Hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Ráo riết, quyết liệt và cụ thể
Những vụ xử lý kỷ luật cán bộ kể cả đương chức lẫn đã về hưu thời gian qua, ĐBQH Phạm Tất Thắng cho biết ông đã nhận thấy một xu hướng dân chủ hóa
Ngày 14/11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa có thông báo về kết quả kỳ họp thứ 19, theo đó đã có kết luận về việc xem xét, kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số tỉnh Vĩnh Phúc, Gia Lai, Đắk Nông. Trước đó, ở những kỳ họp trước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã thông báo các kết luận về sai phạm của nhiều cán bộ, lãnh đạo.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN bên hành lang Quốc hội, ông Phạm Tất Thắng, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho đây là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay khi đã có sự chỉ đạo chung từ Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, cho thấy sự vận hành của cả hệ thống chính trị trong việc xử lý các sai phạm, kỷ luật trong đội ngũ cán bộ công chức kể cả cán bộ cao cấp. Nó thể hiện rõ ràng rằng bất cứ ai, ở bất cứ cương vị nào và ở thời điểm nào nếu đã có sai lầm khuyết điểm, thì đều phải xem xét, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
PV: Các quyết định, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thời gian qua thể hiện tinh thần “lò đã nóng lên củi tươi cũng phải cháy” của Tổng Bí thư ra sao?
Ông Phạm Tất Thắng: Trong thời gian gần đây, công tác phòng chống tham nhũng của ta đã được đẩy lên một bước, cả trong chỉ đạo, lãnh đạo: chỉ đạo sát sao, cụ thể, quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Chính sự chủ động, quyết liệt, sát sao đó đã tạo nên những hoạt động cụ thể trong thực tiễn, nhiều vụ điều tra, nhiều vụ đại án về kinh tế, tham nhũng đã được đưa ra xử lý. Chỉ đạo đó đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đó là người dân, cử tri quan tâm đặc biệt đến công tác phòng chống tham nhũng. Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thổi thêm luồng gió mới, tạo sự thúc đẩy mới đối với đấu tranh phòng chống tham nhũng trong xã hội. Từ đó, người dân với mức độ quan tâm nhiều hơn đương nhiên sẽ qua sự phát hiện của mình, qua giám sát của mình có thể giúp các cơ quan Nhà nước phát hiện ra những vụ việc tham nhũng.
PV: Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa được ban hành ngày 14/11 về sai phạm của nhiều lãnh đạo và nguyên lãnh đạo một số địa phương đã cho thấy quan niệm “hạ cánh an toàn” có thể không còn nữa trong giai đoạn chúng ta đang hoàn thiện hơn về mặt pháp lý chính quyền?
Ông Phạm Tất Thắng: Đúng vậy. Có thể thấy, trong thời gian vừa qua, hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và hệ thống kiểm tra các cấp rất ráo riết, quyết liệt và cụ thể. Trong một thời gian không dài, một loạt các quyết định, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong đó có liên quan đến các cán bộ cấp trung ương, lãnh đạo chủ chốt của các địa phương mắc sai phạm, kể cả đương chức lẫn về hưu. Theo tôi đó là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay khi đã có sự chỉ đạo chung từ Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho thấy sự vận hành của cả hệ thống chính trị trong việc xử lý các sai phạm, kỷ luật trong đội ngũ cán bộ công chức kể cả cán bộ cao cấp. Nó thể hiện rõ ràng rằng bất cứ ai, ở bất cứ cương vị nào và ở thời điểm nào nếu đã có sai lầm khuyết điểm, thì đều phải xem xét, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
PV: Ông đánh giá thế nào về tính công khai, minh bạch qua những vụ xử lý kỷ luật cán bộ kể cả đương chức và đã về hưu thời gian qua?
Ông Phạm Tất Thắng: Dân chủ hóa là một xu hướng tất yếu và cần thiết của xã hội ta hiện nay, có thể thấy rõ trong hoạt động của Quốc hội, càng ngày hoạt động của Quốc hội càng gần dân hơn, thông qua các hoạt động cụ thể của các đoàn đại biểu Quốc hội, của các vị đại biểu Quốc hội. Bản thân hoạt động nghị trường của Quốc hội cùng ngày càng gần dân hơn, càng công khai hơn, với ngày càng nhiều nội dung được cử tri cả nước quan tâm được phát thanh và truyền hình trực tiếp. Trước đây, nhiều nội dung được coi là nhạy cảm, tế nhị, thậm chí là loại tài liệu đóng dấu mật ví như hoạt động về lĩnh vực tư pháp thì ở kỳ họp này, các buổi thảo luận về nội dung tư pháp được phát thanh và truyền hình trực tiếp.
Ví dụ cụ thể đó có thể nói lên một nhận định chung đó là xu hướng chung của xã hội ta hiện nay là dân chủ hóa. Đảng lãnh đạo là hạt nhân của hệ thống chính trị do vậy Đảng cần phải có những hành động cụ thể thể hiện quan điểm chỉ đạo của mình, đồng thời làm gương cho cả hệ thống chính trị, bởi Đảng là gương mẫu, là công khai, minh bạch; là không né tránh, nhìn thẳng vào sự thật, vào những sai lầm khuyết điểm từ đó sẽ tạo ra một động lực thúc đẩy cho cả hệ thống chính trị trong công tác và nó cũng thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta đó là không có vùng cấm, không có khái niệm hạ cánh an toàn; mỗi người đều bình đẳng trước pháp luật, đặc biệt là cán bộ công chức, đảng viên khi đang nắm giữ cương vị lãnh đạo càng cần phải gương mẫu.
Chính việc công khai, minh bạch từ Đảng, Nhà nước như vậy sẽ tạo ra một sức răn đe với cán bộ công chức, đòi hỏi họ phải làm việc một cách công tâm, trách nhiệm, hết khả năng theo đúng quy định của pháp luật.
PV: Xin cảm ơn ông./.