Nhóm tác chiến tàu đổ bộ USS Kearsarge thuộc lớp Wasp cùng đơn vị thủy quân lục chiến viễn chinh số 22 đã qua kênh đào Suez tiến vào Biển Đỏ vào cuối tuần qua, trong khi 3 tàu chiến khác cũng đang ở ngay lối ngoài vào Vịnh Ba Tư ở biển Bắc Arab.
Mặc dù không có kế hoạch triển khai lập tức thủy quân lục chiến tới hỗ trợ quá trình rút 2.000 lính Mỹ ở các căn cứ trên khắp Syria nhưng các lực lượng này vẫn được bố trí ở khu vực để dự phòng, quan chức này nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria vào giữa tháng 12-2018 sau khi tuyên bố đã đánh bại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Kể từ đó, chính quyền Donald Trump có những động thái chuẩn bị cho quyết định trên.
Đồng thời, Mỹ cũng nỗ lực đảm bảo an toàn cho các chiến binh người Kurd – lực lượng đồng minh chủ chốt của Washington trong cuộc chiến chống IS nhưng luôn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Tuần trước, tờ Wall Street Journal cho hay, thay vì rút quân khỏi các căn cứ ở Syria lập tức thì Lầu Năm Góc đang sắp xếp lực lượng tại các cơ sở quan trọng ở Kuwait và Iraq để phục vụ đưa quân ra khỏi các căn cứ Mỹ trong Syria.
Vào ngày 11-1-2019, tờ New York Times cho hay Mỹ đã bắt đầu đưa các thiết bị, khí tài quân sự ra khỏi Syria, nhưng lính vẫn chưa rời đi.
"Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria một cách mạnh mẽ, có cân nhắc, tính toán và đảm bảo rằng các lực lượng đã kề vai sát cánh cùng liên quân trong chiến dịch chống IS sẽ không rơi vào vòng nguy hiểm. Như Tổng thống đã nói, sẽ không có thời gian cụ thể cho quá trình rút quân", một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay.
Tuy vậy giới quan sát vẫn nghi ngờ khả năng rút hoàn toàn của Mỹ khỏi chiến trường Syria.
Với địa thế quan trọng cả về địa lý lẫn chính trị quan trọng trên bàn cờ Trung Đông, Mỹ sẽ không dễ dàng từ bỏ ý định gây tầm ảnh hưởng của mình.
Không ít ý kiến cho rằng, việc rút binh chỉ là một trong những bước đi chiến lược của Mỹ. Họ có thể tái triển khai một lực lượng lớn chỉ trong thời gian ngắn.
Một khi triển khai quân các siêu tàu đổ bộ lớp Wasp của Mỹ sẽ làm tốt nhiệm vụ đổ quân và khí tài.
Tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp của Mỹ được công ty Ingalls Shipbuilding chế tạo dựa trên tàu đổ bộ tấn công (LHA) lớp Tarawa.
Tàu đầu tiên thuộc lớp này là USS Wasp chính thức được biên chế năm 1989. Thời điểm đó, nó là tàu tấn công đổ bộ lớn nhất thế giới. Đến nay nó chỉ đứng sau tàu lớp America.
Hiện có 8 tàu đổ bộ Wasp trong biên chế Hải quân Mỹ. Trong đó, tàu đầu tiên gia nhập lực lượng hải quân vào ngày 29-7-1989
Tàu đổ bộ lớp Wasp có lượng giãn nước toàn tải 40.500 tấn, dài 253,2m, rộng 31,8m. Con tàu có thể chở gần 2.000 lính thủy đánh bộ và 1.208 thủy thủ.
Các binh sĩ được hỗ trợ đổ bộ bằng các xe tấn công đổ bộ trên tàu hoặc bằng các trực thăng. Mỗi tàu mang theo tổng số 61 xe bọc thép tấn công đổ bộ AAV7A1
Ngoài ra, các tàu thuộc lớp này còn được trang bị 64 giường bệnh với 6 phòng mổ. Có thể chuyển đổi thành tàu bệnh viện với 536 giường bệnh
Một đội bay tiêu chuẩn trên tàu Wasp thường bao gồm: 6 máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng Harrier, 4 trực thăng AH-1W SuperCobra, 12 trực thăng CH-46 Sea Knight, 4 trực thăng CH-53 Sea Stallion, 3 - 4 trực thăng UH-1N Huey
Tùy từng nhiệm vụ cụ thể, mà máy bay trên tàu có thể thay đổi.Khi tham gia nhiệm vụ đổ bộ, tàu Wasp sẽ thay đổi biên chế với: 42 trực thăng CH-46 Sea Knight hoặc hơn 22 chiếc MV-22 Osprey. Còn khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát biển, các tàu này sẽ mang theo 20 máy bay AV-8B Harrier II và 6 trực thăng chống ngầm SH-60F/HH-60H Hiện tại, các máy bay CH-46 đang dần được thay thế bằng MV-22 Osprey
Về vũ khí, 4 tàu lớp Wasp đầu tiên được trang bị 2 bệ phóng Mk 29 cho tên lửa phòng không RIM-7; 2 bệ phóng Mk 49 cho tên lửa RIM-116; 3 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx, 4 pháo tự động Mk 38 cỡ 25mm và 4 súng máy hạng nặng 12,7mm
Tàu đổ bộ Wasp hiện cũng đang được Hải quân Mỹ thử nghiệm trang bị kèm máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35B, nhằm thay thế các máy bay thế hệ cũ AV-8B Harrier II.
Với việc trang bị F-35B, năng lực tác chiến của tàu đổ bộ lớp Wasp thậm chí còn mạnh hơn cả tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Việt Hùng