Hoàng tử Anh đến thăm, Jamaica tuyên bố muốn từ bỏ nữ hoàng
Trong cuộc gặp với Hoàng tử William, thủ tướng Jamaica nói rằng đất nước ông muốn độc lập và có kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách nguyên thủ quốc gia của nữ hoàng Anh.
Hôm 22/3, vợ chồng công tước xứ Cambridge đã đến Jamaica. Đây là một phần trong chuyến công du kéo dài một tuần đến các thuộc địa cũ của Anh, trùng với kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II.
Thủ tướng Jamaica Andrew Holness nói với cặp đôi hoàng gia tại một sự kiện công khai rằng đất nước ông “rất mừng” vì chuyến thăm, nhưng vẫn cần tiếp tục giải quyết vấn đề còn tồn đọng, theo Sydney Morning Herald.
“Như ngài đang thấy, Jamaica là một đất nước rất đáng tự hào ... và chúng tôi đang tiến lên. Chúng tôi có ý định… hiện thực hóa mong muốn trở thành một quốc gia độc lập, phát triển toàn diện và thịnh vượng”, ông Holness cho biết.
Jamaica, đất nước với dân số gần 3 triệu người, đã tự chủ được 60 năm, sau hàng trăm năm nằm dưới sự cai trị của Tây Ban Nha và Anh.
Thủ tướng Holness lần đầu tuyên bố sẽ đưa Jamaica từ chế độ quân chủ lập hiến thành một nước cộng hòa trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2016. Ông cho biết chính phủ của ông sẽ trình dự luật chuyển vị trí nguyên thủ quốc gia từ nữ hoàng Anh sang "một tổng thống không nắm quyền hành pháp".
Trong chuyến thăm, cặp đôi hoàng gia cũng đối mặt với những chất vấn về di sản thuộc địa của Đế quốc Anh khi những người biểu tình kêu gọi hoàng gia bồi thường cho chế độ nô lệ trong quá khứ.
Năm ngoái, Barbados, sau gần 400 năm là thuộc địa của Anh, đã chuyển sang chế độ cộng hòa sau một cuộc bỏ phiếu nhằm cắt đứt quan hệ với hoàng gia Anh. Mặc dù vậy, họ vẫn là thành viên của Khối Thịnh vượng chung.
Chuyến công du lần này của vợ chồng Hoàng tử William được thực hiện thay mặt nữ hoàng nhằm củng cố mối quan hệ của Vương quốc Anh với các quốc gia nằm trong Khối Thịnh vượng chung.
Các sửa đổi hiến pháp của Jamaica phải được đa số 2/3 ở cả Hạ viện và Thượng viện thông qua. Tuy nhiên, một số điều khoản nhất định, bao gồm các điều khoản liên quan đến chế độ quân chủ, chỉ có thể được sửa đổi thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.
Thời gian tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vẫn chưa được quyết định. Các chuyên gia cho rằng quá trình này có thể mất nhiều năm.