Hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng: Vì sao khó thu hồi nợ?

Một bộ phận khách hàng đang cố tình đánh đồng hoạt động thu hồi nợ hợp pháp của các công ty tài chính chính thống là phạm pháp để né tránh việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán

Báo Người Lao Động ngày 27-7 có đăng thông tin "Công ty tài chính vẫn đau đầu vì người vay không trả nợ", nội dung phản ánh việc không ít người đã tham gia các hội, nhóm "bùng nợ" trên mạng xã hội, chia sẻ cách thức hướng dẫn trốn nợ, "bùng nợ"… sau khi vay tiền từ công ty tài chính, ngân hàng.

"Bùng nợ" có tổ chức

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, quyền Tổng Giám đốc Công ty Tài chính FE Credit (FE Credit), cho biết dù được cấp phép hoạt động và được quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước nhưng cũng như các tổ chức tín dụng khác, FE Credit đang đối mặt một vấn đề nan giải là hoạt động "bùng nợ" có tổ chức từ khách hàng. Một bộ phận khách hàng đang cố tình đánh đồng hoạt động thu hồi nợ hợp pháp của các công ty tài chính chính thống là phạm pháp để né tránh việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

"Một phần nguyên nhân của tình trạng này đến từ việc khách hàng gặp khó khăn như mất việc, ốm đau, gia đình gặp biến cố… dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ. Tuy nhiên, nhóm khách hàng này chiếm tỉ trọng không lớn. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu sự bảo vệ dành cho các đơn vị cho vay khi các đơn vị cho vay tiến hành các thủ tục thu hồi nợ đúng quy định" - bà Minh Nguyệt cho biết.

Để tiếp tục đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính cho biết đã và đang triển khai nhiều giải pháp cho vay, thu hồi nợ hiệu quả, tránh phát sinh nợ xấu. Đối với tình trạng khách hàng "bùng nợ" có tổ chức, FE Credit cho hay sẽ tiến hành phân luồng và xây dựng các giải pháp tiếp cận phù hợp như tích cực truyền thông về trách nhiệm và nghĩa vụ của người đi vay, các rủi ro pháp lý và hệ quả sẽ đối mặt nếu vi phạm nghĩa vụ thanh toán…, thuyết phục khách hàng hiểu rõ việc từ chối trả nợ là hành vi phạm pháp.

"Khi khách hàng vẫn cố tình vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm thanh toán khoản vay trong thời gian dài, công ty lựa chọn các hoạt động thu hồi nợ đúng quy định, khởi kiện nhằm xây dựng một thị trường tín dụng tiêu dùng công bằng và lành mạnh" - bà Minh Nguyệt nói.

Trong khi đó, Công ty F88 khẳng định sẽ từ chối cung cấp các khoản vay dùng vào các mục đích không cần thiết như cá độ, ăn chơi quá đà và kêu gọi mọi người không vay tiền bừa bãi nhằm tránh rơi vào vòng xoáy nợ nần. Vay để đầu tư sản xuất - kinh doanh, học hành, khám chữa bệnh hoặc các công việc chính đáng khác. Không nên vay để ăn chơi, không vay vượt quá nhu cầu, vượt quá thu nhập…

"Vay tỉnh táo, vay đúng mục đích, vay trong khả năng chi trả là những gì người đi vay cần phải ý thức rõ ràng nếu không muốn mãi luẩn quẩn trong vòng xoáy nợ nần, dù là với ngân hàng, công ty tài chính hay các cửa hàng cầm đồ. Khi đó, dẫu không thể an yên với nợ thì ít nhất gánh nặng cũng sẽ trở nên dễ chịu hơn" - đại diện Công ty F88 nói.

Nhiều hội, nhóm rủ nhau “bùng nợ”, “xù nợ” hoạt động với hàng chục ngàn thành viên, là nỗi đau đầu của các đơn vị cho vay Ảnh: Lam Giang

Nhiều hội, nhóm rủ nhau “bùng nợ”, “xù nợ” hoạt động với hàng chục ngàn thành viên, là nỗi đau đầu của các đơn vị cho vay Ảnh: Lam Giang

Kiện ra tòa

Theo luật sư Đỗ Thị Hằng, Công ty Luật TNHH BFSC, tâm lý "bùng nợ" xuất phát từ việc một số người thiếu ý thức cho rằng việc các công ty tài chính đòi nợ là phạm pháp sẽ không dám khởi kiện. Thực tế, các công ty này đã nắm đầy đủ cơ sở pháp lý để kiện người "bùng nợ" ra tòa. Thời gian đầu, các công ty sẽ chủ động thuyết phục người vay nhưng nếu không hợp tác, họ mới khởi kiện dù đã "bùng nợ" được 5 năm hay 10 năm. Những người kích động, xúi giục, chỉ cách lừa đảo hoặc cung cấp những điều kiện cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.

"Với các công ty tài chính, khởi kiện không phải điều họ mong muốn. Đa phần các tổ chức tín dụng đều chủ động giãn nợ cho khách như một cách chia sẻ khó khăn. Nhưng theo lãnh đạo một công ty cho vay cầm cố tài sản, rất ít người vay chủ động xin giãn nợ mà chủ yếu là "bùng nợ" bất chấp. Chỉ nên vay khi thật sự cần và chỉ vay trong khả năng có thể trả được" - luật sư Hằng nói.

FE Credit cho biết đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động nâng cao khung quản trị rủi ro, áp dụng công nghệ cao để quản lý và giám sát quy trình xử lý tín dụng, nhằm giảm thiểu các khiếu nại của khách hàng và chọn đúng tệp khách hàng để tiếp cận. Với các khách hàng gặp khó khăn thật sự hoặc biến cố đột xuất, công ty đã xây dựng các chính sách miễn hoặc giảm lãi vay, hỗ trợ giãn thời gian thanh toán.

Theo thông tin từ một công ty cho vay cầm cố lớn tại Việt Nam, chỉ trong hơn 5 tháng đầu năm 2024, công ty này đã gửi 91 hồ sơ "bùng nợ" đến cơ quan công an và 71 hồ sơ khởi kiện ra tòa án. Trước đó, trong giai đoạn 2022 - 2023, FE Credit cho biết đã nộp đơn khởi kiện hơn 1.000 khách hàng…

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính khoảng 138.800 tỉ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống. Tỉ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, đạt gần 2,9 triệu tỉ đồng, đây là con số tương đối lớn.

Chịu trách nhiệm hình sự

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, cho biết hợp đồng vay tiêu dùng được xem là hợp đồng vay có thời hạn quy định tại điều 463 Bộ Luật Dân sự năm 2015: "Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định". Hợp đồng vay đến hạn thì bên vay tài sản có nghĩa vụ trả nợ, nếu không trả nợ, bên vay có thể vi phạm quy định của pháp luật dân sự về "nghĩa vụ trả nợ của bên vay" quy định tại điều 466 Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Nếu đến thời hạn trả nợ mà bên vay chưa trả là vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Công ty tài chính có thể khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.

Ngoài ra, bên vay còn có thể chịu trách nhiệm hình sự nếu đến thời hạn trả nợ mà không trả. Công ty có thể tố giác với cơ quan có thẩm quyền nếu phát hiện hành vi bỏ trốn hoặc gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", điều 175 về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" trong Bộ Luật Hình sự.

P.Dũng

Thái Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hoat-dong-cho-vay-cua-cac-to-chuc-tin-dung-vi-sao-kho-thu-hoi-no-196240729203725692.htm