Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ngày 9-7, tại tỉnh Hà Nam, Ðoàn công tác của Trung ương do đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng đoàn, có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam về kết quả thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ 19, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các mặt công tác. Nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao (tốc độ tăng trưởng bình quân 11%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với các ngành nông, lâm, nghiệp, thủy sản chiếm 9,6%; công nghiệp - xây dựng chiếm 6,1%, dịch vụ chiếm 29%. Thu ngân sách tăng cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng hơn 30%/năm, dự kiến năm 2019 đạt 8.700 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 dự kiến đạt 64,2 triệu đồng/người/năm. Công tác xây dựng Ðảng được tăng cường, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Vượng ghi nhận và biểu dương những kết quả tỉnh Hà Nam đạt được sau gần bốn năm thực hiện các nghị quyết. Ðồng chí mong muốn Hà Nam tiếp tục có đột phá dựa trên phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tỉnh cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng công tác quy hoạch và quản lý đất đai, khoáng sản, tài nguyên, môi trường theo hướng hiệu quả. Từ nay đến hết nhiệm kỳ, cùng với tiếp tục phát triển kinh tế, tỉnh tập trung tăng cường công tác xây dựng Ðảng, chú trọng các hoạt động kiểm tra, giám sát. Các cấp ủy đảng tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, nhất là khâu lựa chọn nhân sự, xác định phương hướng, mục tiêu phát triển của địa phương trong thời gian tới.

Cùng ngày, đồng chí Trần Quốc Vượng và đoàn công tác đến thăm nhà máy chế biến thịt của Tập đoàn Masan tại Khu công nghiệp Ðồng Văn IV và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã Nhân Khang, Xuân Khê, huyện Lý Nhân.

Ngày 9-7, tại tỉnh Bắc Cạn, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư dự hội nghị tổng kết 15 năm Bắc Cạn thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình biểu dương kết quả thực hiện Nghị quyết của tỉnh. Quy mô nền kinh tế tăng 11 lần và thu nhập bình quân đầu người tăng 9,5 lần so với năm 2004. Kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện; đời sống của nhân dân được cải thiện; trật tự, an toàn xã hội, an ninh - quốc phòng được giữ vững… Kết quả đạt được đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước. Tuy nhiên, so với cả nước, Bắc Cạn vẫn là tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn.

Ðồng chí đề nghị, thời gian tới, Bắc Cạn cần xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, khai thác hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, phát triển nông sản đặc sản theo hướng hàng hóa; phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản; khai thác tốt tiềm năng du lịch; xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa. Cùng với đó, tỉnh cần quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, giúp người dân tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách, dịch vụ công; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tích cực triển khai công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh.

Chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Bình đến thăm, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: Nguyễn Thị Bé, ở phường Ðức Xuân (TP Bắc Cạn) và Mông Thị Thi, ở xã Cẩm Giàng (huyện Bạch Thông).

Chiều 9-7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ASEAN 2020 (UBQG) đã chủ trì Phiên họp thứ ba của Ủy ban. Tham dự, có đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBQG; đồng chí Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công thương, Phó Chủ tịch UBQG, cùng các thành viên UBQG, Trưởng các Tiểu ban và Ban Thư ký ASEAN quốc gia 2020, đại diện các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa, Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Phiên họp thứ ba của UBQG có nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó rà soát, đánh giá toàn diện các đầu việc cần triển khai từ Phiên họp thứ hai, đồng thời thảo luận và định hướng nhiều nội dung, công việc cần triển khai trong thời gian tới. Dưới sự điều hành của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, các tiểu ban báo cáo và thảo luận cụ thể việc xây dựng và triển khai các Ðề án chi tiết về nội dung, lễ tân, tuyên truyền - văn hóa, vật chất - hậu cần, an ninh - y tế, kế hoạch tổ chức và điều hành các hội nghị, hoạt động lớn trong năm Chủ tịch ASEAN 2020; đề xuất nội hàm cho các sáng kiến cụ thể trên cơ sở định hướng, trọng tâm ưu tiên của năm Chủ tịch ASEAN 2020; cho ý kiến về đề cử lô-gô chính cho năm Chủ tịch ASEAN 2020…

Kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao nỗ lực triển khai công việc của các thành viên, các tiểu ban và các bộ, ngành thời gian qua; lưu ý cần tiếp tục khẩn trương triển khai các nhiệm vụ thời gian tới, nhất là tham vấn, vận động các nước về chủ đề, trọng tâm ưu tiên của năm Chủ tịch ASEAN 2020, thời gian dự kiến tổ chức các hội nghị lớn trong năm 2020, nhất là Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao với các đối tác.

Phó Thủ tướng nhất trí với các đề xuất về phương hướng triển khai công việc từ nay tới Phiên họp thứ tư của Ủy ban (dự kiến trong tháng 9-2019); thông qua lịch tổ chức một số hoạt động chính của năm Chủ tịch ASEAN 2020; yêu cầu sớm xây dựng bộ nhận diện để giới thiệu tới các nước nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 52 và các hội nghị liên quan (dự kiến diễn ra tại Thái-lan, tháng 8-2019). Phó Thủ tướng yêu cầu các tiểu ban, bộ, ngành sớm hoàn thiện các đề án chi tiết, kế hoạch triển khai và dự toán ngân sách cho các hoạt động trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 đúng quy định và tiến độ.

Tối 9-7, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Bản giao hưởng hòa bình" do Ðài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội tổ chức. Ðây là hoạt động kỷ niệm 20 năm Thủ đô Hà Nội đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình".

"Bản giao hưởng hòa bình" là khúc tráng ca về Hà Nội thông qua những câu chuyện, những tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Chương trình bắt đầu bằng việc tái hiện hình ảnh Vua Lê Thái Tổ sau khi chiến thắng quân Minh đã trả gươm báu, tạo nên sự tích hồ Hoàn Kiếm. Tiếp đó, các ca khúc: Hướng về Hà Nội, Khát vọng, Truyền thuyết hồ Gươm, Hà Nội - Niềm tin hy vọng… đã khắc họa hình ảnh một Hà Nội thanh bình, lãng mạn, đầy chất thơ ngay cả trong thời khắc khắc nghiệt nhất. Bên cạnh đó, những ký ức, những câu chuyện kể qua các phóng sự trong chương trình nghệ thuật minh chứng Hà Nội là trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, thành phố có quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô và thành phố trên thế giới. Chương trình đã khơi dậy những giá trị tốt đẹp của Thành phố vì hòa bình, khích lệ mỗi người dân Hà Nội trở thành một đại sứ hòa bình, gìn giữ truyền thống văn hóa của Thủ đô.

Ngày 9-7, tại tỉnh Tiền Giang, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự kỳ họp thứ chín, HÐND tỉnh Tiền Giang khóa 9.

Phát biểu ý kiến tại kỳ họp, đồng chí Uông Chu Lưu biểu dương những kết quả của tỉnh Tiền Giang đạt được thời gian qua. Ðể tỉnh tiếp tục phát triển thời gian tới, đồng chí yêu cầu, HÐND tỉnh Tiền Giang hoạch định chủ trương, chương trình hành động để giải quyết những vấn đề cử tri đặt ra như: Giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người lao động; giải quyết đền bù giải tỏa cho người dân; tìm đầu ra ổn định cho nông sản; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, giữ gìn an ninh - trật tự; giảm tai nạn giao thông; thu hút đầu tư, ưu tiên công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, các ngành có giá trị gia tăng cao…

Ðồng chí đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; đề ra những giải pháp linh hoạt khắc phục khó khăn. Thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ðồng thời, HÐND tỉnh tiếp tục đổi mới, chủ động sáng tạo hơn trong hoạt động giám sát quyết định các vấn đề, tăng cường tiếp xúc cử tri, tăng cường phối hợp giữa Hội đồng nhân dân với chính quyền và các tổ chức đoàn thể trung ương và địa phương trong quá trình hoạt động…

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40814202-hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc.html