Hoạt động công chứng góp phần bảo đảm tính an toàn pháp lý trong các giao dịch

Hoạt động công chứng ngày càng được nhiều người quan tâm bởi nó góp phần bảo đảm tính an toàn pháp lý trong các giao dịch. Để giúp người dân nắm rõ hơn một số quy định thủ tục công chứng, chúng tôi trao đổi cùng ông Huỳnh Hoàng Vũ – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng.

Phóng viên: Xin ông vui lòng cho biết giá trị pháp lý của văn bản công chứng?

Phóng viên: Xin ông vui lòng cho biết giá trị pháp lý của văn bản công chứng?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị tòa án tuyên bố là vô hiệu. Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch (theo Điều 5 Luật Công chứng năm 2014).

Phóng viên: Luật quy định như thế nào về thời hạn công chứng?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Thời hạn công chứng được xác định kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng. Thời gian xác minh, giám định nội dung liên quan đến hợp đồng, giao dịch, niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, dịch giấy tờ, văn bản không tính vào thời hạn công chứng.

Thời hạn công chứng không quá 2 ngày làm việc, đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc (Điều 43 Luật Công chứng).

Phóng viên: Vậy địa điểm công chứng được thực hiện tại đâu?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Địa điểm công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng (Điều 44 Luật Công chứng).

Phóng viên: Vậy thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản được quy định như thế nào?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ:Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó. Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định. Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản (Điều 57 Luật Công chứng).

Phóng viên: Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng được quy định như thế nào thưa ông?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của UBND cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó. Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị UBND cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết...

Nội dung niêm yết phải nêu rõ họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế; quan hệ của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; danh mục di sản thừa kế. Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết. UBND xã, phường, thị trấn nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết (Điều 18 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, ngày 15-3-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng).

Phóng viên: Pháp luật quy định những việc công chứng viên không được làm trong quan hệ với người yêu cầu công chứng ra sao?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Những việc công chứng viên không được làm trong quan hệ với người yêu cầu công chứng, gồm: Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác đã được quy định, xác định, thỏa thuận; nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện việc công chứng dẫn tới hậu quả gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người yêu cầu công chứng và các bên liên quan; sử dụng thông tin biết được từ việc công chứng để mưu cầu lợi ích cá nhân; thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; đưa ra những lời hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu cầu công chứng hoặc tự ý thu tăng hoặc giảm phí công chứng, thù lao công chứng so với quy định và sự thỏa thuận; công chứng các hợp đồng, giao dịch có liên quan về mặt lợi ích giữa công chứng viên và người yêu cầu công chứng; thông đồng, tạo điều kiện cho người yêu cầu công chứng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu công chứng hoặc người môi giới; câu kết với người yêu cầu công chứng, những người có liên quan làm sai lệch nội dung của văn bản công chứng và hồ sơ đã công chứng (theo Điều 9 Quy tắc đạo đức nghề công chứng ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BTP, ngày 30-10-2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).

Mai Khôi (Thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/hoat-dong-cong-chung-gop-phan-bao-dam-tinh-an-toan-phap-ly-trong-cac-giao-dich-31130.html