ trong năm 2023. Theo đó, năm 2023, Hoàng Hà Mobile ghi nhận lãi trước thuế chỉ hơn 681 triệu đồng; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 445 triệu đồng, giảm 90% so với kết quả thực hiện của năm 2022 (lãi 4,58 tỷ đồng).