Hoạt động bổ trợ tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực

Thời gian qua, công tác bổ trợ tư pháp (BTTP) trên địa bàn tỉnh từng bước được đổi mới, nâng cao hình thức, tổ chức và hoạt động hiệu quả. Từ đó, góp phần đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Để hoạt động BTTP ngày càng mang lại hiệu quả, các cơ quan, đơn vị đã tăng cường công tác quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư; công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại được xã hội hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công dân; công tác giám định tư pháp từng bước được củng cố, kiện toàn, mang lại kết quả tích cực.

Hoạt động công chứng đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: T.H

Hoạt động công chứng đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: T.H

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh gồm có 21 tổ chức hành nghề luật sư, 3 chi nhánh văn phòng luật sư và 10 văn phòng giao dịch với 43 luật sư chính thức; 1 trung tâm tư vấn pháp luật, 5 tư vấn viên pháp luật và 12 cộng tác viên. Năm 2019, các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện 691 việc, trong đó 240 việc tố tụng, số việc tư vấn pháp luật 371 và 80 việc trợ giúp pháp lý. Trung tâm tư vấn pháp luật tư vấn 231 việc, tư vấn miễn phí 16 việc và tư vấn có thù lao 215 việc. Cũng trong năm qua, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về tổ chức và hoạt động của luật sư; phối hợp biên soạn tài liệu chuyên đề về kỹ năng xét hỏi tại tòa hành chính và cấp 4 giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh, tổ chức hành nghề luật sư…

Lĩnh vực công chứng cũng đang từng bước thực hiện mục tiêu xã hội hóa. Theo đó, hoạt động công chứng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng giao dịch dân sự, phục vụ có hiệu quả tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, sự ra đời của văn phòng công chứng đã tạo ra môi trường cạnh tranh để phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng; các yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức được giải quyết nhanh chóng theo đúng pháp luật, không gây ách tắc, phiền hà trong quá trình tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch. Năm 2019, số việc công chứng 26.691, tăng 30% so với năm trước; chứng thực 67.107 bản sao; chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản 571 việc. Năm qua, tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm lại công chứng viên 3 trường hợp, cho phép thành lập 2 văn phòng công chứng, cấp giấy hoạt động cho 2 văn phòng công chứng; trình Bộ Tư pháp danh sách đăng ký tham dự kết quả hành nghề luật sư cho 6 trường hợp.

Đội ngũ giám định viên tư pháp được củng cố cả về số lượng và chất lượng; có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; có phẩm chất, đạo đức tốt; chất lượng kết luận giám định phản ánh đầy đủ và đúng theo yêu cầu, đảm bảo tính khách quan, trung thực, góp phần phục vụ kịp thời cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử được nghiêm minh, đúng pháp luật, tránh được oan sai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các bị can, người bị hại trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Song song đó, lĩnh vực đấu giá tài sản trong thời gian qua đã từng bước khẳng định hiệu quả của việc xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động đấu giá tài sản, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Các tổ chức đấu giá tài sản đã có sự phát triển về số lượng, chất lượng, quy mô, tính chuyên nghiệp, đầu tư về cơ sở vật chất, kiện toàn về tổ chức, tăng cường về nhân lực, cơ bản đáp ứng nhu cầu đấu giá tại địa phương. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp đấu giá tài sản; 4 chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản, 14 đấu giá viên. Bên cạnh đó, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh có sự ra đời của chế định thừa phát lại, đã chính thức đưa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng về xã hội hóa một số công việc liên quan đến thi hành án dân sự vào thực tiễn đời sống pháp luật. Việc thực hiện chế định thừa phát lại có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện tốt chủ trương về xã hội hóa hoạt động BTTP đã được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tạo tiền đề giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự.

Đồng chí Huỳnh Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động BTTP, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức BTTP, như: luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; thường xuyên phối hợp với các ngành có liên quan rà soát, củng cố, kiện toàn và phát triển đội ngũ giám định tư pháp đủ về số lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công chứng, quản tài viên, thi hành án dân sự, hòa giải thương mại, trọng tài thương mại và lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp. Mặt khác, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về lĩnh vực trợ giúp pháp lý, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Đồng thời, tiếp tục triển khai chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng bãi ngang”.

T.H

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/hoat-dong-bo-tro-tu-phap-co-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-34866.html