Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội: Khẳng định vị thế di sản thế giới
Tròn 10 năm khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới. Đã có rất nhiều bước tiến lớn trong công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản để gợi lại ký ức hơn 1.000 năm lập đô. Tất cả những việc làm của thế hệ hôm nay cũng để khẳng định vị thế của di sản đặc biệt nằm giữa trung tâm Hà Nội, lời khẳng định về vị thế của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Ký ức khó quên
Những nhà khoa học, giáo sư đầu ngành lịch sử, khảo cổ học như GS.NGND Phan Huy Lê, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TS Tống Trung Tín… cũng như những người yêu di sản Hoàng thành Thăng Long chắc chắn không thể nào quên thời khắc tiếng gõ búa công nhận khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới vang lên giữa hội trường kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới tại Thủ đô Brasilia (Brazil). Đó là thời gian lúc 20 giờ 30 (theo giờ Brazil) ngày 31/7/ 2010, tức 6 giờ 30 (theo giờ Việt Nam) ngày 1/ 8/2010. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc vẫn nhớ: “Phiên họp liên quan đến việc quyết định kết quả của hồ sơ diễn ra vào thời gian ban đêm theo giờ Việt Nam, GS Phan Huy Lê (với vai trò là người chủ trì xây dựng hồ sơ) cùng rất nhiều người trong tổ chuyên gia khác khi ấy gần như không ngủ, đến khi có kết quả từ bên Brazil báo về, chúng tôi báo thầy, GS thốt lên: Vui rồi”.
GS Phan Huy Lê vẫn quan niệm: Một di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long tồn tại giữa trung tâm Hà Nội sẽ nâng cao vị thế lịch sử, văn hóa của Thủ đô. Hoàng thành Thăng Long trở thành di sản văn hóa thế giới là nguyện vọng tha thiết của Nhân dân Thủ đô và cả nước, cũng là trách nhiệm của thế hệ chúng ta trước lịch sử.
Trước năm 2000 nơi định đô của các triều đại tại Hà Nội vẫn là một ẩn số. Từ năm 2002 - 2003, cuộc khai quật khảo cổ học lớn được tiến hành tại 18 Hoàng Diệu đã làm xuất lộ một quần thể di tích vô cùng quý giá, minh chứng cho sự hiện hữu và trường tồn của Thăng Long - Hà Nội qua hàng ngàn năm lịch sử. Đến năm 2004, khu vực Thành cổ Hà Nội sau nhiều năm “kín cổng cao tường” đã được Bộ Quốc phòng bàn giao cho TP Hà Nội. Tháng 10 năm ấy, Thành cổ Hà Nội lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan đã trở thành một sự kiện văn hóa đặc biệt, thu hút sự quan tâm của hàng vạn đồng bào Thủ đô và cả nước. Từ đây, những bí ẩn về trục chính tâm của Hoàng thành Thăng Long với dấu tích còn lại dần được hé mở. Kết quả nghiên cứu bước đầu của các chuyên gia trong nước và quốc tế đã khẳng định những giá trị to lớn về văn hóa lịch sử và khoa học của khu di tích đặc biệt quan trọng này. Và với sự ủng hộ của các chuyên gia Pháp, Nhật Bản và Ủy ban UNESCO tại Việt Nam, tổ chuyên gia dưới sự chủ trì của GS Phan Huy Lê đã tập trung làm việc, xây dựng hồ sơ để UNESCO vinh danh, ghi nhận một di sản thế giới giữa lòng Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Nỗ lực vì di sản
Năm 2020, tròn 10 năm Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã có những bước tiến vững chắc và cách làm bài bản. Công tác tuyên truyền, quảng bá Khu di sản Hoàng thành Thăng Long được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như trưng bày, triển lãm, website, mạng xã hội, quảng bá trực tuyến, góp phần đưa di sản tiếp cận công chúng và khách tham quan.
Các hoạt động hướng tới khách tham quan, nâng cao chất lượng dịch vụ được Trung tâm chú trọng triển khai. Từ một khu di tích đóng cửa không đón khách và mới mở cửa từ năm 2004, bắt đầu thu phí tham quan từ tháng 4/2013, đến nay, Hoàng thành Thăng Long đã trở thành một điểm đến của khách du lịch trong nước và quốc tế, là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô; mức thu tăng trung bình mỗi năm gần 30%.
Trung tâm đã hoàn thành phê duyệt 2 đồ án Quy hoạch: Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành cổ (tỷ lệ 1/500, ngày 21/8/2015) và Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000, ngày 3/7/2015) làm cơ sở để triển khai thực hiện các dự án thành phần theo quy định; triển khai các bước nghiên cứu lập Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và bảo tồn di sản được Trung tâm chú trọng triển khai. Mong muốn mang đến những trải nghiệm hoàn hảo nhất cho du khách, Hoàng thành Thăng Long là một trong những di tích tiên phong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích như wifi, ứng dụng thuyết minh tự động trên smartphone; đưa di sản tiếp cận công chúng rộng rãi hơn bằng các hình thức trưng bày trực tuyến, tour tham quan ảo 360 độ; đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng bằng công nghệ 3D...
“Những kết quả nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong chặng đường 10 năm vừa qua là những tiền đề vững chắc để Trung tâm đi tới chặng đường tiếp theo: Bảo tồn lâu dài khu di sản với định hướng trở thành một công viên văn hóa - lịch sử, một điểm tham quan du lịch hấp dẫn hàng đầu của Thủ đô và cả nước” - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh bày tỏ.
Rất ít nước trên thế giới có thể gìn giữ được những ký ức sống động về việc lập đô từ hơn 1.000 năm trước mà không bị mai một theo thời gian. Tôi rất ngưỡng mộ các bạn về điều này.
Nguyên Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova