Hoàng Thành Thăng Long: Bảo tồn sao cho xứng là Di sản văn hóa thế giới?

Công tác bảo tồn di sản khu khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long là một quá trình lâu dài, đòi hỏi tâm huyết không chỉ của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu mà còn là sự chung tay, góp sức của Nhà nước và cộng đồng, các tổ chức trong nước và quốc tế để giữ gìn di sản quý báu của nhân loại.

Cổng Đoan Môn khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Cổng Đoan Môn khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Nghe đất kể chuyện xưa

Suốt gần 20 năm qua, các nhà khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội đã “sống cùng với đất”. Họ “nghe đất kể chuyện xưa” khi bóc tách từng lớp, từng lớp dữ liệu quý giá của lịch sử. PGS.TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, phụ trách dự án khai quật đã gọi đây là “cuộc khai quật thế kỷ” với thời gian kéo dài và một khối lượng vô cùng lớn các hiện vật, dấu tích quý giá.

PGS.TS Tống Trung Tín cho biết, những nhát cuốc khai quật đầu tiên được tiến hành vào những năm 2002 đến 2004 chỉ nhằm thám sát mặt bằng cho công trình xây dựng nhà Quốc hội. Những dấu tích đầu tiên được phát hiện đã nhanh chóng tạo “cơn địa chấn” thu hút sự quan tâm của cả nước và được các tổ chức quốc tế và UNESCO quan tâm, hỗ trợ thiết thực.

Tháng 12/2002, các chuyên gia đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại Trung tâm Chính trị Ba Đình, Hà Nội. Cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Đông Kinh và tỉnh, thành Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn.

Theo các tài liệu lịch sử, kinh thành Thăng Long được xây dựng với ba vòng thành: vòng ngoài cùng là La thành, là vòng thành nằm theo các con đường Đại Cồ Việt, Đê La Thành, Bưởi... hiện nay. Vòng thành thứ hai là Hoàng thành, giữa hai lớp thành này là nơi dân cư sinh sống, buôn bán. Lớp thành trong cùng là Cấm thành, nơi sinh sống và làm việc của nhà vua cùng hoàng tộc.

Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua chúa xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa; tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích di vật phong phú.

Trải qua thời gian, tòa thành đồ sộ và những lầu son gác tía không còn nữa, nhưng hệ thống các loại hình kiến trúc còn lại trên mặt đất và quần thể các dấu tích nền móng cung điện lầu gác cùng số lượng lớn các di vật độc đáo được phát hiện dưới lòng đất tại Khu trung tâm Hoàng thành là di sản vô cùng quý giá, minh chứng cho sự phát triển liên tục của kinh đô Thăng Long và lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam”.

Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010-1945). Những phát hiện đã cung cấp thông tin cho biết trong lòng đất Hoàng thành Thăng Long xưa còn bảo tồn nhiều di tích, di vật quý.

Câu chuyện về cuộc khai quật lịch sử ở Hoàng thành Thăng Long đã được các nhà khảo cổ kể lại với những cảm xúc còn nguyên vẹn như họ vừa trải qua hôm trước. Từ sự sững sờ trước một dải gạch thời Lý còn nguyên vẹn, một chân, hay đầu phượng thời Lý còn khá nhiều nét nguyên vẹn, cho đến những cảm xúc lẫn lộn khi đào lên được một ngôi mộ tập thể với những di cốt bị trói gập vào nhau…

Những tháng ngày đầu tiên khai quật ở khu 18 Hoàng Diệu, mọi thứ đều ngổn ngang, TS. Nguyễn Tiến Đông nhớ lại: “Nhìn thấy công trường mà chán, nó bề bộn, chẳng thấy gì ngoài mấy hiện vật mới bật phát lộ. Đến năm 2004, khi các hố khai quật nối liền với nhau và trở thành công trường khai quật rất lớn (18.000m2) thì nó đã trở thành một phức hệ, hệ thống các di tích, dấu tích của một hoàng cung, Hoàng Thành Thăng Long rực rỡ trong lịch sử”.

Du khách vẫn phải mường tượng hoàng cung?

Hiện nay, Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long là một địa chỉ mà bất cứ du khách trong và ngoài nước nào cũng mong muốn một lần ghé thăm mỗi khi có dịp tới Hà Nội. Họ đến nghe di tích “kể chuyện” ngàn năm.

Đây cũng là điểm đến của kiều bào mỗi dịp Tết đến, xuân về trong chương trình Xuân quê hương, là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn như: Liên hoan Du lịch làng nghề Hà Nội, Lễ hội Áo dài Hà Nội, Hội sách Hà Nội, Tết Trung thu…

Tuy nhiên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Quang Lân cho rằng: 52.000 lượt người đến với di tích năm 2019 tưởng là lớn nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của điểm đến này. Số du khách đến và quay trở lại tham quan di sản Hoàng thành Thăng Long là không nhiều vì ngoài các di tích cách mạng kháng chiến, di tích hoàng cung còn chưa sờ, chưa cảm được.

Giới chuyên gia đánh giá, du khách đến với Hoàng thành Thăng Long phải mường tượng quá nhiều, vẫn không thấy đâu là hình ảnh đặc trưng của hoàng cung với quy mô lộng lẫy như sử sách từng ghi.

Vua quan triều Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, rồi Lê Trung Hưng thiết triều ra sao, tiếp đãi ngủ nghỉ ở không gian nào hay cuộc sống của “lầu công chúa” duy nhất còn lại của Việt Nam cũng không rõ ràng. Các phần việc mới chỉ dừng lại ở khảo cổ, phân tích cứ liệu lịch sử. Gần 20 năm, diện mạo của điện Kính Thiên chưa hình thành nên vẫn chưa thể phục dựng, vẫn đang ở bước nghiên cứu dự án.

Sau khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010, hàng loạt dự án hợp tác quốc tế về bảo tồn di sản được thực hiện. Hiện nay, công tác bảo tồn nguyên trạng di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu trên mặt đất được thu hẹp về quy mô, trong việc bảo tồn phát huy giá trị với diện tích bảo tồn khoảng 17.000m2.

 Nhiều hiện vật di tích không có chỗ trưng bày.

Nhiều hiện vật di tích không có chỗ trưng bày.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, so với nhiều di sản trong nước và trên thế giới, đây vẫn là diện tích bảo tồn tại chỗ “khổng lồ”. Hiện nay các hố khai quật được bảo quản tạm thời dưới mái che và lưới đen vây quanh.

Phương pháp bảo quản mở đối với hố khai quật là một lựa chọn, tuy nhiên các biện pháp tiêu thoát nước hay bảo quản chống rêu mốc, muối hóa bằng phương pháp thủ công tại di tích đều mang lại những tác động trở lại không mong muốn, mức độ sa mạc hóa, muối hóa di tích ngày càng tăng. Phương pháp bảo tồn hiện tại được áp dụng tại di tích chỉ mang tính tạm thời và dừng lại ở việc xảy ra hiện tượng đến đâu khắc phục đến đó mà chưa có biện pháp bảo quản lâu dài và mang tính bền vững.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho hay, với tiến độ này, không biết bao giờ Việt Nam mới có thể phục dựng điện Kính Thiên. Gần 20 năm, các nhà khảo cổ vẫn đào xới và phát hiện ra một loạt các hiện vật, dấu tích quan trọng của các vương triều.

Nhưng đào lên rồi lấp lại, hiện vật cũng chẳng có chỗ để trưng bày. Các nhà khoa học cũng đề nghị, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cần có phương án tiếp tục đầu tư khai quật, nghiên cứu khảo cổ học, bảo tồn với quy mô lớn hơn và đầu tư kinh phí xứng tầm hơn.

Theo ông Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, các dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long đang khẩn trương được triển khai nhằm bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản. Thành phố Hà Nội và Trung tâm tiến tới nhất thể hóa quản lý di sản Hoàng thành Thăng Long theo khuyến nghị của Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế.

Đồng thời, tham gia thẩm định Đề án Nghiên cứu khôi phục không gian chính điện Kính Thiên; Đề án nghiên cứu tổ chức Lễ hội đèn Thăng Long; các hoạt động trưng bày, triển lãm, sự kiện, hoạt động văn hóa tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa…

Các nhà khoa học cho rằng, bảo tồn di sản không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc của di tích – di vật và đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức, chuyên gia quốc tế và Việt Nam… Những vấn đề về phát huy giá trị di sản, nghiên cứu xây dựng bảo tàng tại chỗ và đưa giáo dục di sản trở thành một trong những mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn kế tiếp.

Hợp tác Việt – Pháp bảo tồn Hoàng thành Thăng Long

Tháng 4/2020, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) có Văn bản số 1422/BVHTTDL-DSVH gửi UBND thành phố Hà Nội, cho ý kiến về Dự án hợp tác Hà Nội - Toulouse (Pháp) bảo tồn di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Qua quá trình nghiên cứu thẩm định dự án hợp tác giữa Hà Nội – Toulouse, Bộ VH-TT&DL cơ bản thống nhất với các nội dung đề xuất trong văn kiện Dự án hợp tác giữa 2 thành phố về hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị các di sản đô thị tiêu biểu và di tích khảo cổ học tại Di sản văn hóa thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

Đối với các hợp phần của dự án có liên quan đến hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, trình bày hiện vật, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan chủ dự án thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Bộ VH-TT&DL đã có ý kiến để UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.

Dự án hợp tác giữa Hà Nội và Toulouse (Pháp) nhằm đánh dấu sự hợp tác bền vững trong lĩnh vực di sản văn hóa giữa hai thành phố nói riêng và quan hệ Việt - Pháp nói chung, thể hiện sự quyết tâm, đầu tư của Hà Nội đối với di sản thế giới.

Đồng thời, dự án cũng góp phần quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích khảo cổ học tại khu di sản bằng cách ứng dụng các công nghệ hiện đại, mang đến cho công chúng cách tiếp cận gần gũi, sinh động về các di tích khảo cổ học. Nâng cao ý thức cộng đồng về di sản, thu hút thế hệ trẻ nghiên cứu, tìm hiểu về di sản văn hóa Việt Nam. Thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm việc ở khu di sản.

Thùy Dương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/hoang-thanh-thang-long-bao-ton-sao-cho-xung-la-di-san-van-hoa-the-gioi-510932.html