Hoàng hậu 'đàn ông' và mối tình đồng tính khuynh đảo ngai vàng

Có thể nói, Hàn Tử Cao là mỹ nam đẹp nhất nhì lịch sử Trung Quốc. Người đàn ông này làm cho hoàng đế say mê đến độ muốn phong Hàn làm Hoàng hậu.

Đệ nhất mỹ nam

Hàn Tử Cao, dã sử còn gọi là Trần Tử Cao, vốn tên thật là Man Tử. Hàn Tử Cao là người Sơn Âm, Lương Triều, vốn xuất thân từ tầng lớp nghèo hèn, phải mưu sinh bằng nghề khâu giày. Nhưng trái ngược với hoàn cảnh sống tăm tối, hèn hạ, tương truyền chàng có diện mạo đẹp đẽ, sáng tươi như ngọc, tóc mượt đen dài, mắt đẹp mày tằm. Hàn Tử Cao còn có dáng hình tuấn tú, cao dong dỏng, đôi tay dài nhìn rất cuốn hút, khiến cả nam giới lẫn nữ giới đều yêu mến, đặc biệt các thì rất si mê.

Nhan sắc của Hàn Tử Cao được Phùng Mộng Long xếp vào hạng "cực phẩm".

Và quan trọng hơn là nhan sắc của họ Hàn là hoàn toàn tự nhiên chứ chưa động dao kéo. Người ta có thể nghi ngờ tâm địa của họ Hàn nhưng nhan sắc của y thì tuyệt nhiên không thể hoài nghi.

Hàn Tử Cao là mỹ nam đẹp nhất nhì Trung Quốc cổ

Hàn Tử Cao là mỹ nam đẹp nhất nhì Trung Quốc cổ

Tuy nhiên, những từ ngữ tuyệt mỹ khó hiểu có lẽ không thể giúp hình dung ra nhan sắc Hàn Tử Cao quyến rũ tới mức nào. Các sử gia không phải không hiểu điều đó. Vì thế, họ đã ghi lại không ít câu chuyện mà người dân vẫn không ngừng truyền tai nhau để minh chứng cho nhan sắc của họ Hàn.

Thời đại mà Hàn Tử Cao sống, bạo loạn nổi lên khắp nơi, giặc dã thường xuyên cướp bóc, chém giết không nương tay. Một lần khi đang ngồi đóng giày, Hàn Tử Cao thấy ầm ầm ngựa phi, tiếng hò hét kêu khóc ngày càng gần. Ngẩng lên thì đã thấy loang loáng ánh đao sắp kề vào cổ. Thế nhưng lúc Hàn Tử Cao nhìn thấy mặt kẻ định giết mình thì thanh đao cũng dừng lại, tên cướp chăm chăm nhìn mặt Tử Cao. Vẻ đẹp dịu dàng, tươi sáng của chàng thanh niên đã khiến tên cướp quen giết người không ghê tay đó chùn lại. Hàn Tử Cao thoát chết trong gang tấc. Chuyện còn kể rằng nhiều tên cướp khi nhìn thấy vẻ đẹp của Tử Cao đã vứt bỏ binh khí, chẳng nỡ tổn thương chàng dù là một sợi tóc, thậm chí còn kéo chàng chạy trốn khỏi đám hỗn loạn.

Mối tình đồng tính với vị vua "ái nam ái nữ"

Đến khi Hàn Tử Cao tình nguyện vào cung Nam Triều, tận tâm hầu hạ Trần Văn đế Trần Tây, một người ái nam ái nữ, thì người ta mới biết tại sao bao nhiêu xinh đẹp sẵn sàng đi theo mà chàng chẳng thèm đoái hoài. Vẻ đẹp dịu dàng, mềm mại của Hàn Tử Cao giờ đây cũng được nhìn nhận dưới góc độ của một kẻ “không ra nam, cũng chẳng ra nữ”.

Từ khi vào cung, Hà Tử Cao và Trần Tây quấn quýt nhau như hình với bóng, mặc lờ gièm pha của người trong cung lẫn quần thần.

Sử sách chép rằng, Trần Tây có hai tật xấu nổi tiếng: Một là thích đánh người và hai là không ngủ qua đêm ở phòng của bất kỳ ai khác, kể cả vợ. Tuy nhiên, kể từ sau khi có Hàn Tử Cao, lần đầu tiên Trần Tây phá lệ, thường xuyên đến phòng của Hàn Tử Cao ngủ qua đêm.

Đỉnh điểm của mối lệch lạc này là việc Trần Tây ngỏ ý muốn phong Hàn Tử Cao làm hoàng hậu. Nhưng đây là việc từ cổ chí kim chưa một ai dám làm. Trần Tây tuy lòng có ý nhưng vẫn băn khoăn, Hàn Tử Cao bèn nói: “Từ thời đã có nữ vương thì tất cũng phải có nam hoàng hậu. Nếu như chúa công có ơn, tôi có chết cũng cam lòng”.

Tuy nhiên, việc ngược đời này chưa kịp thực hiện thì những hành động yêu chiều người tình của Trần Tây đã khiến vương triều biến loạn.

Sau những biến cố triều chính, Trần Tây lâm bệnh nặng, Tử Cao không khác gì một người vợ thương chồng ngày đêm gần cận chăm sóc chu đáo, tự tay cho Trần Tây ăn cơm, uống thuốc, khiến Trần Tây rất cảm động và tình nghĩa ngày càng sâu nặng. Lúc lâm chung, Trần Tây đuổi hết mọi người ra ngoài, trong cung chỉ còn một mình với Tử Cao, cùng khóc lóc nói những lời ly biệt.

Ít lâu sau đó, Trần Tây qua đời. Người ta nói rằng, trước ngôi mộ Văn đế Trần Tây có tượng hai con kỳ lân đều là con đực.

Điều này là không bình thường chút nào vì thông thường, khi xây tượng người ta thường xây một đực, một cái, biểu thị cho sự hài hòa âm dương. Nhiều người cho rằng, do lúc sinh thời, Văn đế Trần Tây không phong được Hàn Tử Cao làm hoàng hậu như đã hứa nên sau khi chết đi quyết định bồi thường cho họ Hàn. Do vậy, Văn đế Trần Tây mới quyết định cho đặt hai con kỳ lân trước mộ mình để tưởng nhớ tới Hàn Tử Cao.

Có thể thấy, mặc dù bị chê cười, gièm pha và "biến thái" nhưng chuyện tình của Tử Cao và Trần Tây cũng rất mực nồng thắm, nghĩa tình sâu nặng.

Theo Thu/Khỏe & Đẹp

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/hoang-hau-dan-ong-va-moi-tinh-dong-tinh-khuynh-dao-ngai-vang/20200312093842864