Hoạt động công chứng, chứng thực: Phát triển nóng, nhiều bất cập

Kể từ ngày có hiệu lực thi hành đến nay (1-7-2007), Luật Công chứng đã tạo điều kiện xã hội hóa hoạt động công chứng.

Với hàng trăm văn phòng công chứng (công chứng tư) được thành lập ở các địa phương, hiện tượng ùn tắc, quá tải công việc tại các phòng công chứng (do Nhà nước đầu tư) đã không còn. Đặc biệt, nạn "cò công chứng" gần như bị xóa sổ. Tuy nhiên, nhiều bất cập cũng đã xuất hiện.

Hết cảnh chờ đợi và "cò" công chứng

Kết quả thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng cho thấy, sau hơn 6 năm thi hành Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được khoảng 7 triệu việc, tổng số phí công chứng thu được là gần 2.600 tỷ đồng, tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước gần 1.000 tỷ đồng. Nạn sách nhiễu, quan liêu, cửa quyền của một số cán bộ được thay bằng sự tận tình, chu đáo, bởi với chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, thu nhập chính của công chứng viên phụ thuộc vào lượng khách hàng.

Giao dịch tại Văn phòng công chứng Hồ Gươm.

Tiếc là vì chạy theo số lượng công việc nên tình trạng làm ẩu, làm tắt, cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng, nhất là ở địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có dấu hiệu gia tăng. Vi phạm điển hình là công chứng mua bán, chuyển nhượng thế chấp nhiều lần trên một bất động sản; giảm phí công chứng để lôi kéo khách hàng... Gần đây nhất, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt công chứng viên Hoàng Văn Sự (SN 1957, nguyên công chứng viên Phòng Công chứng số 5, Hà Nội) 4 năm tù về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong vụ án này, ông Sự đã không kiểm tra kỹ hồ sơ yêu cầu công chứng, ký công chứng nhiều hợp đồng góp vốn giả mạo, từ đó vô tình tiếp tay cho Trần Thu Huyền (cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sơn Châu Á) chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của 4 bị hại.

Để khắc phục tình trạng trên và nhằm bảo đảm an toàn cho người giao dịch, Bộ Tư pháp đã yêu cầu các văn phòng công chứng phải mua bảo hiểm để bồi thường cho khách hàng khi xảy ra thiệt hại mà không phải do lỗi cố ý. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 74% văn phòng mua bảo hiểm (425/564 văn phòng công chứng). Trong khi đó, việc công chứng, chứng thực tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là với hồ sơ có bản dịch. Đã xuất hiện hiện tượng dịch sai, dịch không đầy đủ, gây thiệt hại cho khách hàng nhưng chưa có cơ chế xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Từ thực tiễn quản lý ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, Hà Nội nhận thấy Luật Công chứng còn nhiều điểm vênh với hệ thống luật pháp có liên quan, đặc biệt là Luật Đất đai (về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà - PV). Ông Vũ Hồng Khanh cho rằng, với cơ chế liên thông, kiểm tra chéo thông tin hợp đồng giao dịch giữa công chứng với đăng ký giao dịch bảo đảm chưa rõ ràng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chứng viên chưa cao như hiện nay, trong một số trường hợp, quyền lợi khách hàng giao dịch không được bảo đảm... Vậy nhưng Bộ Tư pháp lại miễn đào tạo công chứng viên đối với một số đối tượng là chưa hợp lý. Một bất cập kéo dài nhiều năm nay đã được các tỉnh, thành phố phản ánh nhưng Bộ Tư pháp chưa có lời giải thỏa đáng, đó là tỷ lệ bình quân công chứng viên hoạt động trong một phòng/văn phòng công chứng còn khá thấp, dẫn đến người dân phải chịu một số thiệt hại khi công chứng viên qua đời hoặc ốm đau dài ngày...

Sáp nhập các tổ chức công chứng có 1 công chứng viên

Giải trình về hoạt động công chứng, chứng thực trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận, công tác quản lý chưa theo kịp tốc độ phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu do khi chủ trì xây dựng Luật Công chứng, Bộ Tư pháp chưa lường hết được những phát sinh trong quá trình xã hội hóa. Vì vậy, so với thời điểm trước khi Luật Công chứng có hiệu lực thi hành, đội ngũ công chứng viên tăng từ 393 công chứng viên lên 1.327 người (tăng 3,4 lần). Các cơ sở công chứng tư phát triển quá nóng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh càng gây ra những lúng túng trong chỉ đạo, điều hành. Do vậy, tới đây Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định cho phép chuyển đổi văn phòng công chứng dưới hình thức công ty hợp danh có từ 2 thành viên trở lên. Điều này có nghĩa, các văn phòng công chứng có 1 công chứng viên sẽ phải sáp nhập, hợp nhất.

Dẫu vậy, chỉ có thể coi đây là một trong những giải pháp kiểm soát của ngành tư pháp. Phương án song song cần tính tới là thanh lọc những tổ chức hoạt động kém hiệu quả và sắp xếp, quy hoạch lại các tổ chức công chứng bằng cơ chế, chính sách cụ thể. Bởi Luật Công chứng đã được Quốc hội thông qua không có quy định các tổ chức hành nghề công chứng phải phát triển theo quy hoạch nên không thể tránh khỏi hiện tượng nơi quá thừa, nơi lại quá thiếu.

Với cơ chế hiện hành, tổ chức hành nghề công chứng "như một sản nghiệp", người quản lý có thể không làm nữa nhưng văn phòng công chứng vẫn phải tồn tại vì trách nhiệm của văn phòng công chứng và công chứng viên đối với khách hàng là suốt đời. Do vậy, vấn đề mua bảo hiểm cho công chứng viên cũng cần có cơ chế, chế tài kèm theo để bảo đảm an toàn tối đa cho người dân khi sử dụng dịch vụ này và giúp cho công tác quản lý nhà nước được tốt hơn. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànôịmới, không phải công chứng viên không mặn mà với dịch vụ này mà chính các cơ sở kinh doanh bảo hiểm còn e ngại, chưa cung cấp dịch vụ vì sợ công chứng viên có "bùa hộ mệnh trong tay" càng có điều kiện làm liều. Từ câu chuyện này, cũng đặt ra vấn đề cần phải nâng cao chất lượng công chứng viên, bảo đảm tin cậy cho công ty bảo hiểm. Hiện các sai phạm tập trung đến 80% ở nhóm được miễn tập sự hành nghề công chứng, rõ ràng, Bộ Tư pháp đang cho miễn như vậy là không hợp lý.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/617724/hoat-dong-cong-chung-chung-thuc-phat-trien-nong-nhieu-bat-cap