Hoàng Trang: Hát trên quê hương 'Người mẹ Ô Lý' với nồng nàn cảm xúc
Một ngày tháng 7 năm 2020, trong không gian đầm ấm của một quán cà phê trên đất Thành Cổ, tiếng hát Hoàng Trang cất lên trầm mặc, lan xa. Tiếng đàn ghi ta của người bạn đồng hành-Nguyễn Đông- như quyện hòa vào lời ca, đưa người nghe về những xưa cũ của thời gian. Những lần hát trên quê hương Quảng Trị, quê hương của 'Người mẹ Ô Lý', là những lần đọng lại trong cô nhiều cảm xúc yêu thương.Với Hoàng Trang, hát nhạc Trịnh không chỉ để thỏa mãn đam mê, để giao lưu và kết nối, mà còn giúp cô chở giấc mơ tuổi thơ của mình bay theo từng nốt nhạc.
Một lần ghé Quảng Trị, nhận thêm nhiều yêu thương
Ngay sau khi buổi biểu diễn tại Quảng Trị kết thúc, Hoàng Trang chia sẻ rằng chưa bao giờ mình hát bài “Người mẹ Ô Lý” và những ca khúc da vàng lại nồng nàn cảm xúc đến như vậy.
Tháng 7 trên đất Thành Cổ rất linh thiêng. Được hát cho những người nằm xuống, với Hoàng Trang là một điều ý nghĩa. Những ca khúc Da vàng được cất lên trong không gian đó khiến người nghe rưng rức. Riêng với bài hát “Người mẹ Ô Lý”, cảm xúc đó như được nhân đôi. Với ca từ dung dị, với giọng hát da diết, Hoàng Trang đã đưa câu chuyện của người mẹ già chạy bộ 120 km từ Quảng Trị vào Huế trong mùa hè đỏ lửa năm 1972 với tài sản duy nhất là quả bí đi sâu vào lòng người.
Hỏi Hoàng Trang rằng có phải vì giai điệu này, ca từ này khi được cất lên trên chính quê hương của nhân vật nên mới mang âm điệu đồng vọng, day dứt?, cô nhẹ nhàng chia sẻ: Thực ra, câu chuyện về người mẹ và quả bí non trong bài hát này Trang đã được nghe kể nhiều lần trước đó. Nhưng lần này, khi được đứng trên sân khấu của một quán cà phê nhỏ ở thị xã Quảng Trị, câu chuyện về người mẹ - người mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gặp rồi lấy đó làm cảm hứng để viết nên ca khúc “Người mẹ Ô Lý” - qua giọng kể của một người con Quảng Trị là nhà báo Nguyễn Hoàn lại thấy rất gần gũi, xúc động. Đặc biệt, qua câu chuyện của nhà báo Nguyễn Hoàn, cô hiểu hơn về những ca từ trong bài hát. Câu chuyện tang thương của chiến tranh hiện lên rõ ràng hơn, những câu chữ của bài hát cũng được cảm nhận chân thực hơn. Lúc cất lên lời ca, Hoàng Trang như hình dung trước mắt mình hình ảnh người mẹ Quảng Trị trong thời buổi chiến tranh tao loạn đó. Âu lo, sợ hãi và cả đói nghèo nhưng thẳm sâu trong lòng mẹ vẫn nhớ đến ruộng vườn, quê hương. Vì thế, Trang hát với tất cả tiếng lòng, thổi vào đó những cảm xúc sâu lắng của mình.
Hoàng Trang đến Quảng Trị lần đầu theo lời mời của một người bạn Quảng Trị gặp ở TP. Hồ Chí Minh. Nhưng chỉ trong lần đến đầu tiên đó, cô đã có cảm giác gần gũi, thân thương khi nhận được rất nhiều sự quan tâm, yêu mến từ khán giả. “Có nhiều người khi biết mình và anh Nguyễn Đông ra hát đã mời đến nhà chơi, lên kế hoạch dẫn đi thăm một số di tích ở địa phương. Điều đó khiến chúng mình rất xúc động”, Trang chia sẻ. Tuy thời gian lưu lại ở Quảng Trị không nhiều nhưng đôi bạn trẻ đã đặt chân đến nhiều địa danh của mảnh đất này như địa đạo Vịnh Mốc, biển Cửa Việt, nhà thờ La Vang... cũng như thưởng thức một số món ăn đặc sản của địa phương. “Chỉ khi đến Quảng Trị, mình mới biết cháo bột chính là bánh canh và biết được ăn cay... nó cay như thế nào”, Hoàng Trang hóm hỉnh nói. Lần đến Quảng Trị thứ hai, Hoàng Trang đã hát trong chương trình lễ cầu siêu cho các nạn nhân trong trận mưa, lũ lịch sử vào tháng 10/2020 tại chùa Sắc Tứ theo lời mời của thầy Thích Nguyên Mãn. Nhiều khán giả ở Quảng Trị biết Hoàng Trang qua clip bài hát “Ta đã thấy gì trong đêm nay” trên mạng xã hội đã yêu mến giọng hát của cô. Khi được gặp gỡ, giao lưu với Hoàng Trang trên sân khấu nhỏ ở Quảng Trị, cảm giác chung về cô là có một giọng hát mộc mạc và sự ấm áp, dễ gần. Nhà báo Nguyễn Hoàn chia sẻ rằng: Hoàng Trang là một trong ít người trẻ hát nhạc xưa. Cô hát nhạc Trịnh không cầu kỳ mà rất hồn nhiên, chân thành. Và chính sự hồn nhiên, chân thành đó mới chuyển tải được âm nhạc của Trịnh Công Sơn đi vào lòng người nghe nhạc một cách sâu lắng nhất...
Chở giấc mơ tuổi thơ bay xa
Hoàng Trang nghe nhạc Trịnh từ ngày nhỏ, lúc khoảng 4-5 tuổi. Nhà ở quận Gò Vấp, ở đó mẹ cô có mở một quán bán cơm. Quán bán cơm nhưng ba mẹ cô thường xuyên mở nhạc Trịnh Công Sơn vì ông bà rất mê nhạc Trịnh. Dần dần, việc nghe nhạc Trịnh trở thành thói quen của Hoàng Trang. Từ nghe theo thói quen rồi dần thích, Trang bắt đầu hát một số bài hát của Trịnh bằng dàn karaoke ở nhà. Đến năm 12 tuổi, Trang được ba mẹ đưa tới Hội quán Hội Ngộ (Khu du lịch Bình Quới, TP. Hồ Chí Minh), đăng ký xin làm hội viên. Bắt đầu từ thời gian đó, Trang tiếp xúc nhiều hơn, hát nhiều hơn những bản nhạc Trịnh ít được phổ biến trong công chúng.
Từ sân khấu của Hội quán Hội ngộ, Hoàng Trang đã gặp Nguyễn Đông để không lâu sau đó giữa họ có sự kết hợp thành một cặp đôi biểu diễn trên các sân khấu lớn nhỏ. Ngày đó, Nguyễn Đông là một trong những khán giả hằng tuần đến sân khấu Bình Quới, Thanh Đa để nghe hát. Một lần nghe Hoàng Trang – lúc đó mới 12 tuổi- hát ca khúc “Dấu chân địa đàng”, Nguyễn Đông đã có cảm nhận rằng giọng hát này hát nhạc Trịnh rất trẻ trung, không u uất. Càng về sau, khi nghe những bài hát khác của Trịnh Công Sơn do Hoàng Trang trình bày, anh thấy có sự thay đổi trong cách nhìn, cách cảm nhạc của cô bé. Quen biết nhau từ dạo đó nhưng để kết hợp thành một cặp biểu diễn thì mới chỉ cách đây 4 năm và ca khúc đầu tiên Nguyễn Đông đệm đàn cho Hoàng Trang hát là ca khúc “Dấu chân địa đàng”.
Hoàng Trang từng nghĩ, hát chỉ là niềm đam mê. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô cứ lơ lửng giữa nhiều cảm xúc và sự lựa chọn. Tiếp tục học lên nữa, làm công việc của một nhân viên văn phòng hay theo con đường ca hát? Được sự định hướng của Nguyễn Đông, Hoàng Trang cuối cùng cũng đã có cho mình một sự chọn lựa, dẫu biết rằng với một người chưa được đào tạo bài bản như cô, con đường phía trước cũng rất khó khăn.
Cũng qua Nguyễn Đông kết nối, Hoàng Trang có cơ duyên gặp ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thực ra trước đó, trong lần tham gia giải Giọng hát hay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được tổ chức ở sân khấu Hội quán Hội ngộ, Hoàng Trang đoạt giải thí sinh nhỏ tuổi nhất. Lần đó, cô được ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh lên sân khấu tặng quà. Nhưng đến năm 2016, cô mới được chính thức gặp ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh. Tham gia một chương trình hát nhạc Trịnh Công Sơn do gia đình cố nhạc sĩ tổ chức, Hoàng Trang đã đến thử giọng và được ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh khen có chất giọng tốt. “Muốn hát nhạc Trịnh phải hát đúng tinh thần và đúng nguyên bản của bài hát. Hát phải như rút ruột ra thì mới hay được”, Hoàng Trang nhớ mãi lời khuyên của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh hôm đó. Sau này, những chương trình do gia đình tổ chức, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đều tạo điều kiện để Hoàng Trang tham gia. Mỗi lần như vậy, ca sĩ đều chăm chú nghe Hoàng Trang hát để cổ vũ, động viên và góp ý giúp cô hoàn thiện hơn.
Tiếng hát của một cô bé 12-13 tuổi và một Hoàng Trang hôm nay trong những ca khúc của Trịnh Công Sơn đã khác rất nhiều. Lúc nhỏ Trang hát vì thích giai điệu của các bài hát, đôi khi hát một cách vô thức, nhưng bây giờ lớn hơn, có nhiều trải nghiệm hơn về cuộc sống, cô bắt đầu cảm nhận được ca từ và tìm được nhiều sự đồng cảm khi hát những bản nhạc Trịnh. Nhưng có một điểm chung là giấc mơ được hát nhạc Trịnh của cô bé 12-13 tuổi ngày nào đã được Hoàng Trang hôm nay chắp cánh bay xa. Từ quán cơm của mẹ, từ sân khấu của Hội quán Hội ngộ, tiếng hát của Hoàng Trang ngày hôm nay sâu lắng hơn, mặn mà hơn và lan tỏa xa hơn để đưa nhạc Trịnh đến với mọi miền đất nước.
Hát cho những người yêu thích mình là niềm cảm hứng lớn lao của đôi bạn trẻ Hoàng Trang, Nguyễn Đông. Họ muốn được hát nhạc Trịnh một cách mộc mạc, trực tiếp vì như vậy mới có cảm hứng và sự kết nối. Sau Quảng Trị sẽ là nhiều không gian ấm áp khác chờ đón Hoàng Trang-Nguyễn Đông. Đó có thể là Hội An, là Đà Lạt, là Buôn Ma Thuột hay là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Khán giả nơi đâu cũng chờ đón đôi bạn trẻ để được đắm chìm trong không gian âm nhạc của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát bay bổng của Hoàng Trang, hòa tiếng đàn guitar mộc mạc, say mê của người bạn đồng hành Nguyễn Đông.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=155427