Hoàng Nhuận Cầm: Người khơi nguồn mạch 'dòng thơ sinh viên'
Quả thực, càng ngẫm càng thấy đúng, dường như Hoàng Nhuận Cầm trong cuộc đời, trong thơ luôn như một cánh chim suốt đời đi tìm tổ ấm, suốt đời luyến tiếc.
Khi đặt bút viết bài này bất giác tôi nhớ đến câu hát “Tung cánh chim tìm về tổ ấm/Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm/Nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi/Luyến tiếc bao ngày xanh”, câu hát mà cho đến giờ tôi vẫn ngờ ngợ mà đồ rằng: Nhạc sĩ Hoàng Giác đã linh cảm rồi tiên định về người con trai trưởng của mình, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, khi ông viết lên những ca từ ấy.
Quả thực, câu thơ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cho dù anh viết ở thời khắc nào, ở giai đoạn nào thì ngôn từ thi ca của anh vẫn “nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi”.
Những ca từ của bài hát “Ngày về”, của “Mơ hoa” hay của các ca khúc khác mà nhạc sĩ Hoàng Giác viết ra thực sự là những câu thơ hay chính xác hơn là lời các bài hát của nhạc sĩ Hoàng Giác là những bài thơ hoàn chỉnh.
Sở dĩ tôi bất giác nhớ tới của người cha nhạc sĩ của Hoàng Nhuận Cầm là bởi ngay từ lúc chào đời cậu bé được ông nội và cha đặt cho cái tên là “Cây đàn vàng – Hoàng Nhuận Cầm” với ý định nối nghiệp âm nhạc của gia đình. Tuy nhiên cậu bé Cầm, chàng trai Hoàng Nhuận Cầm đã chọn thi ca làm nguồn sống, nguồn cảm hứng.
Những tưởng anh “trái ý” cha ông nhưng thực ra anh đã nối tiếp truyền thống “thi ca” từ chính những ca từ đẹp như những câu thơ của cha mình. Những ca từ - câu thơ của người cha đã gieo sẵn vào tâm hồn chàng trai trẻ Hoàng Nhuận Cầm.
Và Hoàng Nhuận Cầm đến với thơ một cách tự nhiên, tự thân và vụt sáng chẳng cần “giai đoạn thần đồng”, chẳng cần nổi danh là một học sinh giỏi văn cấp này cấp nọ, chẳng cần có mặt tham dự những cuộc thi “học sinh giỏi văn” như đa phần lứa thanh niên thời ấy.
Bước chân vào trường đại học (Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội) thì ngay tức thì “thơ tuôn ào ạt”, những câu thơ “Em thấy không tất cả đã xa rồi/Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ/Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say” cũng ngay lập tức được đón nhận, đặc biệt là trong giới sinh viên hồi đó.
Câu thơ vừa nói cho mình, vừa nói hộ người. Lại vừa ngân nga, lại vừa trong trẻo như chính tâm hồn của những cô những cậu học trò, sinh viên và lại vừa khám phá, đột phá mới mẻ.
Và, không nghi ngờ gì nữa. Nếu như “Dòng văn học Trường Sơn” với Phạm Tiến Duật “lĩnh ấn tiên phong” thì ở đây, ở “tiếng thơ lòng” này Hoàng Nhuận Cầm chính là người khơi mạch nguồn cho “Dòng thơ sinh viên”. Một dòng thơ mang âm điệu sinh viên, một dòng thơ là tiếng nói của sinh viên và một dòng thơ “ngồn ngộn” chất sinh viên.
Và cũng không nghi ngờ gì nữa, những bài thơ “như bất chợt ngân lên” của chàng sinh viên trẻ Hoàng Nhuận Cầm được sinh viên mọi ngành học, được sinh viên mọi trường đại học, thế hệ này tới thế hệ khác say sưa lắng nghe, say sưa đọc và say sưa làm theo là bởi “Thơ của Hoàng Nhuận Cầm mà phần lớn là thơ tình các được bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì nó gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu với một giọng thơ trẻ trung, sôi nổi”.
Công bằng mà nói thì sinh viên làm thơ hay thơ của sinh viên không có gì là mới lạ. Trước rất nhiều những câu thơ “sinh viên” của Hoàng Nhuận Cầm đã có, đã tồn tại vô số những câu thơ sinh viên của nhiều thế hệ sinh viên. Có thể nói: Sinh viên là phải làm thơ. Sinh viên là phải thuộc thơ.
Trước đó và hiện nay những “trào lưu thơ sinh viên” và “phong trào thơ sinh viên” đã hình thành, đã trở nên một lối sinh hoạt văn hóa trong giới sinh viên. Đã có rất nhiều câu lạc bộ thơ sinh viên của các trường đại học ra đời, tổ chức thi thơ, tổ chức đọc thơ, tổ chức diễn thơ. Tuy nhiên, thơ do sinh viên viết và thơ sinh viên thuộc hầu hết đều là thơ yêu đương, thơ làm dáng và thơ tán gái, đôi khi còn xa rời cuộc sống hiện tại.
Đã đành làm thơ là một nhu cầu tâm hồn của sinh viên, đã đành đọc thơ là một nhu cầu thưởng thức của sinh viên nhưng những “bài thơ sinh viên” đã có lại chưa “nhập vào cuộc sống, cuộc chiến đấu” của đất nước, của dân tộc, của thời đại.
Phải đợi đến khi Hoàng Nhuận Cầm xuất hiện thì “thơ sinh viên” mới có cuộc chuyển đổi mới. Cuộc chuyển đổi ấy như là một cuộc “cách mạng” trong thơ của sinh viên vậy. Và từ đó, từ đầu những năm 70 của thế kỷ hai mươi, một “dòng thơ sinh viên” được hình thành với “chủ soái” Hoàng Nhuận Cầm.
Một dòng thơ vẫn giữ nguyên nét trẻ trung, nét sôi nổi, giữ nguyên những ước mơ, những thầm kín nhưng đã được nâng lên một tầm cao mới – Tầm cao hòa mình vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập vã giữ vững nền độc lập.
Sinh ngày 7/2/1952 tại Hà Nội, anh quê gốc ở làng Chèm, huyện Từ Liêm xưa. Năm 1971, đang học dở khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà nội, Hoàng Nhuận Cầm nhập ngũ, anh thuộc lớp chiến sĩ “6971” lừng danh, lớp chiến sĩ ấy gồm toàn những sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ vào đúng thời kỳ ác liệt nhất của cuộc chiến đấu trên chiến trường miền Nam với trọng điểm là Thành cổ Quảng Trị.
Trong lớp sinh viên ra trận ngày ấy có nhiều người đã làm thơ như Hoàng Nhuận Cầm, như Vũ Đình Văn và nhiều người yêu thơ. Có người đã nằm lại nơi chiến trường khói lửa. Có người trở về và học tiếp con đường học hành dang dở. Rất nhiều người của lớp “6971” đã trở thành nhà thơ, nhà văn, nhà báo và thành những nhà khoa học ở mọi lĩnh vực.
Sau ngày giải phóng miền Nam, 1975, Hoàng Nhuận Cầm trở lại học nốt chương trình đại học nhưng cái tên Hoàng Nhuận Cầm nhưng thơ Hoàng Nhuận Cầm đã vang lên từ trước đó nhiều năm. Và những câu thơ như “Ngụy trang công sự xong rồi/Mới hay đồi chốt là đồi lắm chim/Cứ ôm khẩu súng ngồi yên/Lắp thêm băng đạn, còn đêm đấy mà.
Thản nhiên cơn gió chạy qua/Tiếng chim lách chách, gần xa chuyện gì?” (Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt) vẫn giữ nguyên giọng điệu sinh viên cho dù khi đó khói súng đã thấm đẫm, cho dù “bụi trường chinh phai nhạt áo hào hoa”. Những câu thơ “sinh viên” ấy đã đem lại “luồng gió mới, đem lại hơi thở mới và đem lại sức sống mới” cho thơ ca Việt Nam thời đánh Mỹ.
Chùm thơ bốn bài của Hoàng Nhuận Cầm, gồm“Thư mùa thu; Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt; Anh bộ đội và tiếng nhạc la; Nhật ký” đã vinh dự được trao đồng giải Nhất cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức năm 1972 – 1973, cùng với chùm thơ của Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ và Nguyễn Đức Mậu. Tất cả các tác giả đoạt giải “nguyên” năm đó đều còn rất trẻ, họ đều ở tuổi ngoài đôi mươi, riêng Hoàng Nhuận Cầm thì trẻ nhất, ngày nhận giải thưởng anh vừa bước qua tuổi hai mươi.
Sau thành công đó Hoàng Nhuận Cầm tiếp tục viết, anh viết ngay tại chiến trường, anh viết ngay trên giảng đường đại học. Một giọng thơ trong trẻo với những ngôn từ bay bổng, đôi chút mơ mộng. Một giọng thơ đắm say, ngôn từ da diết, đôi chút chiêm nghiệm. Tất cả đã đánh dấu cho sự hình thành “Dòng thơ sinh viên” sau này.
Ta hãy lắng nghe “Em đã yêu anh, anh đã xa rồi/ Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi/ Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại/ Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên” (Chiếc lá đầu tiên) hay “Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói/ Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ/ Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ/ Em hay là cơn bão tự ngàn xa” (Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến) –
Đó là những câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết khi còn là sinh viên nhưng cho đến hai mươi năm sau giọng thơ ấy vẫn nguyên như vậy, chỉ có khác là nó sâu lắng hơn, xúc tích hơn, như “Tình yêu đến trong đời không báo động/Trái tim anh chưa lỗi hẹn bao giờ/Viên xúc xắc mùa thu ru trong cỏ/Mắt anh nhìn sáu mặt bão mưa giăng” (Viên xúc xắc mùa thu) và “Mai đành xa sông Thương thật thương/Mắt nhớ một người, nước in một bóng/ Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng/Anh một mình náo động, một mình anh” (Sông Thương tóc dài).
Hoàng Nhuận Cầm, người khơi mạnh nguồn “Dòng thơ sinh viên” vốn tồn tại và tiềm ẩn nhiều năng lực. Anh xuất hiện như chưa khi nào ngưng nghỉ, những vần thơ “rủ lòng trai trẻ” của anh cứ tuôn như dòng suối chảy.
Những câu thơ tuy sinh ra tận cõi lòng nhưng nó lại không hề ủy mị, không hề lạc điệu, không hề xa cánh. Thơ “sinh viên” của Hoàng Nhuận Cầm có thời đại ở trong đó, có hơi thở cuộc sống ở trong đó, có mình và có chúng ta ở trong đó. Câu thơ mang âm hưởng của cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Câu thơ mang tiếng nói của thế hệ. Đó là “Và bài ca không cần hát ra lời/ Tiếng chim hót ngay trên nòng đại bác/Một ánh mắt không thể nào đổi khác/ Phượng vẫn hồng như máu những năm xưa” (Cho phượng năm xưa) hoặc “Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi/Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ/Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé/Tiếng cuối cùng khi khẩu súng nắm trên tay” (Phương ấy).
Tôi dám cuộc mà nói rằng “Hễ những ai đã nghe thơ Hoàng Nhuận Cầm. Hễ những ai đã thuộc thơ Hoàng Nhuận Cầm và hễ những ai yêu thơ Hoàng Nhuận Cầm đều trăm người như một khi Tổ quốc gặp họa xâm lăng là hồ hởi lên đường chiến đấu. Thế mới hay, giọng thơ sinh viên cứ tưởng phù du vậy mà còn hơn trăm vạn lời hiệu triệu.
Thế mới biết, thơ Hoàng Nhuận Cầm đã thổi vào tim những người trẻ tuổi một niềm tin trong một tình yêu Đất nước đến da diết, đến sẵn sàng mang cuộc đời trẻ trung sôi nổi của mình vào những nơi kham khó nhất, vào nơi sinh tử nhất”.
Và như Hoàng Nhuận Cầm đã viết “Có chút gì linh diệu giống như thơ/ Lại phảng phất như phù dung mới nở/ Điều bí mật anh sẵn sàng tiết lộ/ Mà mặt trời cố chấp vẫn chưa tin” (Quán Cà phê mặt trời).
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã vội đi xa nhưng tôi tin những câu thơ cùng “Dòng thơ sinh viên” do anh “khơi mạch nguồn” mãi còn đó, mãi còn được các thế hệ sinh viên yêu mến và làm theo bởi chính “Dòng thơ sinh viên” đó đã góp vào nền thi ca nước nhà tiếng nói của tình yêu và tuổi trẻ.
Chiều, 22/4/2021