Hoạt động của CLB Tình Người: Nếu xác định có hành vi lừa đảo thì phải khởi tố
Liên quan đến việc Câu lạc bộ (CLB) Tình Người có những hoạt động mang màu sắc 'ma mị' giữa Thủ đô mà Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TGS (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng làm rõ động cơ và mục đích thực sự của CLB này. Nếu xác định được có các hành vi 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' của các thành viên thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm.
PV: Thực tế, CLB Tình Người có nhiều “chiêu trò” tinh vi để tận thu tiền của các thành viên như Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, theo quan điểm của Luật sư, có thể xử lý hình sự các hành vi trên hay không…?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Theo như thông tin mà Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh thì CLB Tình Người đã thu tiền của các thành viên nhằm các mục đích như: Công đức, xây dựng chùa chiền, miếu mạo hoặc góp tiền làm từ thiện, hoặc cúng để “trả nợ nghiệp”…
Tuy nhiên, các tư tưởng, thông tin mà CLB này truyền bá là mang đậm màu sắc “mê tín dị đoan”, có sự “lệch lạc” so với những triết lý tôn giáo và tín ngưỡng chính thống, có nhiều dấu hiệu “bất minh”, không rõ ràng trong việc thu chi đối với các khoản tiền đóng góp của các thành viên.
Nếu các thông tin mà Báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin và nội dung phản ánh của các thành viên là chính xác thì trong vụ việc này, đã có dấu hiệu của hành vi lợi dụng việc truyền bá các tư tưởng “mê tín dị doan” để trục lợi, thậm chí là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong vụ việc này, các cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ động cơ và mục đích thực sự của những người có liên quan là gì ? Có hay không việc trục lợi, chiếm đoạt số tiền mà các thành viên đã đóng góp hoặc nộp cho CLB...?.
Nếu các cá nhân quản lý, điều hành CLB đã sử dụng tiền không đúng mục đích, chiếm đoạt các khoản tiền đóng góp của các thành viên thì đã có dấu hiệu của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174) hoặc “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 175) của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Và trong trường hợp này, Cơ quan điều tra sẽ phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý trách nhiệm hình sự của các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.
PV: CLB Tình Người ra mắt ngày 30/7/2019 hoạt động lôi kéo, tuyên truyền “mê tín dị đoan” trong thời gian dài mà chính quyền địa phương không phát hiện, ngăn chặn, xử lý triệt để, vậy chính quyền địa phương và các ngành chức năng liên quan có phải chịu trách nhiệm…?.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Nếu CLB Tình Người được xác định là một CLB (hay một Hội) đơn thuần thì sẽ chịu sự điều chỉnh theo quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, được sửa đổi tại Nghị định số 33/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, để có thể hoạt động thì CLB này phải có đủ điều kiện thành lập hội theo quy định tại Điều 5 Nghị định 45/2010/NĐ-CP (1. Có mục đích hoạt động không trái với pháp luật; Không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ; 2. Có điều lệ; 3. Có trụ sở; 4. Có số lượng công dân, tổ chức Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội theo quy định) và phải được sự cho phép của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện).
Trong trường hợp, CLB Tình Người có các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thì phải thực hiện việc đăng ký hoặc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
Vì vậy, việc CLB Tình Người hoạt động mang màu sắc "ma mị" trong một thời gian dài (từ năm 2019 cho đến nay) mà không có sự phát hiện, hoặc quản lý và giám sát từ phía các cơ quan chức năng là một thiếu sót rất lớn trong công tác quản lý Nhà nước.
Các cơ quan hữu quan, đặc biệt là các cơ quan Nhà nước tại địa phương đã không hoàn thành trách nhiệm, khi không kịp thời phát hiện và xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Do đó, cần phải có sự kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và đơn vị có liên quan, cũng như các nguyên nhân của vấn đề, để có thể kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, tránh lập lại các vụ việc tương tự trong tương lai.
PV: Theo quan điểm của Luật sư, các ngành chức năng có thẩm quyền cần xử lý đối với CLB Tình người như thế nào…?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Trước hết, các cơ quan có thẩm quyền, kể cả cơ quan điều tra cần nhanh chóng vào cuộc, điều tra, xác minh, làm rõ nội dung và tính chất hoạt động của CLB Tình Người, cũng như những dấu hiệu vi phạm pháp luật mà Báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin.
Nếu xác định được có các hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của các thành viên thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thành viên theo đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian qua, các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, hoặc các hoạt động mê tín dị đoan để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang có những diễn biến rất phức tạp, khiến nhiều người rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa, để có thể ngăn trặn và xử lý triệt để, hiệu quả hơn vấn nạn này. Đồng thời, người dân cũng cần hết sức tỉnh táo, không tin vào các quan điểm “mê tín dị đoan”, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc, để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, không trở thành nạn nhân của các “chiêu trò” lừa đảo đang ngày càng tinh vi như hiện nay.