Hoạt động các nhà máy tại Trung Quốc tiếp tục suy yếu
Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc vừa công bố chỉ số quản lý thu mua (PMI) tháng 8 rớt xuống 49,5 điểm – giảm 4 tháng liên tiếp.
PMI Trung Quốc trong tháng 7 đạt 49,7 điểm. Giới phân tích trước đó kỳ vọng chỉ số này sẽ giữ nguyên.
Chỉ số quản lý thu mua dựa trên năm đơn vị thành phần chính: đơn đặt hàng mới, mức tồn kho, sản xuất, giao hàng từ nhà cung ứng cùng môi trường lao động. Mục đích của PMI là cung cấp thông tin về điều kiện kinh doanh hiện tại cho các nhà hoạch định chính sách, nhà phân tích và quản lý mua hàng của doanh nghiệp.
Số liệu mới nhất là minh chứng cho việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục bị tác động bởi chiến tranh thương mại với Mỹ lẫn nhu cầu toàn cầu suy yếu. Lượng đơn đặt hàng xuất giảm tháng thứ 15 liên tiếp, tổng lượng đơn đặt hàng (tính cả trong lẫn ngoài nước) cũng chịu tình cảnh tương tự – dấu hiệu cho thấy nhu cầu nội địa Trung Quốc ảm đạm bất chấp hàng loạt biện pháp thúc đẩy tăng trưởng vài năm qua.
Những đơn vị sản xuất trong ngành công nghiệp phục vụ tiêu dùng đặc biệt dễ bị tổn thương. Một số hãng xe như Cát Lợi (Geely) và Trường Thành đều đã cắt giảm kỳ vọng doanh thu lẫn lợi nhuận.
Cũng theo số liệu mới, các nhà máy tiếp tục cắt giảm lao động trong tháng 8. Chỉ số việc làm giảm từ 47,1 điểm tháng trước xuống còn 46,9 điểm.
Tháng 8 chứng kiến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang bởi kế hoạch thuế quan mới “ăn miếng trả miếng lẫn nhau”. Hai bên quyết tâm xúc tiến kế hoạch đánh thuế bất chấp chấp nhận ngồi lại vào đàm phán vào tháng 9.
Giới phân tích đánh giá thương chiến khó lòng kết thúc sớm. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vì vậy sẽ vẫn phải hứng chịu ảnh hưởng xấu.
Nền kinh tế châu Á muốn dựa vào tăng trưởng ở lĩnh vực dịch vụ (nhờ mức lương của người dân tăng cộng sức chi tiêu mạnh mẽ) để bù đắp phần nào tác động. Tuy nhiên mảng dịch vụ cũng từng suy yếu nhẹ vào cuối năm ngoái.
Cẩm Bình (theo Straits Times)