Hoạt động của trạm y tế đang gặp khó
Đó là phản ánh chung của nhiều đại diện các trạm y tế (TYT) trên địa bàn TP.HCM. Khó khăn chung nhất của các trạm y tế là thiếu thuốc thiết yếu điều trị các bệnh mạn tính. TYT của TP.HCM cần cơ chế phù hợp để đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt cho người dân, là 'cánh tay nối dài' của ngành y tế.
BS Lâm Phước Trí - Trạm trưởng TYT phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM cho biết, phường Tân Quý là địa bàn đông dân (khoảng 70.000 dân), trong đó khoảng 40% là người nhập cư từ các tỉnh thành trong cả nước. Tại trạm, mỗi tháng, các bác sĩ thực hiện khám điều trị cho khoảng 700-800 bệnh nhân có BHYT. Mỗi ngày, khoảng 50 người được khám, trong đó 40 bệnh nhân BHYT. Người dân chủ yếu đến khám do các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, đái tháo đường...
Nhân lực cơ hữu tại trạm có 8 người trong đó có 3 bác sĩ. Mới đây trạm đã tăng cường thêm 1 nhân viên y tế, nâng số nhân lực lên 9 người. Với tình hình phức tạp của dịch COVID-19 và biến động dân cư trên địa bàn, trạm đã giao nhiệm vụ cho 2 nhân viên chịu trách nhiệm chuyên trách về phòng chống dịch trên địa bàn, những nhân lực còn lại đảm bảo các công tác chuyên môn về khám chữa bệnh, cấp cứu, các dự án phòng bệnh... Dù nhân lực bị phân bố nhưng công tác chuyên môn vẫn đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Theo BS.Trí, tại trạm các thiết bị y tế cũng được đầu tư đầy đủ từ các thiết bị về kế hoạch hóa gia đình, tai mũi họng, phụ khoa, máy điện tim, Xquang... Tuy nhiên, khó khăn tại trạm đang gặp phải là không được đảm bảo nguồn thuốc thiết yếu, trong đó có các thuốc điều trị các bệnh mạn tính. “Hiện nay, TTYT không còn phụ thuộc bệnh viện mà phải tự đấu thầu. Lượng thuốc đấu thầu không nhiều nên các đơn vị cung ứng không mặn mà, TYT gặp không ít khó khăn”.
Theo đại diện 1 TYT trên địa bàn huyện Hóc Môn, tại trạm có 10 nhân lực cơ hữu, cơ sở vật chất cũng được chú trọng đầu tư. Mỗi ngày trạm tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 10 bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính. Tuy nhiên vừa qua, trạm được BHXH TP.HCM kiểm tra không đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT do chuyển địa điểm mới và giấy phép hoạt động do bác sĩ đứng tên đã luân chuyển, buộc dừng ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.
Ngoài TYT trên, tại huyện Hóc Môn có 5 TYT khác cũng bị dừng ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT vì các lý do tương tự. Không chỉ trên địa bàn huyện Hóc Môn, 28 TYT tại các địa bàn khác cũng bị đề nghị ngưng ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Sở Y tế TP.HCM đã nhanh chóng làm việc với các bên, giải quyết các vướng mắc về hồ sơ pháp lý để BHXH TP tiếp tục ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với các TYT trên, phục vụ người dân trên địa bàn.
Theo đại diện TYT tại Hóc Môn, dù BHXH TP.HCM đã ký hợp đồng khám chữa bệnh với trạm trở lại nhưng tại trạm vẫn gặp các khó khăn, đặc biệt là nguồn thuốc thiết yếu điều trị. “Như bệnh tăng huyết áp, hiện nay có 5 nhóm thuốc được sử dụng phổ biến: thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc chẹn kênh canxi và thuốc lợi tiểu, tuy nhiên ở trạm chỉ được giao về 1, 2 loại thuốc. Những bệnh nhân kháng thuốc không có thuốc khác để thay thế, hiệu quả điều trị thấp. Thuốc điều trị bệnh tiểu đường cũng gặp phải tình trạng tương tự. Người dân không muốn lên tuyến trên vì sợ chờ đợi nên họ chấp nhận có thuốc gì uống thuốc đó hoặc mua thêm ở bên ngoài, dù vậy không ít những phàn nàn, mất niềm tin từ người bệnh”- vị này chia sẻ.
BS. Lâm Phước Trí đề xuất: Để giải quyết khó khăn về thuốc, Sở Y tế TP nên đóng vai trò là đầu mối thực hiện đấu thầu cho tất cả các trung tâm y tế trên địa bàn TP. Sau đó, các trung tâm y tế được mua lại theo gói thầu thì đơn vị cung ứng sẽ dễ dàng hơn. Tại các TYT sẽ đảm bảo được nguồn thuốc điều trị tốt nhất cho người bệnh, lúc này mới phát huy được tối đa vai trò là “cánh tay nối dài” của ngành y tế.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoat-dong-cua-tram-y-te-dang-gap-kho-n188447.html