Hoàng hậu Camilla phá vỡ truyền thống
Hoàng hậu Camilla tiếp tục phá vỡ truyền thống khi có thể không cầm vương trượng ngà voi trong lễ đăng cơ của Vua Charles. Động thái này được cho là để lấy lòng Hoàng tử William.
Lễ đăng quang của Vua Charles ngày một cận kề. Trong khi quân vương nước Anh phải xử lý rắc rối liên quan đến vợ chồng con trai út, Hoàng hậu Camilla có những quyết định thay đổi lịch sử.
Giữa tháng 2, Cung điện Buckingham xác nhận Hoàng hậu Camilla sẽ đội vương miện của Hoàng hậu Marry, vợ Vua George V (trị vì 1910–1936), trong lễ đăng cơ. Theo thông lệ, vương miện của nhà vua là bảo vật cha truyền, con nối, còn các hoàng hậu sẽ đội vương miện mới cho lễ đăng quang. Bà Camilla thay đổi quy tắc lâu đời bằng việc dùng lại đồ của Hoàng hậu Marry. Điểm đáng chú ý, vị quốc mẫu 76 tuổi bỏ viên kim cương 105 carat Koh-i-Noor nổi tiếng, có biệt danh là “Núi ánh sáng”, thường được phụ nữ đứng đầu Hoàng gia Anh sử dụng kể từ khi nó được tặng cho Nữ hoàng Victoria năm 1850.
Động thái này nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên gia vì tránh được rủi ro ngoại giao trong bối cảnh cả Ấn Độ, Pakistan, Iran và Afghanistan đều tuyên bố quyền sở hữu đối với viên đá quý. Ấn Độ cũng cảnh báo Koh-i-Noor mang lại ký ức đau đớn về chủ nghĩa thực dân Anh.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 29/3, Private Eye đưa tin Hoàng hậu Camilla có thể không sử dụng vương trượng bằng ngà voi truyền thống trong lễ đăng cơ của chồng. Theo tạp chí, vương trượng giống như vật bất ly thân với các Hoàng hậu Anh kể từ năm 1685 trong sự kiện lên ngôi. Đáng ngạc nhiên hơn khi nguyên nhân của quyết định này được cho là đến từ Hoàng tử William – một người yêu voi.
Từ lâu, Thân vương xứ Wales được biết đến là nhà hoạt động kiên định và mạnh mẽ chống lại vấn nạn buôn bán ngà voi. Anh đặc biệt lên án những kẻ săn trộm giết hại các loài có nguy cơ tuyệt chủng vì tiền và những kẻ kiếm lợi từ hoạt động này. Tháng 8/2022, William công khai biểu lộ sự hài lòng với bản án 5 năm tù do tòa án Mỹ tuyên cho Moazu Kromah, đối tượng đến từ Uganda đã âm mưu buôn lậu ngà voi và sừng tê giác trị giá hàng triệu USD.
Tuy nhiên, ngay cả những người ủng hộ chiến dịch trên cũng thắc mắc tại sao quan điểm của William lại ngăn cản việc sử dụng chiếc vương trượng có tuổi đời hơn 330 năm. Bảo vật hoàng gia này không hề có nguy cơ bị bán vì lợi nhuận, luôn được cất giữ trong Ngôi nhà trang sức tại Tháp London (Anh).
Vương trượng do Sir Robert Vyner, thợ kim hoàn hoàng gia, chế tác cho Maria xứ Modena, vợ thứ hai của Vua James II và VII. Bảo vật dài khoảng 91,44 cm, được làm từ 3 phần ngà voi. Trên đỉnh có hình con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh.
Một phát ngôn viên của Cung điện Buckingham cho biết báo cáo của tạp chí Private Eye là không chính xác, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết hơn.
Hiện, truyền thông và dư luận Anh vẫn bán tín, bán nghi về thông tin không sử dụng vương trượng ngà voi. Theo Daily Mail, có thể tất cả thành viên Hoàng gia Anh đều phản đối ngà voi cổ.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoang-hau-camilla-pha-vo-truyen-thong-post1521852.tpo