Hoành tráng và uy nghiêm chương trình sân khấu hóa 'Sáng mãi hào khí cờ đào'

Lễ hội kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2024) đã được tổ chức trang trọng bằng chương trình nghệ thuật sân khấu hóa được du khách và nhân dân TP HCM đón nhận nồng nhiệt.

Tối mùng 5 Tết Nguyên đán Giáp Thìn (14-2), tại sân khấu trước Nhà hát Thành phố đã diễn ra chương trình sân khấu hóa "Sáng mãi hào khí cờ đào" (truyền hình trực tiếp trên HTV 1, truyền tiếp trên HTV 9 - Đài Truyền hình TP HCM, phát thanh trực tiếp trên VOH).

Chương trình sân khấu hóa "Sáng mãi hào khí cờ đào"

Chương trình sân khấu hóa "Sáng mãi hào khí cờ đào"

Đến tham dự có các lãnh đạo TP HCM gồm: ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP HCM, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP HCM, bà Trần Kim Yến - Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam - TP HCM, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM, ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP HCM, ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM...

Chương trình sân khấu hóa "Sáng mãi hào khí cờ đào" do UBND TP HCM chỉ đạo, Sở VH-TT TP HCM và Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM phối hợp thực hiện. Chỉ đạo nghệ thuật là NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở VH-TT TP HCM; biên kịch: soạn giả Lâm Viên; giám đốc âm nhạc: NSƯT Võ Thanh Liêm - nhạc sĩ Đạt Kìm; NSND Hữu Quốc và đạo diễn Dương Thảo dàn dựng.

Chương trình đã tô đậm thông điệp đầy kiêu hãnh về hành trình đem đến mùa xuân chiến thắng của vị hoàng đế áo vải, cờ đào Tây Sơn.

Ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP HCM

Ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP HCM

Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ là hiện thân của một Việt Nam với truyền thống anh hùng, kiên trung, bất khuất, luôn xem việc gìn giữ và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc là nhiệm vụ hàng đầu của mọi thế hệ.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM

Phát biểu tại chương trình sân khấu hóa "Sáng mãi hào khí cờ đào", bà Trần Kim Yến - Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam - TP HCM - nhấn mạnh, lịch sử luôn nhắc nhở chúng ta khắc ghi, là con cháu Lạc Hồng tự bao đời nay phải tiếp nối viết lên những trang sử hào hùng, làm rạng danh đất Việt.

NSƯT Kim Tử Long và NSƯT Võ Minh Lâm - hai nghệ sĩ vinh dự được đóng vai Nguyễn Huệ - đã tự hào bày tỏ: "Hàng năm cứ vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán, khi mùa xuân khoe sắc thắm thì người dân Việt Nam trên mọi miền đất nước lại nô nức, phấn khởi, tự hào tham dự Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa. Đây là một trong những trang sử hào hùng, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ".

"Là một nghệ sĩ trẻ, được vinh dự hóa thân hình tượng nhân vật Nguyễn Huệ, là một điều thiêng liêng đối với sự nghiệp nghệ thuật của tôi" - NSƯT Võ Minh Lâm, Giải Mai Vàng lần thứ 29 - 2023, xúc động nói.

Bám vào hình tượng cây tre luôn gắn bó với cộng đồng dân tộc Việt Nam làm biểu tượng xuyên suốt chương trình. Ê kíp thực hiện đã gửi gắm vào hình tượng tre, cốt cách riêng của nền văn hóa, con người Việt Nam: kiên cường mà mềm dẻo, bản lĩnh mà linh hoạt, dung dị mà sáng tạo…

NSND đạo diễn Hữu Quốc bộc bạch: "Cây tre Việt Nam đã đi vào đời sống người dân, là một hình ảnh thân quen của bao thế hệ người Việt Nam. Tre thành khóm, thành bụi, vững vàng tạo nên thành lũy. Tre tiên phong giữ đất, giữ làng, góp phần tạo nên cuộc sống yên bình cho lớp lớp người Việt Nam.

Trước vận nước nguy nan, tre là biểu tượng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là tinh thần quật cường đồng sức, đồng lòng cứu nước.

Trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, hình ảnh cây tre một lần nữa gắn liền với những người nông dân áo vải, dưới ngọn cờ đào của nghĩa quân Tây Sơn đã nổi dậy đánh đuổi giặc ngoại xâm, lập nên một trang sử vẻ vang cho dân tộc".

Chương trình sân khấu hóa còn tái hiện 7 vị tướng người Bình Định đã trọn đời theo nhà Tây Sơn, được nhân dân địa phương tôn là "Tây Sơn thất hổ tướng", gồm: Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lý Văn Bưu, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Lộc.

Bên cạnh đó, còn có 5 vị nữ tướng tài danh của nhà Tây Sơn được người đời xưng tụng là "Tây Sơn ngũ phụng thư", gồm: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung.

Các nghệ sĩ Nhà hát Trần Hữu Trang như: NSƯT Kim Tử Long, Võ Minh Lâm (Nguyễn Huệ), Chí Dũng (Nguyễn Nhạc), La Quang Minh (Nguyễn Lữ), Lâm Minh Nguyên, Hùng Vương, Diệp Duy, Hoài Minh, Trọng Hiếu, Sơn Minh, NSƯT Tâm Tâm, NSƯT Quỳnh Hương, Nhã Thy, Hồng Quyên… và hai nữ nghệ sĩ: NSND Mỹ Hằng và Ánh Ngọc diễn vai Ngọc Hân công chúa - đã thể hiện xuất thần 12 vị tướng nhà Tây Sơn - những con người tài ba cùng với Nguyễn Huệ - Quang Trung dựng ngọn cờ đào, xây dựng cơ đồ Tây Sơn hiển hách.

Chương trình còn tái hiện các trận đánh với đoàn chiến thuyền theo đường biển vào đến Rạch Gầm - Xoài Mút rất hào hùng, tạo dấu ấn đẹp với âm nhạc, ánh sáng và vũ đạo của hơn 200 diễn viên võ thuật cổ truyền tham gia. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thuận đã biểu diễn "Trống trận Tây Sơn".

Thanh Hiệp (Ảnh: Quốc Thắng)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hoanh-trang-va-uy-nghiem-chuong-trinh-san-khau-hoa-sang-mai-hao-khi-co-dao-196240214181827286.htm