Hoàng Phủ Ngọc Tường - người ham chơi đã lãng du về 'Miền cỏ thơm'
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khép lại cuộc đời văn chương rực rỡ và cuộc đời nhiều thăng trầm ở tuổi 87.
Hoàng Phủ Ngọc Tường đoàn tụ vợ ở cõi mây trắng
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trút hơi thở cuối cùng lúc 2h30 sáng 24/7 tại TP.HCM, hưởng thọ 87 tuổi. Ông khép lại cuộc đời văn chương rực rỡ và cuộc đời nhiều thăng trầm.
Sự ra đi của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là nỗi tiếc nhớ của giới văn chương, nhưng suy cho cùng ông được giải thoát khỏi bệnh tật, được đoàn tụ với người vợ hiền - nhà văn Lâm Thị Mỹ Dạ (qua đời hôm 6/7) ở cõi mây trắng.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cũng như các nhà văn lão thành đã mất, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã sống trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc và quá nhiều đau thương.
Họ đã sống một cuộc sống với vô vàn khó khăn, thiếu thốn và nhiều thách thức, nhưng họ đã viết như "không thể sống mà không viết".
"Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị bệnh đã 25 năm. Hai mươi lăm năm qua, ông chỉ ngồi trên xe lăn. Và năm nay ông đã 87 tuổi. Sự ra đi của ông là nỗi đau buồn của Hội Nhà văn Việt Nam nhưng ông đã được giải thoát khỏi bệnh tật và được bay về cõi vĩnh hằng với người vợ của mình - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Tôi được biết, tro cốt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được đưa về Huế để làm lễ tưởng niệm và đưa tiễn ông. Có lẽ đó là mong ước cuối cùng của đời ông.
Bởi Huế là tình yêu thương của ông, Huế chứa đựng những vui buồn lớn nhất của đời ông và ông đã vinh danh Huế bằng những trang văn xuất sắc của mình", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lâm bạo bệnh vào năm 1998, nhưng khát vọng sống, khát vọng hòa mình cùng với thiên nhiên, cuộc sống ngoài khung cửa sổ vẫn chưa nguội tắt.
Ông vẫn tiếp tục viết trên giường bệnh từ mấy mươi năm nay. Tác phẩm cuối cùng của ông là vào năm 2018.
Trong một tác phẩm, ông gọi vợ là hoàng hậu của một nhà vua không ngai, với những lời lẽ chân tình, cảm động:
"Tôi chỉ là nhà vua không ngai
Ông vua lận đận giữa trần ai
Em là Hoàng hậu bên tôi đó
Vàng áo phong trần mỗi sớm mai...".
Bậc thầy của thể loại bút ký
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã để lại cho cuộc đời một di sản văn chương đồ sộ. Trong đó, bút ký là thể loại mà ông đã để lại những áng văn chương mẫu mực.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là "Ai đã đặt tên cho dòng sông", viết ở Huế năm 1981, từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông. Bài bút ký thể hiện phong cách tài hoa, uyên bác, lối viết giàu chất thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, được đưa vào đề thi tốt nghiệp năm 2019.
Nhà văn Ngô Minh từng nhận định, bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường hấp dẫn người đọc ở tấm lòng nhân văn sâu sắc, trí tuệ uyên bác và chất Huế thơ huyền hoặc, quyến rũ. Đó là những trang viết tài hoa, tài tử, tài tình.
"Bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là những áng thơ văn xuôi cuốn hút người đọc... Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là vẻ đẹp của nỗi buồn hoài niệm, những day dứt triết học, từ sâu thẳm thời gian, sâu thẳm đất đai vọng lên trong tâm khảm người đọc", nhà văn Ngô Minh phân tích.
Theo PGS. TS Ngô Văn Giá, nguyên Trưởng Khoa Viết văn – Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, thành tựu lớn nhất trong thể loại ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là viết về cảnh quan thiên nhiên, đất nước, ẩm thực, văn hóa của Huế nói riêng cũng như của đất nước nói chung.
Các tác phẩm của ông thể sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử văn hóa, con người và tình yêu da diết với quê hương, đất nước, con người.
“Ông là một thi sĩ viết ký, nhưng cái tài của ông là không để cảm xúc lấn át, tức là có cảm xúc mạnh mẽ nhưng ông vẫn giữ được tính khoa học, chân thực của tác phẩm.
Trong thơ của ông có ngôn ngữ và hình ảnh đầy tinh tế, đẹp và đặc sắc. Ông cùng với nhà văn Nguyễn Tuân đã tôn vinh và trả lại địa vị xứng đáng cho thể loại ký trong văn học Việt Nam hiện đại”, PGS.TS, nhà văn Ngô Văn Giá bày tỏ.
Sinh thời, Hoàng Phủ Ngọc Tường tự nhận ông là "người ham chơi". Theo lời nhà thơ Ngô Minh, ông lúc nào cũng có mặt bên bàn rượu với bạn bè từ Bắc chí Nam, nói đủ chuyện Đông Tây kim cổ.
Nhà văn từng trong nhóm bạn chơi thân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cuốn "Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé" là cuốn sách nổi tiếng ông viết về con người, phong cách âm nhạc, tác phẩm của nhạc sĩ.
Giờ đây, "người ham chơi" ấy đã lãng du về với "Miền cỏ thơm". Nhưng, cuộc đời cống hiến say mê và lặng lẽ, mà không cần những hư danh hào nhoáng và những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của ông vẫn sống mãi với thời gian.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937, quê gốc làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, Quảng Trị.
Ông tốt nghiệp ban Việt Hán trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, tốt nghiệp cử nhân triết học Đại học Văn khoa Huế.
Từ năm 1966 Hoàng Phủ Ngọc Tường tham gia hoạt động cách mạng trên mặt trận văn nghệ. Ông từng là Tổng thư ký, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên cũ, tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978.
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế và gia đình phối hợp tổ chức lễ tưởng niệm cho ông và vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tại Huế vào lúc 14h ngày 30/7 đến hết ngày 31/7 tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, thành phố Huế.
Vợ chồng họ được an táng tại nghĩa trang cách sông Hương khoảng 2km, gần đồi Vọng Cảnh.