Hoàng Nhuận Cầm – 'Người lạc thời' (phần 1)
Hoàng Nhuận Cầm hay làm mọi người vui, cười. Cười ra nước mắt. 3 người vợ, 4 người con mà lúc lâm chung chỉ một mình. Tuổi 69 chưa được lên chức ông, Hoàng Nhuận Cầm cũng không chờ được đại dịch tan để đoàn tụ các con đang xa cách.
Nỗi buồn của người ở lại
13h chiều 24/4/2021, tôi gọi điện cho nhà biên kịch Phan Thanh Tú, chị đang vội chuẩn bị đến nhà tang lễ thành phố 125 Phùng Hưng tiễn biệt chồng cũ, nhưng vẫn dành cho tôi những phút rưng rưng để chia sẻ: "Thư Trang con gái chúng tôi, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, sang Singapore làm việc và sống từ năm 2006. Rất đau lòng khi mất cha, nhưng vì dịch Covid-19, đến ngày 25/4, Trang mới được lên chuyến bay về TP Hồ Chí Minh. Trang đang tự chi trả phí cách ly khách sạn 14 ngày. Ra Hà Nội lại còn phải cách 14 ngày tại nhà. Trang là con duy nhất của tôi và là con gái duy nhất của anh Cầm".
Rồi người đàn bà đẹp nức tiếng một thời của Hãng phim Tài liệu ngậm ngùi kể về ngôi nhà 18 Hàng Bún khi tôi hỏi: "Đến giờ, ngôi nhà vẫn còn, nằm trong một tòa nhà sập sệ. Tôi và anh Cầm đã có 4 năm hạnh phúc ngắn ngủi bên con gái ở đó. Sau khi ly hôn, tôi chỉ nhận 6m2, dành cho anh Cầm 9m2. Anh Cầm đã sống với Bùi Mai Hạnh ở đó. Ly hôn Hạnh, anh để lại căn phòng cho tôi và chuyển đến Lò Đúc khi lấy Điệp Vân. Tôi sẽ giữ căn phòng (đã thông nhau) 15m2 ấy làm kỷ niệm".
Sau khi chồng cũ mất, vốn đã mệt, nhà biên kịch Thanh Tú quay ra ốm phải nằm viện. Đến trưa 26/4 liên lạc với cô, thì cô vẫn đang nằm viện do mệt. May mà tối 25/4, cô đã "trốn" được về tranh thủ làm việc và tìm vài tấm ảnh quý cho tôi. Điều may nhất mà những người yêu mến thi sĩ đều thấy ấm lòng là con gái cả của họ rất yêu mến các em.
Một người đàn ông không giàu, không cao to trắng đẹp, mà lại toàn lấy được vợ trẻ, đẹp hơn, thì vì lẽ gì? Duy nhất vì tài thơ, vì tên tuổi. Vợ sau trẻ hơn vợ trước, và chưa ai từng kết hôn. Họ đều là fan của Hoàng Nhuận Cầm từ lúc học cấp 3 tới lúc sinh viên đại học. Cô Phan Thanh Tú (1956), đẹp hơi "Tây" là đồng môn khóa sau. Chị Bùi Trang Mai Hạnh (1966), người chấp bút viết cuốn Lê Vân yêu và sống dậy sóng năm 2006, đã định cư Úc hơn chục năm nay, có chung một con trai tên Trường (1990), đã bảo lãnh qua Úc học và hiện làm việc bên đó. Chị Điệp Vân (1972) quê Quảng Ninh, được chú Cầm đưa vào đóng phim, lập Hãng phim mang tên vợ, biển hãng phim vẫn treo trước căn hộ 212, F2, tập thể Hồng Hà. Điệp Vân là người vợ chung sống lâu năm nhất với Hoàng Nhuận Cầm, sinh hai con trai Hoàng Nhật Thành (vừa tốt nghiệp đại học đi làm) và Hoàng Nhật Lễ. Họ đã có 20 năm gắn bó tại căn nhà chật chội ấy. Vũ là tiến sĩ Ngôn ngữ học, chuyển từ Viện ngôn ngữ về Đài Tiếng nói Việt Nam tháng 9/2019. Nhà Vũ ở Nguyễn Khoái cách nhà Hoàng Nhuận Cầm một ngã tư nên hay ghé qua.
“Người lạc thời”
Tháng 4, tháng cuối của mùa Xuân, lại bứt thêm một người tài hoa tử tế. Mùa Xuân 2021, tôi đau xót khi viết về 3 nghệ sĩ - 3 người tôi gọi Chú với lòng yêu mến, kính trọng bao năm NSND Hoàng Dũng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nay là thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm. Dằn vặt mình: Toàn muộn và ân hận. Sao không viết và quan tâm các chú nhiều hơn lúc họ còn sống? Quá ỷ vào niềm tin về tiền bối, hăng say nghề nghiệp được độ trì bởi các đấng siêu nhiên và năng lượng của người tốt trao nhau. Mấy đêm liền tôi day dứt. Cùng một TP mà sao ít gặp, chăm sóc nhau dù thâm tâm đã giục?.
Còn nguyên, nóng hổi, những lần được nghe chú Cầm phát biểu, đọc thơ. Lúc nào cũng nhiệt huyết, say sưa truyền lửa. Đã cầm mic, thì dù đứng tại chỗ hay lên sân khấu, chắc chắn Hoàng Nhuận Cầm là ngôi sao thu hút nhất, ấn tượng nhất. Độ đắm mê thi ca hiếm có từ chú Cầm lan tỏa, khơi gợi, kích động làm tất thảy phải chú ý, bị cuốn hút. Không ai thoát nổi từ trường ấy. Kể cả người không hiểu gì về Thơ, cũng chẳng thể thờ ơ.
Vóc dáng gày nhỏ, mặt nhăn khắc khổ, nhưng khi đọc thơ và cười, Hoàng Nhuận Cầm khiến tôi nghĩ đến câu thơ của cha tôi - đạo diễn Vi Hòa viết khi còn trẻ: "Khi mỉm cười, trời đất bỗng rộng hơn".
Khuôn miệng rộng hợp với bản chất chân thật, hóm hỉnh, đầy say mê của Hoàng thi sĩ. Khi thơ cất lên từ huyết quản anh, thì không gian chung quanh lập tức lắng lại, lãng mạn, bay bổng hơn, như một phép lạ. Bất cứ ai, nếu được nghe chú Cầm đọc thơ, sẽ không còn để ý đến mọi cảm quan, tiêu chí thẩm mỹ. Quên rằng nhà thơ ấy có hình dáng ngăm đen, nhỏ thó, tất tả xe máy cũ, túi vải điếu cày. Chỉ thấy một Hoàng Nhuận Cầm đẹp xao lòng, vẻ đẹp của một tâm hồn khoáng hoạt, trẻ trung, dào dạt yêu thương. Anh đã yêu, được yêu, một tình yêu lớn ở bên và quyến luyến thi nhân suốt kiếp - thi ca. Nếu như Nguyễn Quang Thiều luôn khiến tôi được cổ vũ bởi ông nuôi giữ cho tôi đức tin vào quyền năng của thơ trong mọi hoàn cảnh của thế giới này thì Hoàng Nhuận Cầm khiến tôi hàm ơn và trân quý bởi đã cộng sinh cho thơ một sức sống nồng nhiệt nhất.
Con người hằng "náo nhiệt" ấy không chỉ "lên đồng" khi đọc thơ, mà khi nói về phim, về mối tình điện ảnh. Công chúng phổ thông thì nhớ "bác sĩ Hoa Súng" - tiểu phẩm hài trong chương trình Gặp nhau cuối tuần hơn 20 năm trước, do anh viết kịch bản và thủ vai. Bác sĩ đội mũ trắng có hình tim đỏ cầm cờ trắng đính trái tim, phất giục "xe ôm" (Tự Long), rong ruổi trên đường, theo sứ mệnh của "Bệnh viện Tâm hồn". Hay thơ, pha trò trong các cuộc vui, hình ảnh này thành ấn tượng mạnh đến nỗi bạn bè và người yêu mến anh, cứ coi đó là "nhiệm vụ" đương nhiên. Và ở đâu có Hoàng Nhuận Cầm, ở đó tưng bừng, rôm rả, có khi rơi lệ rùng mình. Các trạng thái ấy do thơ, cách thể hiện của nhà thơ. Hoàng Nhuận Cầm thành công nhất, ấn tượng nhất, "máu lửa" nhất, bền bỉ nhất trong hệ 5x và trong nền thơ Việt Nam đương đại, đem thơ đến với đông đảo người nghe. Không một nhà thơ nào của văn chương Việt Nam hiện nay "cháy" cho thơ ở mọi góc độ, phương diện và thu hút công chúng được lâu dài như Hoàng Nhuận Cầm. Thi sĩ như một "thiên sứ" của khát vọng Sống và yêu theo nội hàm sâu rộng nhất.
Người ta còn nhớ Anh đóng vai nhà thơ phim video “Số đỏ”. Tôi thì không quên Hoàng Nhuận Cầm vài lần đóng vai vua (kiểu vua ốm yếu, lười biếng) trong một số phim của Hãng Phim truyện Việt Nam.
Anh được nhớ nhiều bởi thơ, nhưng tầm vóc một cây bút chuyên nghiệp sống bằng nghề đúng nghĩa, chính là các kịch bản điện ảnh giá trị làm nên những bộ phim để đời, ghi nhận qua Giải thưởng Nhà nước đợt 4 (2012). Hoàng Nhuận Cầm đã làm diễn viên, được nhớ nhất là vai bác sĩ, còn vai lớn nhất, thành công nhất của Anh, là vai chính mình, một thi sĩ nguyên khôi. Anh viết trong phần Suy nghĩ về nghề, kỉ yếu Hội viên Hội nhà văn Việt Nam "Mê thơ đến muốn chết, say điện ảnh đến phát mệt. Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng/ Anh một mình - Náo động - Một mình Anh”.
"Náo động" cho mọi người vui, nỗi buồn thì giấu đi. Con người nhạy cảm tinh tế ấy, sao mà hời hợt mau quên. Buồn là thực đơn luân lưu của người đàn ông ba đời vợ mà cuối đời một bóng. Ngôi nhà của nhà thơ phía trong số 124 Hàng Bạc bán cả chục năm rồi. Xa phố cổ gắn bó cả đời, ông bà Hoàng Giác - Kim Châu về chuyển về khu Đầm Trấu. Cha mất, mẹ sống một mình. Hoàng Nhuận Cầm không ở với mẹ, mà đơn thân trên căn hộ chung cư cũ tầng 2 khu tập thể ngõ 190 Lò Đúc. "May quá người thơ ấy còn đang sống/ Phiến đá đau thương ngậm sóng vào lòng" (Bên dòng thời gian). Ông sống bằng gì sau những lúc hoạt náo sôi nổi bên ngoài? "Tôi có đủ nỗi buồn để sống/ Như sáng mai lại thêm một nỗi buồn/ Một nỗi buồn lẽ ra không nên có/ Nhưng nếu không buồn/ Có lẽ/ Lại buồn hơn" (Nỗi buồn để sống). Chẳng phải quá nghèo, nhưng thi sĩ tùng tiệm vì còn con trai út đang học năm thứ 2 Đại học Sân khấu Điện ảnh. Anh không tẩm bổ bằng thức ăn và thuốc quý. Anh cắt cơn ho bằng cốc nước nóng uống từng ngụm nhỏ. Anh ăn thất thường, ngày qua ngày với đậu, trứng, cà chua, cá khô, có khi chỉ là bánh đậu xanh, lạc rang, kẹo lạc.
Nạp thực phẩm đạm bạc, mà lao lực viết, biên tập, đọc, nói suốt các chương trình phát thanh, kịch bản phim, bộ não chiết xuất chất xám nhờ đâu? Chỉ trông vào năng lượng tinh thần của say mê, khi thở mệt mỗi ngày leo cầu thang mà không thể bỏ thuốc lào, dù tức ngực. Kham khổ, đau khổ mà không kêu, vẫn trào lộng, đó là sự tự tin của nhân cách lớn. Hoàng Nhuận Cầm khiến tôi liên tưởng thi sĩ Tản Đà ngông ngạo coi nhẹ sự bạo liệt vòng mưu sinh miếng cơm manh áo. Nuôi, dâng trào sóng yêu thương sôi nổi, để sống vì thơ, sống đầy chất thơ. Những bức ảnh đen trắng xưa, hầu như ai cũng gầy, có nét khắc khổ. Con người thời chiến tranh bao cấp, nghèo vật chất mà coi trọng nghệ thuật, nhu cầu tinh thần làm nên thời hoàng kim của văn, thơ, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc.
"Người lạc thời" Hoàng Nhuận Cầm vẫn sống vì thơ, vì phim đến phút cuối đời. Bản thảo tập thơ cá nhân đã chọn. Kịch bản về đại thi hào Nguyễn Du đã xong. Anh còn chuẩn bị viết kịch bản về Nguyễn Bính, thi sĩ chân quê. "Người lạc thời" trong xã hội giảm sút, đảo lộn nhiều thang bậc giá trị, vẫn giữ nếp nói năng của người Hà Nội cũ. Chú Cầm thường: "Thế ạ/ Vâng ạ" đầy khiêm cung khi nói chuyện với tôi, hoặc xưng em người kém tuổi hơn. Chú biết mình tài, mà giản dị, khiêm nhường. Có cả triệu người mến tài Hoàng Nhuận Cầm, từ lúc học trò, thanh niên. Có hàng triệu tín đồ chép, thuộc, nhớ thơ Hoàng Nhuận Cầm kiểu cha mẹ truyền con nối. Mẹ tôi thích thơ Hoàng Nhuận Cầm từ lúc đi học ở Thái Nguyên. Bố tôi cũng làm thơ. Một trong các lý do cốt yếu mà bố mẹ yêu nhau là thơ. Tới khi bố mẹ tôi làm việc tại Hãng phim Tài liệu - Khoa học T.Ư, thì lại cùng cơ quan với cô Phan Thanh Tú - biên kịch, người vợ đầu của chú Cầm. Năm 1994, bố tôi chuyển sang Đài Truyền hình Việt Nam, còn mẹ tôi vẫn làm ở đó đến lúc nghỉ hưu. Bố tôi thuận trong công việc thỉnh thoảng gặp Chú Cầm, vì có một chặng Chú làm tại VFC - Trung tâm sản xuất phim truyền hình. Mẹ tôi vài chuyến cất công mang thuốc lào trồng tại ruộng nhà anh trai ở Tiên Lãng (đã sấy, thái thành phẩm) để bố tôi đem tặng chú Cầm.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hoang-nhuan-cam-nguoi-lac-thoi-phan-1-417197.html