Hoạt động của luật sư góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền
Vai trò của đội ngũ luật sư đang từng bước được nâng cao, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền, tự do dân chủ của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể xã hội.
Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 46/SL ngày 10-10-1945, nghề luật sư (LS) Việt Nam được hồi sinh trong chế độ dân chủ nhân dân đến nay đã 78 năm, đội ngũ LS đã song hành với cuộc đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước, gắn bó với sự tồn vong của dân tộc.
Sau hơn 14 năm kể từ khi thành lập và gần ba nhiệm kỳ hoạt động, Liên đoàn LS Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò “ngôi nhà chung” của giới LS cả nước. Nghề LS từng bước có được môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển, trong bối cảnh Việt Nam hướng đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, kiên trì thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước.
Mặc dù còn một số cản ngại và khó khăn trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý cho các chủ thể xã hội, chủ yếu xuất phát từ nhận thức và thực thi các quy định của pháp luật, có thể khẳng định vai trò của đội ngũ LS đang từng bước được nâng cao trong sứ mệnh góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền, tự do dân chủ của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể xã hội.
Bên cạnh việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về LS, tạo vị thế bình đẳng trong thực hiện các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các LS trong hành nghề và trong đời sống, vấn đề nâng cao chất lượng, kỹ năng hành nghề, bản lĩnh chính trị và ứng xử chuẩn mực về đạo đức cho LS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của Liên đoàn LS Việt Nam và các đoàn LS để xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề LS.
Để có thể nâng cao vị thế của đội ngũ LS, cùng với việc cung cấp các dịch vụ pháp lý theo phạm vi hành nghề LS, từng bước phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về LS, cơ chế để LS thực hiện tốt hơn chức năng xã hội, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của LS theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, thiết lập mô hình quản lý LS phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của Việt Nam theo hướng nâng cao năng lực tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tăng cường vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Muốn vậy Liên đoàn LS và các đoàn LS cần coi trọng việc tham gia ngày càng sâu hơn vào quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị, pháp lý, chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương. Đồng thời, tham gia rà soát thủ tục hành chính, xây dựng pháp luật, cũng như giải quyết các phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, công tác trợ giúp pháp lý cho các đối tượng chính sách và các hoạt động xã hội khác. Từ đó có cơ hội khẳng định và thể hiện sự đóng góp có chất lượng của đội ngũ LS trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền.
Thông qua các hoạt động trọng tâm nói trên, tạo lực đẩy để đưa đoàn tàu LS Việt Nam tăng tốc phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, tổng kết, rút kinh nghiệm để có thể đưa ra các giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ LS có khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước tạo lập niềm tin với khách hàng và các chủ thể xã hội.