Hoằng Hóa nỗ lực kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
Mất cân bằng giới tính khi sinh ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và phát triển kinh tế - xã hội. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế huyện Hoằng Hóa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.
Cán bộ dân số xã Hoằng Châu tư vấn công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Hoằng Hóa, những năm gần đây tỷ số giới tính khi sinh toàn huyện giảm chậm và vẫn ở mức cao, giữ mức 117 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm trên 20%. Một số địa phương tỷ số giới tính khi sinh không ổn định, vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các xã bãi ngang. Như tại xã Hoằng Xuân, năm 2022 tỷ số giới tính khi sinh là 134 trẻ em trai/100 trẻ em gái, trong khi năm 2021 tỷ số giới tính khi sinh là 102 trẻ em trai/100 trẻ em gái; xã Hoằng Phụ năm 2022 tỷ số giới tính khi sinh là 151 trẻ em trai/100 trẻ em gái, năm 2021 tỷ số giới tính khi sinh là 130 trẻ em trai/100 trẻ em gái; xã Hoằng Châu, năm 2022 tỷ số giới tính là 154 trẻ em trai/100 trẻ em gái, tăng so với năm 2021 khi tỷ số giới tính là 82 trẻ em trai/100 trẻ em gái.
Trước tỷ lệ giới tính khi sinh không ổn định, có sự chênh lệch lớn, Trung tâm Y tế huyện Hoằng Hóa đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số, trong đó, chú trọng thực hiện Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” tại các xã, thị trấn; đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển. Đến nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”.
Để đề án triển khai hiệu quả, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác truyền thông phổ biến các đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân số; nội dung của Pháp lệnh Dân số về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới. Tổ chức các buổi tuyên truyền, cung cấp kiến thức để nâng cao nhận thức người dân về mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ (CLB) “Giới và bình đẳng giới" tại 21 xã, thị trấn, mỗi CLB thu hút khoảng 50 thành viên tham gia, tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 lần/năm. Thông qua CLB, 1.050 hội viên đã được tuyên truyền về các chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, nuôi con khỏe dạy con ngoan. Ngoài ra, ban chủ nhiệm các CLB đã viết bài và tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh.
Điển hình như xã Hoằng Châu sau khi triển khai Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” trạm y tế xã đã thành lập CLB “Giới và bình đẳng giới”, vận động phụ nữ tham gia sinh hoạt. Đồng thời, phối hợp với hội LHPN xã lồng ghép nội dung về chính sách dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào nội dung sinh hoạt của hội. Cán bộ dân số của xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là những hộ gia đình sinh con một bề là gái về thực hiện nghiêm Pháp lệnh Dân số, chính sách dân số, quy mô gia đình ít con, bình đẳng giới.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoằng Hóa Lê Trọng Tiến cho biết: Xác định công tác truyền thông có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh nên trung tâm đã đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng tại huyện như truyền thông, tư vấn trực tiếp tại trạm y tế và tại hộ gia đình ở các xã, thị trấn, trường học về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhất là tại những địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Cùng với đó, Trung tâm Y tế huyện đã phân công cán bộ tham gia giám sát và hỗ trợ các hoạt động truyền thông tại địa phương; cấp tờ rơi về chủ đề mất cân bằng giới tính khi sinh cho các xã, thị trấn. Tổ chức tập huấn về mất cân bằng giới tính khi sinh cho ban chủ nhiệm CLB; tổ chức chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các đề án cũng gặp một số khó khăn dẫn đến tỷ số giới tính khi sinh bất ổn, vượt ngưỡng mức cân bằng sinh học tự nhiên và tình trạng sinh con thứ 3 vẫn ở mức cao. Nguyên nhân là do nhận thức về bình đẳng giới của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế, tư tưởng trọng nam, khinh nữ, muốn có con trai để nối dõi. Công tác kiểm tra phát hiện và xử lý các trường hợp cung cấp dịch vụ, phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi còn gặp nhiều khó khăn. Cán bộ dân số mỏng, nhiều người chưa nắm vững chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền. Kinh phí hoạt động cho các đề án còn hạn chế, các hoạt động chủ yếu là lồng ghép.
Để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, huyện Hoằng Hóa tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về dân số, sức khỏe sinh sản, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh để nâng cao nhận thức, loại bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ của một bộ phận người dân; tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về dân số tại các bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến chẩn đoán giới tính thai nhi; đưa nội dung giáo dục về giới tính, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới vào chương trình giáo dục trong và ngoài nhà trường.