Hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Chiều 16-3, đồng chí VƯƠNG ÐÌNH HUỆ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Trường Ðào tạo cán bộ Lê Hồng Phong về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Chiều 16-3, đồng chí VƯƠNG ÐÌNH HUỆ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Trường Ðào tạo cán bộ Lê Hồng Phong về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Từ năm 2016 đến nay, Trường Ðào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đã tổ chức thực hiện, phối hợp quản lý đào tạo 279 lớp với hơn 36.450 học viên, bình quân mỗi năm tổ chức 56 lớp với 7.290 học viên. Giai đoạn 2021-2025 và những năm tới, trường phấn đấu đạt mô hình trường chính trị chuẩn, xây dựng trường học thông minh, quản lý nhà trường theo tiêu chuẩn chất lượng ISO; xây dựng đội ngũ giảng viên đạt tiêu chuẩn với 100% trình độ thạc sĩ trở lên, đến năm 2025 có ít nhất 30% đạt trình độ tiến sĩ; trở thành một trong những trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học lý luận có uy tín, chất lượng của Thủ đô và đất nước.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Vương Ðình Huệ nhấn mạnh, nhiệm vụ trước mắt và cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của Trường Ðào tạo cán bộ Lê Hồng Phong là tập trung xây dựng văn hóa, thương hiệu nhà trường, coi đây là động lực để cán bộ, giảng viên gắn bó, cống hiến xây dựng nhà trường. Ðảng ủy, Ban Giám hiệu phải bắt tay ngay xây dựng đề án sắp xếp, kiện toàn lại cơ cấu tổ chức đảng, các khoa, phòng theo vị trí việc làm... Ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu, nhà trường cần xây dựng được đội ngũ giảng viên kiêm chức, cộng tác viên có uy tín, chất lượng; khai thác nguồn lực chất xám to lớn trên địa bàn Thủ đô. Ðồng chí lưu ý, nhà trường phải tập trung nguồn lực rà soát lại các ngành học, môn học, các hình thức đào tạo; xây dựng các chương trình, loại hình đào tạo; trước hết phải chuẩn bị ngay chương trình đào tạo cán bộ dự nguồn các cấp của thành phố. Trong quá trình đó, cần coi trọng chất liệu thực tiễn; cán bộ, giảng viên nhà trường phải thật sự hòa mình vào đời sống thực tiễn đất nước, Thủ đô.

* Chiều 16-3, đồng chí NGUYỄN VĂN NÊN, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc với Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC). Cùng dự, có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh.

Sau 20 năm đi vào hoạt động, đến nay, QTSC trở thành một công viên phần mềm (CVPM) có cơ sở hạ tầng ngang tầm khu vực châu Á. Trong đó, đã xây dựng và phát triển CVPM Quang Trung - Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung đầu tiên và thành công nhất tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2020, QTSC thu hút 165 doanh nghiệp (DN) phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT (52 DN nước ngoài và 113 DN trong nước) với tổng vốn đăng ký kinh doanh gần 2.434 tỷ đồng. Tổng số người tham gia học tập và làm việc thường xuyên khoảng 21.797 người (trong đó số kỹ sư và chuyên viên tại chỗ là 11.326 người, sinh viên là 10.471 người). Doanh số tích lũy giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 đạt khoảng 50.167 tỷ đồng, cao gấp ba lần so với giai đoạn 5 năm 2011 - 2015. Bình quân 1 ha đất tại CVPM Quang Trung tạo ra 1.639 tỷ đồng doanh thu, tương đương 73,21 triệu USD.

Mục tiêu của QTSC những năm tiếp theo là phát triển CVPM Quang Trung trở thành một địa điểm nghiên cứu, ứng dụng, cung cấp và chuyển giao các giải pháp công nghệ (tech hub) cho cả nước và khu vực Ðông - Nam Á.

Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Nên đã đến thăm Trung tâm giám sát điều hành CVPM Quang Trung; Trung tâm viễn thông QTSC; Bảo tàng QTSC; Trung tâm đào tạo STEAMZONE; Khu nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới QTSC R&D Labs; Công ty TMA Solutions…

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm QTSC đi vào hoạt động (16-3-2001 - 16-3-2021), đồng chí Nguyễn Văn Nên tặng tập thể QTSC bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* Chiều 16-3, Ðoàn giám sát, kiểm tra của Hội đồng bầu cử quốc gia do Phó Chủ tịch nước ÐẶNG THỊ NGỌC THỊNH, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia làm Trưởng đoàn đã giám sát, kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại tỉnh Sóc Trăng.

Theo Ủy ban bầu cử tỉnh Sóc Trăng, đến nay UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quyết định thành lập ba ban bầu cử đại biểu Quốc hội; thành lập 11 ban bầu cử đại biểu HÐND tỉnh. Ủy ban bầu cử các cấp đã ban hành các nghị quyết, ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Sóc Trăng đã triệu tập và chủ trì tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai...

Ðánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND các cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch nước đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác tuyên truyền để công tác bầu cử có hiệu quả. Tỉnh cần tuyên truyền tốt mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử đến nhân dân, nơi dân cư sinh sống tập trung, nơi có đông đảo công nhân lao động làm việc, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo đảm các bước hiệp thương tiếp theo, lập danh sách sơ bộ phải bảo đảm cơ cấu, thành phần, chuẩn bị lập tổ bầu cử đúng thời gian đi đôi với tuyển chọn người tham gia có đủ năng lực, sức khỏe và kinh nghiệm tốt; công tác lập danh sách cử tri đúng quy định, và bảo đảm thời gian. Công tác tổ chức cho các ứng cử viên tiếp xúc cử tri và giải quyết khiếu tố, khiếu nại phải nhanh chóng, đúng luật.

Dịp này, Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh trao phần quà trị giá 200 triệu đồng từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Sóc Trăng.

* Chiều 16-3, Ðoàn kiểm tra, giám sát của Quốc hội do Ðại tướng ÐỖ BÁ TỴ, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn làm việc với tỉnh Ninh Bình về việc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Báo cáo về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp tại tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021 - 2026, đến nay, Ninh Bình đã thành lập ủy ban bầu cử cấp tỉnh, tám ủy ban bầu cử cấp huyện, thành phố và 143 ủy ban bầu cử cấp xã, phường. Ðồng thời, thành lập hai ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở hai đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV; thành lập 1.060 ban bầu cử đại biểu HÐND các cấp của tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, bảo đảm số lượng, thời gian, thành phần theo luật định.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Ðỗ Bá Tỵ ghi nhận và biểu dương những kết quả mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong công tác chuẩn bị bầu cử thời gian qua. Ðồng thời nhấn mạnh, Ninh Bình cần tiếp tục quán triệt đầy đủ các chỉ thị của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, của Hội đồng bầu cử quốc gia; nhất là bám sát quy định của Luật Bầu cử và các hướng dẫn để triển khai cuộc bầu cử bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của toàn dân. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ trong việc lựa chọn, giới thiệu người có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội và HÐND các cấp. Cần tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc-638703/