HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI GÓP PHẦN THÚC ĐẨY SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN ĐẤT NƯỚC

Trải qua gần 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, Quốc hội Việt Nam luôn thực hiện tốt sứ mệnh quan trọng mà Đảng và Nhân dân giao phó là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Trong đó, Quốc hội khóa VIII là Quốc hội của giai đoạn khởi đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng với dấu ấn đậm nét là sự ra đời của Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, phù hợp với thực tế của đất nước và xu thế tiến bộ của thời đại.

Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa VIII (Ảnh tư liệu)

Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa VIII (Ảnh tư liệu)

Quốc hội khóa VIII được bầu ngày 19/4/1987 với 496 đại biểu và hoạt động trong giai đoạn bước ngoặt của đất nước, có trách nhiệm to lớn góp phần thực hiện công cuộc đổi mới. Hoạt động lập hiến của Quốc hội khóa VIII có nhiều thành tựu với 2 lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1980. Tại kỳ họp lần thứ 11, tháng 4 năm 1992, Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, phù hợp với thực tế của đất nước và xu thế tiến bộ của thời đại trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm của Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành về trình độ lập hiến của nước ta. Quốc hội đã thực hiện sứ mệnh cao cả mở đường cho công cuộc đổi mới toàn diện ở nước ta về mặt Nhà nước. Tiến hành đồng bộ và có hiệu quả các hoạt động nhằm thực hiện chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ do Hiến pháp quy định: Lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề trọng đại về quốc kế-dân sinh, về đối nội và đối ngoại, trong đó đặc biệt là hoạt động lập hiến và lập pháp.

Theo Hiến pháp năm 1992, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất do Nhân dân cả nước bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định Quốc hội có ba chức năng cơ bản: Là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước.

Nghiên cứu về thành tựu trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo Hiến pháp 1992 và Luật Tổ chức Quốc hội 1992,2001, PGS. TS Tào Thị Quyên – Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, thời kỳ này, Quốc hội trải qua 5 khóa hoạt động.

Thời kỳ này, quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội được hoàn thiện theo hướng phân định rõ về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm quyền lực cao nhất của Quốc hội, đáp ứng vị trí, vai trò của Quốc hội trong thời kỳ đổi mới đất nước.

Để phân biệt rõ chức năng nguyên thủ quốc gia và chức năng là cơ quan thường trực của Quốc hội, Hiến pháp năm 1992 đã có sự điều chỉnh quan trọng là bãi bỏ chế định Hội đồng Nhà nước và thiết lập hai chế định là Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, thay mặt nhà nước về đối nội và đối ngoại. Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội.

Bên cạnh đó, tổ chức, bộ máy của Quốc hội được đổi mới, kiện toàn bảo đảm tính chuyên nghiệp hơn qua các nhiệm kỳ; tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, nâng cao vai trò của cơ quan thường trực Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội được tổ chức và hoạt động mang tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, hiệu quả hơn.

Hoạt động xây dựng pháp luật được tăng cường về số lượng và chất lượng, các văn bản pháp luật được Quốc hội ban hành trong thời kỳ này đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ, phục vụ quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý và điều hành kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng mang tính thực chất và chủ động hơn: Từ tổ chức bộ máy nhà nước, nhân sự cấp cao thuộc thẩm quyền của Quốc hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước cho đến chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia, phê chuẩn Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)… Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Hoạt động giám sát của Quốc hội cũng được tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, nhất là chất vấn; giám sát chuyên đề; nghe các báo cáo hoạt động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương; cử các đoàn đi kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương… Quốc hội đã chú trọng đến công tác dân nguyện, tiếp dân và giải quyết các đơn thư của nhân dân. Nhiều đoàn công tác của Quốc hội đã trực tiếp đến các địa phương, cơ sở để đôn đốc xem xét việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.

Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được cải tiến mạnh mẽ theo hướng tập trung hơn, thực chất hơn, phản ánh sát thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, làm rõ thêm tình hình, nguyên nhân, chỉ ra trách nhiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và nghị quyết của Quốc hội.

PGS. TS Tào Thị Quyên – Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

PGS. TS Tào Thị Quyên – Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

PGS. TS Tào Thị Quyên nhấn mạnh, hoạt động của Quốc hội đã góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện, phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Qua nghiên cứu, PGS. TS Tào Thị Quyên đề xuất một số bài học kinh nghiệm trong giai đoạn hiện nay:

Một là, luôn quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng trong các lĩnh vực để thể chế hóa thành pháp luật; Quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước theo yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong đó có tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Hai là, đề cao trách nhiệm đại biểu Quốc hội, bảo đảm chất lượng của đại biểu Quốc hội, xác định rõ, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật là yêu cầu tiên quyết bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, mỗi đại biểu phải gần dân, sát thực tế để phản án đúng ý chí, nguyện vọng của người dân trong văn bản quy phạm pháp luật và các quyết sách quan trọng của quốc gia như lời Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Điều quan trọng nhất là mỗi đại biểu Quốc hội đều ý thức sâu sắc mình là người được nhân dân ủy nhiệm tham gia quyết định những việc trọng đại của đất nước; mọi việc mình làm đều phải thể hiện ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Phải phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu cao quý là đại biểu nhân dân, vì nhân dân mà hết lòng phục vụ”.

Ba là, coi trọng tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa sâu trong hoạt động lập pháp, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội. Cần có định hướng chính sách chuẩn xác, rõ ràng là cơ sở quan trọng cho việc đề ra các quy phạm, chuẩn mực hành vi của các quan hệ xã hội mà đạo luật điều chỉnh từ đó bảo đảm chất lượng của các văn bản do Quốc hội ban hành.

Bốn là, đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, bảo đảm dân chủ, phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các bộ phận, phù hợp năng lực, sở trường gắn với trách nhiệm cá nhân của các đại biểu Quốc hội./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84864