Hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh: Còn vướng mắc

Qua 6 năm thực hiện Luật Công chứng, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh có nhiều phát triển nhưng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.

Triển khai kịp thời

Sau khi Luật Công chứng có hiệu lực (ngày 1-1-2015), UBND tỉnh đã ban hành quy định tiêu chí, cách thức thẩm định hồ sơ thành lập văn phòng công chứng và mức trần thù lao công chứng trên địa bàn tỉnh. Năm 2016, UBND tỉnh cho phép thành lập Hội Công chứng viên (CCV) tỉnh và đến năm 2017 phê duyệt điều lệ hội.

 Thực hiện yêu cầu công chứng tại Văn phòng Công chứng Lê Thị Kim Anh. (Ảnh có tính minh họa)

Thực hiện yêu cầu công chứng tại Văn phòng Công chứng Lê Thị Kim Anh. (Ảnh có tính minh họa)

Hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Hội CCV tổ chức tập huấn nghiệp vụ công chứng cho các CCV, nhân viên nghiệp vụ, người tập sự hành nghề công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh. Được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã hoàn thành việc xây dựng, cài đặt phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu ngăn chặn công chứng cho các tổ chức hành nghề công chứng, giúp hạn chế tối đa rủi ro trong hoạt động công chứng, bảo đảm lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố tích cực tuyên truyền các quy định về công chứng. Các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nghiêm túc việc niêm yết bộ thủ tục hành chính về công chứng, mức trần thù lao công chứng, thù lao dịch thuật tại trụ sở, nội quy, quy trình công chứng… tại trụ sở văn phòng.

Còn vướng mắc

Tuy nhiên, hoạt động công chứng trên địa bàn cũng còn vướng mắc. Hiện nay, một số quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình… liên quan đến công chứng còn chồng chéo hoặc chưa cụ thể; việc hướng dẫn, giải thích pháp luật còn chậm. Bà Nguyễn Thị Như Hương - Trưởng Văn phòng công chứng Trung Tâm nêu, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân quy định có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp, nhưng thực chất, giấy chỉ xác định được tình trạng hôn nhân tại thời điểm được cấp. Do đó, khó bảo đảm trong hạn 6 tháng, tình trạng hôn nhân của người thực hiện giao dịch vẫn như giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã cấp và còn giá trị sử dụng. Việc công chứng, chứng nhận các hợp đồng, giao dịch liên quan đến các dự án cũng đang khiến các tổ chức hành nghề công chứng lúng túng bởi liên quan đến tính pháp lý của một số dự án (chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, xây dựng còn vi phạm…) nhưng lại chưa có văn bản chính thức của cơ quan có thẩm quyền hạn chế giao dịch các dự án này. Điều này dẫn đến thực tế, có tổ chức hành nghề công chứng vẫn chứng nhận loại hợp đồng, giao dịch này, có nơi từ chối…

Việc sử dụng giấy tờ, tài liệu giả trong các hoạt động công chứng cũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp. Năm 2020, Văn phòng công chứng Kim Ngân đã phát hiện một trường hợp nghi dùng giấy tờ giả. Theo ông Đặng Văn Thắng - Trưởng Văn phòng, trong hồ sơ nộp tại văn phòng, sổ đỏ có màu sắc sặc sỡ hơn bình thường, không có hệ tọa độ; chữ ký, họ tên của người có thẩm quyền cấp trong chứng minh nhân dân có dấu hiệu của 2 người khác nhau. Văn phòng đã báo công an phường tới lập biên bản để tiếp tục xác minh, xử lý. Ngoài trường hợp này, văn phòng còn nhiều lần phát hiện dấu hiệu giấy tờ nghi giả nhưng người yêu cầu công chứng lập tức lấy lại giấy tờ và bỏ đi. Bà Như Hương cũng xác nhận từng phát hiện trường hợp nghi sổ đỏ giả; công nghệ làm giả giấy tờ ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện bằng mắt thường.

Tính đến ngày 15-3, trên địa bàn tỉnh có 27 tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động, gồm Phòng Công chứng và 26 văn phòng công chứng, với 56 CCV. Năm 2020, các tổ chức trên đã nộp ngân sách, thuế hơn 5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tuy cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động nhưng chưa được liên thông với cơ sở dữ liệu về hộ tịch, đất đai, đăng ký biện pháp bảo đảm… Do vậy, để có căn cứ chứng nhận hợp đồng, giao dịch, CCV phải đề nghị người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin hoặc phải xác minh thông tin, dẫn tới kéo dài thời gian chứng nhận.

Ông Đặng Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, mới đây, Hội CCV tỉnh đã đề nghị Sở Tư pháp kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Trung ương nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng. Đồng thời, có chế tài nghiêm khắc hơn với các trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng; đồng thời thông tin rộng rãi kết quả xử lý, thủ đoạn làm giả… cho người dân biết và phòng ngừa. Hội cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản, liên thông với cơ sở dữ liệu công chứng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, tạo thuận lợi trong tra cứu, khai thác thông tin bất động sản. Hội còn kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan có văn bản chỉ đạo dự án nào được phép giao dịch, dự án nào chưa được phép, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các giao dịch trên địa bàn. Sở Tư pháp đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tổng hợp ý kiến tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương tháo gỡ vướng mắc.

NGUYỄN VŨ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202104/hoat-dong-cong-chung-tren-dia-ban-tinh-con-vuong-mac-8213977/