Hoạt động đào tạo Tăng tài trong phong trào chấn hưng PGVN giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX

Tăng sĩ không tu tập, không am hiểu giáo lý để hoằng pháp, điều này ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng tín đồ phật tử.

Tác giả: Thích nữ Hạnh Huệ

1. Dẫn nhập

Phật giáo du nhập vào nước ta đã trải qua hơn 2000 năm, những giá trị tâm linh Phật giáo để lại trên mảnh đất Việt thực sự đã ăn sâu vào tâm thức từng người con Phật. Để có được vị thế vững chắc mang tầm ảnh hưởng như ngày hôm nay, Phật giáo đã trải qua nhiều khó khăn và thách thức, nhất là sự đứng lên trong công cuộc chấn hưng Phật giáo.

Mở đầu cho làn sóng chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đó là sự ảnh hưởng trực tiếp từ phong trào chấn hưng của Phật giáo Trung Quốc. Ban đầu các nước châu Á đều là các nước thuộc địa của phương Tây, các nước phương Tây luôn cho rằng châu Á là một nơi xa xôi, lạc hậu, không có gì đáng học hỏi nhưng khi xâm chiếm vào và bắt đầu tìm hiểu nội dung thâm sâu, vĩ đại của tư tưởng Phật giáo bắt đầu chú ý đến đạo Phật. Từ đó, các nước phương Tây bắt đầu có cái nhìn khác về các nước phương Đông. Một mặt khác, khi Phật giáo được quan tâm đã thôi thúc niềm tự tín của các tín đồ Phật giáo làm sống dậy niềm tin của họ vào đạo Phật, họ trở lại dành thời gian nghiên cứu giáo lý và nhận ra rằng vấn đề thiết thực bây giờ là cần chấn chỉnh lại Phật giáo, thúc đẩy phong trào chấn hưng Phật giáo ở các nước Châu á.

Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc như là một đòn bẩy cổ vũ khiến Phật giáo Việt Nam càng tự tin hơn về quyết định chấn hưng Phật giáo của mình.

Ngoài những chính sách cai trị khắc nghiệt của chính quyền thuộc địa đối với Việt Nam trên tất cả các phương diện kể cả tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo thì những biểu hiện của đời sống tu sĩ là một nguyên nhân cho thấy rõ thực trạng suy vi của Phật giáo. Bấy giờ, ngoài những vị chân tu sống ẩn mình trong rừng sâu thì tu sĩ được mô tả trong hai từ “hư và dốt”, giai đoạn này các sơn môn tồn tại rời rạc, không có sự kết nối vối nhau, tình trạng này được các vị tôn túc xưa gọi là “bao tải khoai tây”.

Chính điều này khiến cho một số tu sĩ bỏ quên chí nguyện ban đầu của mình, chạy theo sự thị hiếu của tín đồ, xa rời giáo lý.

Tăng sĩ không tu tập, không am hiểu giáo lý để hoằng pháp, điều này ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng tín đồ phật tử. Họ cho rằng đức Phật là một vị thần, có sức mạnh siêu nhiên, đạo Phật là đạo ban phước giáng họa, mê tín, mua thần bán thánh…

Không chỉ những nguyên nhân bên trong đời sống các tu sĩ Phật giáo, mà các nguyên nhân bên ngoài cũng ảnh hưởng đến Phật giáo không nhỏ. Thời kỳ đó, ngoài sự cạnh tranh khốc liệt của Công giáo, các tôn giáo khác như Cao Đài, Hòa Hảo cũng bắt đầu xuất hiện, điều này khiến Phật giáo gặp rất nhiều khó khăn. Lúc này Phật giáo dù tồn tại nhưng không có ảnh hưởng tích cực và trực tiếp đối với xã hội.

Nhận thấy sự xa rời giữa nhân dân, tín đồ phật tử với Phật giáo, các vị lãnh đạo lấy sự chấn chỉnh trong Tăng đoàn Phật giáo là điều bức thiết nhất lúc bấy giờ. Tăng sĩ là bộ phận quan trọng của Tăng đoàn Phật giáo, một vị tăng sĩ có đầy đủ kiến thức Phật học, am hiểu đúng đắn lời Phật dạy sẽ dẫn dắt tín đồ đi đúng phương hướng, không lệch lạc trong sự hiểu biết về giáo lý. Đây là một trong những yếu tố quyết định sự vực dậy của Phật giáo, từ những nguyên nhân nội tại và ngoại tại đó, ngọn đuốc chấn hưng Phật giáo, đào tạo Tăng tài bùng nổ trên khắp cả nước. Trong đó, đi đầu là An Nam Phật Học Hội ở miền Trung với những đường lối đúng đắn, kế thừa và phát triển là công cuộc đào tạo Tăng tài ở miền Nam và miền Bắc.

Ảnh: St

Ảnh: St

Thấy được sức ảnh hưởng cũng như tầm quan trọng của vấn đề đào tạo Tăng tài trong phong trào chấn hưng Phật giáo, học viên sẽ đi sâu hơn tìm hiểu về sự hình thành của các Hội Phật học ở ba miền cũng như sự ra đời của các trường Phật học ở các Hội, từ đây thấy được những thành tựu to lớn mà các trường Phật học đã đạt được trong việc đào tạo Tăng tài cho công cuộc chấn hưng Phật giáo. Với sự nghiên cứu và tìm hiểu còn nhiều thiếu sót, học viên xin được khái quát nội dung qua đề tài: “Hoạt động đào tạo Tăng tài trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX”.

2. Khái quát quá trình thành lập và phát triển của các Hội Phật Học ở ba miền

Đầu thế kỷ XX, Phật giáo nước ta đã suy vi hết sức nghiêm trọng, mặc dù còn tồn tại thế nhưng lại không còn sức ảnh hưởng tích cực đối với xã hội. Đứng trước bờ vực diệt vong của đạo Phật, các tu sĩ và phật tử có đạo tâm đã cùng nhau chung sức đồng lòng để chấn hưng Phật giáo. Người tiên phong mở đầu cho cuộc vận động chấn hưng Phật giáo chính là Hòa thượng Khánh Hòa. Là một tu sĩ tâm huyết với đạo, khi ngày ngày chứng kiến sự suy đồi trong giới Tăng sĩ làm cho đạo Phật rơi vào cảnh suy tàn, khiến cho Ngài phải trăn trở ngày đêm. Khi đó, Ngài nhận ra một điều là: “Phật pháp suy đồi do Tăng đồ thất học”. Đây chính là nỗi ưu tư của Ngài, cũng vì vậy mà khi trao đổi với Hòa thượng Long Hòa đã đưa ra bốn điểm cần thiết cho công cuộc chấn hưng là:

1. Thành lập Hội Phật giáo

2. Thỉnh và dịch ba tạng kinh điển sang chữ Quốc ngữ

3. Lập ra các trường Phật học để đào tạo Tăng tài

4. Cho xuất bản tạp chí nhằm phổ biến giáo lý Phật đà, lan truyền kêu gọi chấn hưng Phật giáo.

Vậy nên, trong bài “Tự Trần”, Hòa thượng Khánh Hòa đã viết trên tạp chí Pháp âm số 1, rằng: “Muốn truyền bá tư tưởng thì các nhà học Phật nên hiệp tác với nhau, chung cùng tư phủ cắt nhà tư xã, thỉnh 3 tạng kinh đồng tâm nghiên cứu, rồi diễn dịch ra chữ Quốc ngữ, phổ thông trong thiên hạ khiến cho mỗi người xem đọc đều hiểu được pháp luật nhà đạo, ai làm trái thì chừa, ai làm phải thì theo… còn một bên thì lập trường Phật học, cho học sinh tân nghiệp luôn luôn. Học cho thông Ngũ giáo Tam thừa, rồi ra trách nhiệm trụ trì, cho kiêm toàn phước huệ, hầu xiển dương diệu pháp, thì mới trông mong Tăng giới được tinh tấn.”

Đó cũng chính là lý do mà trải suốt cuộc hành trình chấn hưng Phật giáo của mình, Hòa thượng Khánh Hòa dành hết tâm huyết cho hoạt động giáo dục, đào tạo Tăng tài, lập ra Phật học đường, tổ chức các lớp phiên dịch, biên soạn, giảng giải và xuất bản kinh sách bằng chữ Quốc ngữ.

Với bốn mục tiêu đã đề ra, Hòa thượng và những người có cùng chí hướng bắt đầu công cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Nam. Ngài bắt đầu vận động thành lập Hội Phật giáo, đầu tiên là sự ra đời của hội Lục Hòa liên hiệp với mục tiêu là thành lập được một hội Phật giáo toàn quốc, tuy nhiên đã gặp phải nhiều biến cố và cản trở bởi không phải ai cũng nhận thức được vấn đề suy vi của Phật giáo, cuộc vận động thất bại. Đến năm 1927, Hòa thượng Khánh Hòa quyết định bắt đầu phong trào chấn hưng tại miền Nam, tháng 12 năm này Hòa thượng đã soạn thảo hồ sơ và đệ trình lên Thống đốc Nam Kỳ để xin phép được lập Hội Phật giáo, tuy nhiên đã không được chấp thuận. Mặc dù vậy nhưng Ngài vẫn không nản chí, Ngài chỉnh sửa lại hồ sơ và tiếp tục gửi đi xin phép thành lập Hội, thế nhưng cuối cùng vẫn không được chính quyền thuộc địa chấp thuận.

Sau đó, Hòa thượng Khánh Hòa quyết định hợp tác cùng ông Trần Nguyên Chấn và một số nhà tri thức đương thời để tiếp tục chí nguyện thành lập Hội Phật giáo của mình. Trải qua vô số gian nan, thử thách, nhiều lần thất bại, với sự kiên trì và giúp đỡ của những vị có đạo tâm với Phật pháp, cuối cùng Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học Hội cũng được thành lập vào năm 1931 và xuất bản tạp chí Từ Bi Âm năm 1932, làm phương tiện để truyền bá tư tưởng chấn hưng, cùng với phổ biến giáo lý Phật pháp đến với đông đảo quần chúng nhân dân. Sau đó, hội đã xây dựng Pháp Bảo Phương làm thư viện lưu trữ kinh điển và Thích học đường để làm nơi dạy học. Tuy nhiên, đến năm 1934 học đường vẫn chưa thể khai giảng được do sự bất đồng ý kiến của các thành viên trong hội.

Tuy rằng hoạt động của Thích học đường thất bại, nhưng với hoài bão và lòng mong muốn có thể lập trường Phật học, đào tạo Tăng tài. Hòa thượng Khánh Hòa đã trở về Trà Vinh để cùng với Thiền sư Khánh Anh, Huệ Quang và một số vị pháp hữu, lập ra Phật học đường với tên gọi là Liên đoàn Phật học xã. Lớp học đầu tiên với khoảng năm mươi học Tăng được khai giảng tại chùa Long Hòa, được giảng dạy bởi các Thiền sư Khánh Anh, Huệ Quang và Pháp Hải. Dù với tâm nguyện to lớn là phát triển trường Phật học để đào tạo ra thế hệ Tăng sĩ có tài có đức, chấn hưng Phật giáo.

Do sự thiếu hụt về tài chính, thiếu sự đoàn kết và nhất quán giữa các thành viên, sử cản trở từ phía chính quyền và một vài lý do nên lớp học này chỉ tổ chức thêm hai khóa thì tan rã. Nhận thức được rằng muốn duy trì được Phật học đường cần phải có nguồn tài chính đầy đủ. Vì vậy, Hòa thượng Khánh Hòa đã tập hợp các pháp hữu và cư sĩ thiện tâm thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học, hội được chính quyền công nhận chính thức vào ngày 13 tháng 8 năm 1934 tại Trà Vinh, trụ sở là chùa Long Phước.

Ngay sau khi thành lập việc làm đầu tiên của hội chính là tổ chức Phật học đường, thu nhận cả tăng và ni vào học. Đến đây có thể coi như những nỗ lực của Hòa thượng Khánh Hòa đã được đền đáp xứng đáng. Có thể nói công cuộc chấn hưng Phật giáo ở tại Nam Kỳ gặp nhiều gian truân, thử thách, nhưng đó cũng là bước đệm để các phong trào ở miền Trung, miền Bắc phát triển một cách thuận lợi hơn.

Ở Trung kỳ, được sự dẫn dắt của Hòa thượng Giác Tiên cùng với sự hiệp lực của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, chỉ sau vài tháng nộp đơn thì đến ngày 17/09/1932 An Nam Phật Học Hội đã được thành lập theo Nghị định số 2691 của Khâm sứ Trung Kỳ, với trụ sở đặt tại chùa Trúc Lâm, Huế. Hội cho phát hành tạp chí Viên Âm năm 1933 để làm cơ quan ngôn luận, truyền bá Phật pháp. Sau khi được chính quyền công nhận tư cách pháp nhân vào 10/8/1936 thì mãi đến 15/7/1938 mới có Nghị định điều chỉnh tên Hội thành An Nam Phật Học Hội. Tôn chỉ của hội là nhằm “hoằng dương Phật pháp, lợi lạc hữu tình”. Với tôn chỉ này, thì mọi thành viên của hội đều phải phát nguyện quy y Tam bảo và thọ trì năm giới cấm cùng nhau tu tập và thực hành giáo lý của đức Phật. Cũng như sẽ chuyên tâm cho việc phụng sự đạo pháp và xây dựng cho cuộc chấn hưng Phật giáo. Nhắc đến An Nam Phật Học Hội, thì phải kể đến công lao vận động tăng, ni, phật tử của HT. Giác Tiên và sự đệ đơn của Cư sĩ Lê Đình Thám. Đặc biệt, trong chuỗi hoạt động của Hội phải ghi nhận sự sát nhập của Hội Phật Học Đà Thành (1935).

Ảnh: St

Ảnh: St

Từ sự bùng nổ của phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu từ Nam Kỳ và mở rộng ở Trung Kỳ, Phật giáo Bắc Kỳ cũng bắt đầu công cuộc chấn hưng. Tuy ra đời sau nhưng lại có bước phát triển rất nhanh. Tháng 11 năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ được phép thành lập theo quyết định số 4283 ký bởi Thống sứ Bắc Kỳ, ngày 23 tháng 12 năm 1934 tổ chức lễ thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ tại trụ sở chùa Quán Sứ, Hà Nội và bầu ra Ban Chứng minh Đạo sư. Hội đã suy tôn Thiền sư Thanh Hanh lên ngôi vị Thiền gia Pháp chủ. Sau khi thành lập Hội đã nhanh chóng xúc tiến các hoạt động giáo dục và hoằng pháp. Cho xuất bản nhiều tờ báo như Đuốc Tuệ, Bồ Đề Tân Thanh,…. làm cơ quan truyền tải các tin tức và tư tưởng Phật giáo. Hội cũng đã cho mở các trường Phật học cho Tăng sinh tại chùa Quán Sứ và chùa Bồ đề cho Ni sinh theo học.

Ảnh: St

Ảnh: St

Như vậy, có thể thấy rằng trọng tâm của phong trào chấn hưng ở cả ba miền đó là hoạt động giáo dục, đào tạo Tăng tài. Nhờ vậy mới có thể khắc phục được tình trạng yếu kém trong hàng ngũ Tăng sĩ, tạo dựng được một thế hệ tài năng làm trụ cột cho công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX.

3. Hoạt động đào tạo Tăng tài của các Hội Phật học trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX

Phật giáo đầu thế kỉ XX như được thổi vào luồng sinh khi mới với phong trào chấn hưng có ý nghĩa sống còn của Phật giáo Việt Nam với các Hội Phật học ra đời đầu tiên là Hội Phật học được thành lập tại Sài Gòn là: “Ngày 26 tháng 8 năm 1931 Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học được thành lập, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn, số 149 đường Douaumont, Sài Gòn, Gia Định”. Hội này cho xuất bản tạp chí Từ Bi Âm. Sau này còn có Hội Lưỡng Xuyên Phật Học Hội tại Trà Vinh, cho xuất bản tạp chí Duy Tâm Phật Học và Phật Học Kiêm Tế Hội ở Rạch Giá, Kiên Giang cho ra đời tạp chí Tiến Hóa.

Ảnh: St

Ảnh: St

Các nhà tri thức khởi xứng đầu tiên của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỉ XX, là các vị Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Trí Thiền, Hòa thượng Huệ Quang, Hòa thượng Từ Phong, Hòa thượng Chính Quả, Hòa thượng Thiện Dư cùng với các Cư sĩ Nguyễn Văn Chấn, Trần Văn Khuê, Phạm Ngọc Vinh, Lê Văn Phổ …Với nhận định đúng đắn phương hướng mà các Ngài hướng đến để chấn hưng Phật giáo Nam Kỳ đó là bằng con đường giáo dục. Chắc chắn quan điểm đó là hoàn toàn phù hợp với Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Nam Kỳ nói riêng và đó chính là cốt lõi của giáo dục Phật giáo, bởi nó được nghiệm chứng qua nhiều thế kỉ: “Quan điểm Phật giáo về giáo dục không chỉ là việc dạy và học trên văn tự mà cần phải chuyển hóa nội tâm, cải thiện cái xấu thành cái tốt, bồi dưỡng và phát huy nhân tài. Giáo dục nhằm hoàn bị cho con người kiến thức về thế học và đạo học”. Dù đã khởi động từ những năm 1920 nhưng phải đợi đến năm 1931, những cố gắng trên mới kết hợp thành lực lượng lớn mạnh có tổ chức và phương châm rõ ràng: “Ðầu tiên một Hội Phật học được thành lập tại Sài Gòn lấy tên là Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật học Hội; kế đó là Hội Lưỡng Xuyên Phật Học. Những vị có công khởi xướng lên các Hội này là Ngài Khánh Hòa, Ngài Huệ Quang, Ngài Khánh Anh cùng một số quý vị Tăng già và Cư sĩ tân tiến”. Đây có thể nói là những bước thành tựu đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.

Như vậy, ở Nam Kỳ có hai trung tâm Phật học đầu tiên là: Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học có trụ sở tại chùa Linh Sơn số 149 đường Douaumont ở Sài Gòn, tại đây Hòa thượng Khánh Hòa đã cùng các vị khác đã tổ chức xây dựng Thích Học Đường và Phật Học Thư Xã. Sau khi Hội thành lập, sáu gian nhà ngói được khởi công xây dựng gần chùa Linh Sơn, trên khu đất của ông Trần Nguyên Chấn với sự đồng ý của ông Vì khuôn viên chùa chật hẹp nên thư viện tên là Pháp Bảo Đường cũng được xây trên mảnh đất của ông. Tại Thích Học Đường có trang bị đầy đủ các vật dụng như bàn, ghế, tủ để nhận học Tăng nội trú nhưng vì một số bất đồng ý kiến giữa các vị đứng đầu với ông Trần Nguyên Chấn, nên Phật học đường không bao giờ được khai giảng và công việc hoằng pháp bị đình trệ. Sự kiện này là nhân duyên phát sinh ra hai Hội Phật giáo khác. Lưỡng Xuyên Phật học Hội tại Trà Vinh và Phật học Kiêm Tế Hội tại Rạch Giá ở Kiên Giang. Lưỡng Xuyên Phật học Hội được Ngài Khánh Hòa và Ngài Huệ Quang làm quản trị, còn Phật học Kiêm Tế Hội do Ngài Trí Thiền sáng lập với sự cộng tác của sư Thiện Chiếu.

Vì sự trì trệ của Thích Học Đường, Hòa thượng Khánh Hòa đã về chùa Long Hòa để tổ chức Phật học đường lưu động lấy tên là Liên Đoàn Phật Học Xã nhưng vì lí do không đủ kinh phí duy trì nên bị tan rã. Thấy được sự cần thiết trong việc học Phật của Tăng sĩ, Hòa Thượng Khánh Hòa lại thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật Học. Công việc đầu tiên của Hội là tổ chức Phật học đường. Công việc tổ chức và tuyển chọn học Tăng được nhanh chóng thực hiện, Phật học Đường Lưỡng Xuyên khai giảng vào năm 1934 sau đó. Tại đây Hội thu nhận cả Tăng sinh và Ni sinh nhưng Ni sinh được tổ chức học riêng do Thiền sư Minh Tịnh điều hành. Bằng sự gắn bó thân thiết giữa Hội Phật Học Lưỡng Xuyên với An Nam Phật Học và các sơn môn Thừa thiên. Năm 1936, Hội đã gửi những học Tăng xuất sắc ra học tại trường Sơn Môn Phật Học ở Huế. Năm 1939 lại gửi thêm sáu vị nữa. Vì gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính trường lại đóng cửa, nhưng sau đó nhờ các vị mạnh thường quân ủng hộ trường lại tiếp tục được hoạt động. Lúc bấy giờ, có học Tăng Hiển Thụy ra Huế theo học và đã tốt nghiệp, Ngài đã trở về trường Lưỡng Xuyên phụ tá Hòa Thượng Khánh Anh trong việc giảng dạy. Ngoài ra trường còn mời các vị như Ngài Mật Thể, Như Ý từ Huế vào dạy học. Nhưng hoạt động không bao lâu thì trường lại phải dừng hoạt động vì thiếu kinh phí, trường chỉ đủ sức duy trì những lớp tiểu học tại các chi hội địa phương.

Chúng ta thấy rằng việc để mở một trường Phật học đã khó và để duy trì trường lại càng khó hơn. Hòa thượng Khánh Hòa cùng với các vị lãnh đạo tại Hội Phật học ở Nam Kỳ đã luôn cố gắng hết mình vì sự đào tạo Tăng tài cho Phật giáo. Những hoạt động mà Ngài đã làm đối với tăng, ni sinh chính là minh chứng tiêu biểu cho sự cống hiến, hi sinh cho sự tồn vong của đạo pháp.

Cùng với sự ảnh hưởng của phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc và miền Nam mà miền Trung cũng có phong trào chấn hưng Phật giáo được khởi xướng bởi Thiền sư Giác Tiên, cư sĩ Lê Đình Thám,… Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung cũng được bắt đầu bằng việc vận động thành lập các Hội Phật giáo.

Năm 1932, Hội An Nam Phật học được thành lập, do Hòa thượng Giác Tiên làm chứng minh đạo sư, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm Hội trưởng, xuất bản Tạp chí Viên Âm. Hội được đặt trụ sở tại chùa Trúc Lâm (Huế). Báo Viên Âm số ra đầu tiên ngày 1/12/1933, trở thành cơ quan ngôn luận của hội An Nam Phật Học. Huỳnh Thúc Kháng từng phát biểu ý kiến về vấn đề phục hưng Phật giáo là một việc làm có lợi ích cho quốc dân và ông khuyên Viên Âm nên cố gắng. Hội đã liên tiếp mời các Thiền sư Giác Tiên, Giác Nhiên và Tịnh Hạnh làm chứng minh, có sự hổ trợ của các bậc Tôn túc, sự cộng tác của các vị tăng, ni xuất sắc như Mật Khế, Mật Nguyện, Đôn Hậu, Trí Độ, Trí Thủ, Mật Thể, Diệu Hương và Diệu Viên.

Từ năm 1934, Hội mở các Phật học đường cấp Sơ đẳng tại các tỉnh. Năm 1933, trường An Nam Phật Học được khai giảng tại chùa Vạn Phước, sau dời về chùa Báo Quốc, Thiền sư Trí Độ làm Đốc giáo của trường. Năm 1935, trường Sơn Môn Phật Học mở một lớp đại học tại chùa Trúc Lâm, do Thiền Sư Giác Tiên làm Thống đốc và một lớp trung học do Thiền sư Tịnh Khiết trông nom tại chùa Tường Vân. Trường Ni học được khai giảng lần đầu tại chùa Từ Đàm năm 1932 do Ni sư Diệu Hương làm Giám đốc.

Mục đích của Hội là đào tạo Tăng tài và chỉnh lý Tăng giới. Thành lập các lớp Phật học cho tăng sĩ trẻ tuổi các chùa, đề ra một chương trình chỉnh lý tình trạng Tăng sĩ: thành lập một Hội đồng Luật sư gồm có những bậc Tăng già tinh thông Giới luật để giám sát giới hạnh của tăng chúng. Tổ chức những ban thầy cúng gồm có những người biết tán, tụng, cầu an, cầu siêu và hướng dẫn tang lễ. Mỗi tháng đến ngày mùng một và rằm thiết lễ, lễ Phật và thỉnh thầy giảng đạo để cho các hội viên đồng học, đồng tu; cốt để giúp thiện nam và tín nữ được hiểu rõ chính giáo của Phật.

Sự ưu tư, trăn trở của Hòa thượng Khánh Hòa trước ngôi nhà chính pháp đang bị cuồng phong vùi dập: “Phật pháp suy đồi, Tăng đồ thất học và không đoàn kết”.

Do số lượng chư tăng thất học, cũng như những vị thầy cúng không sống theo nếp sống thanh quy là một mối lo trong đạo Phật. Cho nên, việc mở các lớp Phật học cho tăng sĩ trẻ với mục tiêu của đào tạo tăng tài là để chỉnh lý tình trạng tăng sĩ. Đưa các vị tăng tài đi đào tạo để sau này hoằng truyền chính pháp, dẫn dắt hàng hậu lai tiếp nối con đường đạo pháp. Đào tạo họ trở thành những bậc có Giới hạnh sống theo quy cũ thiền môn, nghiêm trì Giới luật, có khả năng truyền bá chính Pháp đến Phật tử.

Đào tạo Tăng tài vì tăng bảo giữ vai trò quan trọng, trực tiếp đến sự tồn vong của đạo pháp. Theo Hòa thượng Thiện Minh: “Tăng bảo là hiện thân cụ thể cho tinh thần vô thượng đạo của Phật. Tăng bảo còn, Phật giáo còn; Tăng bảo bị suy đốn thì Phật giáo bại vong. Đó là một sự hiển nhiên mà lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng. Vì vậy, nơi nào có những hàng Tăng bảo có thực tài, thực đức thì nơi ấy Phật giáo được tồn tại một cách xứng đáng với danh nghĩa của nó”. Vì vậy, đào tạo Tăng tài là để nối truyền mạng mạch của Như Lai, hạ hóa chúng sinh, có trình độ năng lực truyền đạt giáo lý đem lại lợi lạc cho chúng sinh.

Việc đào tạo Tăng tài để họ làm rường cột cho Phật pháp, là thạch trụ Tòng lâm chống đỡ ngôi nhà chính pháp, là con thuyền tốt để đưa Phật pháp vào đời và đưa chúng sinh đến bờ giải thoát. Đào tạo Tăng tài để nâng cao tinh thần học Phật và phổ biến Phật học một cách dễ dàng và rộng rãi, có thể dung hòa mọi tư tưởng Phật giáo, phá tan những rào cản phân biệt tông phái và pháp môn để tăng, ni không bị những định kiến, phiến diện của mình dẫn đến những chủ trương sai lệch, chia rẽ trong Tăng đoàn. Thống nhất tư tưởng hay ý chí tạo ra một sức mạnh đại đoàn kết, trừ bỏ những hủ tục và mê tín dị đoan, truyền bá giáo pháp của Đức Phật theo con đường chính tín và trí tuệ.

Như ta đã biết, sơn môn Huế và Hội An Nam Phật Học rất chú trọng về việc đào tạo Tăng tài và chỉnh lý tăng giới, không để tăng giới suy sụp. Duy trì mạng mạch của Phật pháp, bảo tồn Tăng bảo... Chỉnh đốn quy cũ trong các sơn môn để không còn tăng sĩ “hư và dốt”.

Hội An Nam Phật Học từ năm 1934 đã khuyến khích mở các Phật học đường Sơ đẳng tại các tỉnh. Sự cộng tác của nhiều chùa đưa đến thành lập Phật học đường. Tuyên dương Phật pháp cho thích hợp với đời, bổ ích cho đời, không đem lời hung ác, nói việc không đúng sự thật, để lại hậu quả về sau, mang lấy những tội lỗi.

Chương trình đào tạo của trường An Nam Phật Học tại Trúc Lâm vào năm 1934 được Hội hoạch định làm hai cấp, tiểu học và đại học:

Tiểu Học (5 năm): Năm thứ nhất học Quốc văn và hai buổi công phu. Năm thứ hai học Sự tích Phật Thích Ca, Bốn phép Toán, Phật học giáo khoa toàn thư. Năm thứ ba học Luật Sa di (trường hàng), Vô lượng Thọ kinh, Địa Tạng kinh, Thủy Sám Pháp. Năm thứ tư học Sa Di Luật Giải (trường hàng), Thập Lục Quán kinh. Năm thứ năm học Di Đà Sớ Sao, Pháp Bảo Đàn kinh (tốt nghiệp tiểu học thì học Tăng được thọ Sa di Giới).

Đại Học (5 năm): Năm thứ nhất học Kim Cương Trực Sớ, Tâm kinh Chú Giải, Duy Thức Phương Tiện Đàm, Bát Thức Quy Củ Tụng Trang Sớ. Năm thứ hai học Lăng Nghiêm kinh, Viên Giác Kinh, Nhân Minh Luận. Năm thứ ba học Lăng Già kinh, Khởi Tín Luận, Đại Thừa Chỉ Quán. Năm thứ tư học Thành Duy Thức Luận, Pháp Hoa kinh, Phạm Võng kinh. Năm thứ năm học Đại Bát Niết Bàn, Tứ Phần Luật (tốt nghiệp đại học thì học Tăng được thọ giới Tỳ Kheo).

Sau khi tốt nghiệp có thể học lớp tham cứu (5 năm): Năm thứ nhất học Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Viên Giác Lược Sớ, Duy Ma Sớ, Tam Luận (Trung Luận, Bách Luận và Thập Nhị Môn Luận). Năm thứ hai học Lăng Già Tâm Ấn Sớ, Giải Thâm Mật kinh, Du Già Sư Địa Luận. Năm thứ ba học Pháp Hoa kinh Huyền Nghĩa học Pháp Hoa Văn Cú, Ma Ha Chỉ Quán. Năm thứ tư học Hoa Nghiêm Luận, Hoa Nghiêm Sớ Sao. Năm thứ năm học Đại Trí Độ Luận, Tông Cảnh Lục, Chỉ Nguyệt Lục, Hải Triều Âm Văn Khố.

Do chương trình học có nhiều khuyết điểm và dài nên đến năm 1944 một chương trình mới được hoạch định:

Sơ đẳng (2 năm): Năm thứ nhất học kinh gồm Thập Thiện Nghiệp Đạo, Ngũ Thiên Sứ Giả, Trừ Khủng Tai Hoạn, Bụt Kinh, Tứ Thập Nhị Chương, Bát Đại Nhơn Giác. Luật gồm Sa Di. Luận gồm Duy Thức Tam Tự kinh. Khóa tụng gồm Nghi thức của Hội (giảng giải) và các khóa nghi trong sơn môn. Năm thứ hai học kinh gồm Phật Di Giáo, Nhị Khóa Hợp Giải. Luật gồm Cảnh Sách. Luận gồm Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận Giải (của Khuy Cơ) Bát Thức Quy Cũ Tụng Trang Chú, Đại Thừa Khởi Tín Luận. Khóa Tụng gồm các khóa nghi trong Sơn Môn.

Trung đẳng (2 năm): Năm thứ nhất học kinh gồm Duy Ma Cật kinh Giảng Lục (Thái Hư), Kim Cương kinh Giảng Lục (Thái Hư). Luật gồm Ưu Bà Tắc Giới kinh. Luận gồm Đại Thừa Chỉ Quán, Duy Thức Đích Khoa Học Phương Pháp, Nhân Minh Luận Sớ. Khóa tụng gồm Các khóa nghi trong Sơn Môn. Năm thứ hai học kinh gồm Lăng Nghiêm. Luật gồm Tứ phần Luật Sớ. Luận gồm Tánh Thức Luận, Trung Luận. Khóa tụng gồm Các khóa nghi trong sơn môn.

Cao đẳng (2 năm): Năm thứ nhất học kinh gồm Lăng Già Tâm Ứng. Luật gồm Bồ Tát Anh Lạc kinh. Luận gồm Bách Luận, A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận. Năm thứ hai học kinh gồm Pháp Hoa kinh Văn Cú. Luật gồm Phạm Võng kinh Hợp Chú. Luận gồm Nhị Thập Môn Luận, Thành Duy Thức Luận.

Nếu muốn thành giáo sư các trường Phật học thì phải ở lại nghiên cứu và tu tập thêm ba năm nữa tại trường. So với chương trình trước thì chương trình này thực tế hơn và có nhiều tác phẩm mới như những sách giảng lục của Thái Hư và Đại Viên. Mặt khác muốn vào học, học Tăng phải qua một kỳ khảo thí. Trình độ căn bản là: đậu Sơ học Pháp - Việt, biết đọc và biết viết chữ Hán, Quốc ngữ phải thông thạo, có thể dịch một bài kinh luận từ chữ Hán ra Quốc ngữ và một vài câu Quốc văn ra chữ Hán.

Từ việc hình thành hệ thống giáo dục, đào tạo Tăng tài đưa đến kết quả hầu hết chư tăng có phong thái từ hòa, đạo hạnh quy giới trang nghiêm, nạn mê tín dị đoan cũng được đẩy lùi dần. Với chương trình đạo tạo có nhiều cấp học giúp Phật giáo đào tạo một thế hệ thanh niên tu sĩ chân chính và có trình độ kiến thức đáp ứng với việc xã hội ngày càng phát triển. Tuy chương trình đào tạo có nhiều khuyết điểm, ít môn học nhưng cũng đã đào tạo một lượng lớn Tăng tài cống hiến cho đạo pháp như Ngài Trí Quang, Thiện Siêu, Trí Thủ, Quảng Huệ, Chánh Thống, Thiện Minh, Thiện Trí, Thiện Hoa, Thiện Hòa,…

Còn so với hiện nay, chương trình đào tạo Tăng tài có bước phát triển hơn với nhiều cấp học như Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ rồi đến Tiến sĩ. Có nhiều khoa để tăng, ni lựa chọn theo học với sự đa dạng của nhiều môn học và có nhiều bậc Tôn túc đến lớp trau dồi kiến thức, chỉ dạy cho tăng, ni sinh. Bên cạnh đó, cũng có những vị cư sĩ với trình độ học vấn chuyên môn cao cũng được các trường Phật học mời về để chia sẻ kiến thức các môn học.

Trước khi các trường Phật học các cấp do Hội Phật giáo Bắc Kỳ lập ra tăng, ni tu học theo cách truyền thống. Về đại thể, có thể chia cách tu học truyền thống làm 2 dạng chủ yếu:

Dạng thứ nhất, việc tu học của tăng, ni được tiến hành ở mỗi ngôi chùa. Các tăng, ni ở chùa nào thường làm đệ tử cho một vị Hòa thượng, Thượng tọa hay chí ít cũng là Sư thầy trụ trì ở chùa đó. Các vị Hòa thượng, Thượng tọa hay Sư thầy trụ trì có trách nhiệm hướng dẫn chỉ dạy các đệ tử không những về mặt lĩnh hội tinh thần của giáo lý mà cả về mặt giới luật và tổ chức các nghi lễ Phật giáo. Nhiều tăng, ni không thỏa mãn với sự chỉ dạy của Sư thầy chùa mình nên đã cất công tìm đến những vị cao tăng uyên thâm Phật pháp mong được nghe những lời chỉ giáo, những tinh túy và cao thâm của đạo Phật. Chính các vị cao tăng này tập hợp xung quanh mình một loạt đệ tử có trình độ cao và chỉ dạy các đệ tử hiểu giáo lý và giới luật theo cách riêng của mình, rồi các đệ tử đó trưởng thành tỏa đi các nơi hoằng dương Phật pháp. Mỗi vị cao tăng như vậy với ngôi chùa của mình được gọi là một Tổ đình. Các Tổ đình giống như cái lò để các tăng, ni tu học và rèn luyện.

Cách tu học này, trong những thời điểm lịch sử cụ thể, với một số bậc cao tăng cụ thể, đã đạt được những thành tựu rất đáng kể. Sách Thiền Uyển Tập Anh cho biết trong thời Lý, khi Thiền sư Thiền Lão trụ trì ở chùa Trùng Minh trên núi Thiên Phúc (huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh) “học trò đến theo học đông có tới hơn nghìn người, chùa trở thành một chốn tùng lâm sầm uất”. Hay chùa Quang Minh (tỉnh Bắc Ninh) của Thiền sư Đạo Huệ, học trò cũng đông hơn nghìn người... Trong thời Trần, một trong những danh tăng được sử sách nhắc nhiều là Thiền sư Pháp Loa, Đệ nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm. Ông đã nhiều lần độ tăng, ni, mỗi lần không dưới một nghìn người. Cho đến năm Khai Hựu thứ nhất (năm 1329), Pháp Loa đã độ được một vạn năm nghìn tăng, ni…

Dạng thứ hai, tu học trong các kì an cư kiết hạ. An cư thường diễn ra vào 3 tháng mùa hè nên gọi là kiết hạ, nhưng cũng có nơi an cư diễn ra vào mùa đông nên gọi là kiết đông. Có chùa (Trường Hương), một năm an cư 2 lần (kiết hạ và kiết đông), có chùa một năm an cư 1 lần.

Với Phật giáo, an cư là thời gian các tỳ Kheo sống chung (ít thì năm bảy người, nhiều thì vài trăm người) để thảo luận Phật pháp, thực hành thiền định, nâng cao việc tu học. Nhìn chung, trong thời gian an cư, các Tỳ Kheo không được tự ý ra khỏi cương Giới nếu không có lí do đặc biệt. Khi có những lí do đặc biệt, chủ yếu trong ba trường hợp quan trọng liên quan đến cha, mẹ và vị Thầy bổn sư của mình, sau khi thưa trình trước tăng chúng, tỳ kheo được phép vắng mặt ở hai trường hợp về mặt thời gian: dưới 7 ngày và từ 7 ngày đến 40 ngày. Nếu tỳ kheo vắng mặt trên 40 ngày xem như là bị phá hạ, không được kể là đã an cư một mùa. Nội quy dành cho các tỳ kheo trong các trường hạ là rất nghiêm khắc, cụ thể: có 10 điều phải sám hối, 34 điều trách phạt, 32 việc bất tường nên tránh, 22 điều tẩn quy. Trong đó, những điều phải sám hối là nhẹ nhất, mắc phải những điều bất tường sẽ bị cảnh cáo, còn nặng nhất là tội tẩn quy. Nếu vị tỳ kheo nào phạm một trong các điều tẩn quy thì bị đánh phạt trước đại chúng, thu y bát, rồi đuổi ra khỏi trú xứ an cư.

Nội dung tu học trong các trường hạ chủ yếu là sự kết hợp giữa tụng niệm, tọa thiền và học các bộ kinh. Những kinh luật thường được dạy ở các trường hạ chủ yếu là bộ Sa Di Luận Giải, Pháp Bảo Đàn kinh, Pháp Hoa kinh. Bên cạnh nội điển, trong một số thời kì và một số nơi, tỳ kheo có thể còn được học những kiến thức ngoại điển, có lẽ chủ yếu là kinh sách của Nho giáo và Đạo giáo.

Chính vì ý nghĩa đặc biệt của mùa an cư, nên trong thời gian kiết hạ hoặc kiết đông, các tỳ kheo phải gác lại một số việc để tập trung thời giờ tu học. Số mùa an cư được tính là số tuổi đạo của cuộc đời một tỳ kheo.

Nhìn vào đối tượng tu học, nội dung và phương pháp giảng dạy trong các trường hạ ở nước ta, chúng ta có thể nói rằng, đó là sự tu học mang tính truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Đó là sự hòa trộn của các tông phái: Thiền – Tịnh – Mật, sự kết hợp giữa Hiển Tông và Mật Tông, giữa Thiền Tông và Giáo Tông, giữa nội điển và ngoại điển, v.v…

Có thể thấy, các hình thức tu học truyền thống của Phật giáo Việt Nam đạt được những kết quả rất đáng kể khi được tổ chức nghiêm túc và nhất là khi có được những vị cao tăng thạc đức, Phật học uyên thâm. Tuy nhiên, các hình thức tu học theo kiểu truyền thống này đã lộ rõ một số hạn chế khi xã hội Việt Nam có những biến động lớn thời cận đại, nhất là sau khi thực dân Pháp chính thức đặt ách thống trị trên toàn bộ lãnh thổ nước ta. Một trong những hạn chế của hình thức tu học truyền thống là thầy dạy trò chủ yếu những kiến thức Phật học, thiếu hẳn những kiến thức thế học, thậm chí ngay cả những kiến thức Phật học cũng chưa chắc đã đầy đủ. Lại thêm, dưới thời Pháp thuộc, đối mặt với sự rối ren của xã hội, sự xuống cấp của Tăng già, chính sách với Phật giáo của chế độ thực dân nhìn chung có phần kì thị, nên không ít vị cao tăng thanh tịnh hoặc mũ ni che tai, hoặc tìm đến chốn thâm sơn ẩn dật tu hành. Tệ lậu trong Phật giáo theo đó càng có điều kiện phát triển. Công việc đào tạo Tăng tài trong giai đoạn này yếu và có nhiều điểm cần phải thay đổi cho phù hợp với sự biến đổi của xã hội và thời đại.

Với nguyện vọng đoàn kết, thống nhất chư tăng cũng như đề cao vai trò của tu sĩ trong phong trào chấn hưng, năm 1934, sau khi thành lập, Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã quan tâm đến vấn đề bầu Ban Chứng minh đạo sư. Ban này gồm các vị “Đại Đức trong các sơn môn, các vị sẽ chỉ dẫn cho hội về sự nghiên cứu đạo Phật”. Ban Chứng minh do một vị hiệu là “Thiền gia pháp chủ” đứng đầu. Ban Chứng minh đạo sư của Hội Phật Giáo Bắc Kỳ được bầu vào ngày 23/11/1934, gồm 34 vị, do Sư Tổ Vĩnh Nghiêm đứng đầu. Tiếp đó vào ngày 12 tháng 1 năm 1936, Hội Phật giáo đã long trọng cử hành lễ suy tôn Sư Tổ Vĩnh Nghiêm lên ngôi vị Thuyền gia Pháp chủ trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền, đại diện An Nam Phật Học Hội, chư tăng, ni trong hội cùng đông đảo tín đồ. Việc suy tôn Sư Tổ Vĩnh Nghiêm lên ngôi vị Thiền gia pháp chủ, với mũ và ấn tượng trưng cho quyền lực của Pháp chủ, thể hiện rõ chủ ý “Lấy các Tăng già có học thức, có Giới hạnh làm trung tâm”, đồng thời thể hiện ý chí thống nhất Phật giáo của Hội Phật Giáo Bắc Kỳ.

Ở địa phương, không phải đến tận ngày nay Phật giáo mới được tổ chức theo các đơn vị hành chính. Ngay từ trong phong trào chấn hưng, An Nam Phật Học Hội đã thành lập các chi hội theo đơn vị hành chính. Theo nghiên cứu của Dương Thanh Mừng, ở địa phương, An Nam Phật Học gồm các cấp sau: Tỉnh hội – Huyện hội – Khuôn hội – Vức hội. Mỗi Vức đều sinh hoạt tại các Khuôn hội của mình. Đứng đầu mỗi Khuôn hội là Khuôn trưởng và Ban Trị sự của Khuôn hội là Tịnh độ. Ban đầu, việc thành lập các chi hội khá đơn giản. Bản Điều lệ điều chỉnh được phê chuẩn năm 1938 quy định rõ ràng cách thức thành lập và sinh hoạt tại các Tỉnh hội. Theo đó, các Tỉnh hội là thành viên của Tổng hội, phải tuân thủ theo quy tắc và điều lệ chung. Trụ sở của các Tỉnh hội thường đặt ở tỉnh lị. Các Tỉnh hội có trách nhiệm đóng tiền sinh hoạt cho Tổng hội và được toàn quyền quyết định nguồn tài chính trong Tỉnh hội. Từ năm 1932 cho đến năm 1945, An Nam Phật Học Hội đã thành lập được các Tỉnh hội ở hầu hết các tỉnh Trung Kỳ, gồm: Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Hà Tĩnh. Việc tổ chức các chi hội ở địa phương mặc dù còn sơ khai những đã bước đầu mang tính hệ thống và quy cũ. Đây cũng chính là di sản về phương diện tổ chức mà hội An Nam Phật Học đã để lại cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh các kỳ an cư kiết hạ thường niên, Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã mở được các trường Phật học theo lối mới ở 3 cấp học. Từ giữa năm 1935 đến năm 1936, Hội đã mở được 2 lớp, trường Tiểu học và Trung học, một đặt tại chùa Quán Sứ, một đặt tại chùa Bồ Đề (Gia Lâm – Hà Nội), với số lượng tăng sinh được hơn 30 vị. Giảng sư của các lớp học ban đầu này chỉ có Hòa thượng trụ trì chùa Phù Lãng Trung (Bắc Ninh) dạy về Phật pháp và cư sĩ Tú Tiến (Đông Châu) dạy phần Quốc văn.

Cuối năm 1936, trường Phật học cấp đại học chính thức khai giảng tại chùa Bằng Sở, tỉnh Hà Đông. Số lượng học tăng có trên 60 người. Trường do chính Hòa thượng Trung Thứ, trụ trì chùa Bằng Sở, làm giám đốc và giáo thụ. Giảng sư cho Phật học đường Bằng Sở là Hòa thượng Thích Thanh Thuyên (Tuệ Tạng) và một vị cư sĩ dạy phần Quốc văn.

Ngoài ra, Hội còn mở và duy trì được 2 lớp tiểu học tại chùa Cao Phong, tỉnh Phúc Yên và chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương.
Chương trình Phật học được áp dụng tại các trường Phật học do Hội Phật giáo Bắc Kỳ chủ trì như sau:

Cấp Tiểu học (4 năm):

Năm thứ nhất: Luật Sa Di, Phật Tổ Tam kinh, Phật Học Khóa Bản Tam Tự kinh, Quốc Ngữ, Toán.

Năm thứ hai: Địa Tạng, Thủy Sám, Báo Ân, Thích Giáo Tam Tự kinh, Hộ Pháp Lục, Quốc Ngữ, Toán.

Năm thứ ba: Hiền Ngu, Mục Liên, Di Đà Sớ Sao, Cảnh Sách Lục, Tịnh Độ Hoặc Vấn Lục, Trúc Song Lục, Quốc Ngữ, Toán.

Năm thứ tư: Di Đà Đại Bản, Lương Hoàng Sám, Trường A Hàm, Bảo Huấn Lục, Quốc Ngữ, Toán.

Cấp Trung học (3 năm):

Năm thứ nhất: Pháp Hoa, Tâm kinh Chú Giải, Trung A Hàm, Luật Tứ Phận, Lục Truy Môn, Luận Khóa Hư, Luận Hiển Thức, Quốc Ngữ, Toán.

Năm thứ hai: Lăng Nghiêm Bạch Văn, Lăng Già Ký, Pháp Hoa Tri Âm, Thập Lục Quán kinh, Luật Chỉ Nam, Lục Quy Nguyên, Luận Trang Nghiêm, Quốc Ngữ, Toán, Luận Ngữ.

Năm thứ ba: Duy Ma Cật, Thủ Lăng Nghiêm, Luật Trùng Trị, Lục Trung Phong, Lục Lục Đạo, Lục Phụ Giáo Biên, Quốc Ngữ, Toán, Việt Sử Trung Học, Đại Học, Trung Dung.

Cấp Đại học (3 năm):

Năm thứ nhất: Bát Nhã Phóng Quang, Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Di Đà Viên Thông, Luật Huyền Ty, Lục Pháp Uyển Châu Lâm, Thiền Uyển Tập Anh, Trúc Lâm Tam Tổ, Quốc Ngữ Diễn Văn, Đông Tây Triết Học, kinh Thư, Kinh Lễ.

Năm thứ hai: Niết Bàn Chính Văn, Pháp Hoa Ôn Lăng, Phạm Võng Lược Sớ Luật, Đại Thừa Khởi Tín, Đại Trí Độ Luận, Vạn Thiện Đông Quy, Nhân Quả, Quốc Ngữ, Đông Tây Triết Học, Kinh Dịch, Kinh Lễ.

Năm thứ ba: Viên Giác kinh, Bảo Tích kinh, Phạm Võng Lược Trú Luật, Phạm Võng Nghĩa Sớ, Tông Kính Lục, Vạn Thiện Quy Tâm, Đại thừa Trang Nghiêm Luận, Quốc Ngữ, Đông Tây Triết Học, Bắc Sử Quan Hành.

Sau khi tốt nghiệp đại học, học tăng có thể tiếp tục nghiên cứu nâng cao ở chương trình Bác học Cao Đẳng, kéo dài trong 5 năm, với các tác phẩm kinh điển như: Hoa Nghiêm Sớ, Niết Bàn Sớ, Lăng Nghiêm Tông Thông, Phật Tổ Thống Kỷ, Duy Thức Thuật Ký, Nhân Minh Đại Sớ, Đại Bát Nhã kinh, Tam Luận Sớ, Đại Thừa Nhất Thiết Luận, Đại Thừa Chỉ Quán Thiên Thai, Chỉ Nguyệt Lục, Duy Tôn Luận Sớ, Thành Duy Thức Luận, Đại Thừa Trang Nghiêm Mật kinh, Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Yếu, Kim Cương Lược Sớ và Duy Thức Luận.

Để học Tăng có được kiến thức toàn diện, bên cạnh những môn Phật học, chương trình đào tạo chú trọng đến ngoại điển và các môn thế học. Nếu như ở cấp tiểu học, thế học chỉ bao gồm Quốc ngữ và Toán, thì sang đến cấp trung học và nhất là đại học, chương trình chú trọng tới các môn như Triết học Đông Tây, Việt Sử, Quốc Văn, Cách Dư, Địa Chí, các thư tịch và kinh điển của Nho giáo.

Đây có lẽ là chương trình đào tạo cơ bản áp dụng chung ở các cấp học. Tuy nhiên, ở từng thời điểm và ở từng trường lớp cụ thể, chương trình có thể có những thay đổi nhất định. Danh sách các môn học trong kì sát hạch của học tăng năm thứ hai Trường Phật học Bồ Đề năm 1939 là một ví dụ.

Chương trình sát hạch này cho thấy các học tăng phải học và thi những môn sau đây: Hán văn (1 bài viết và 1 bài thi vấn đáp), Việt văn (1 bài viết và 1 bài thi vấn đáp), Quốc văn giáo khoa, Phật học giáo khoa, Thủy sám, Trung Quốc Phật học sử, Việt sử, Cách trí, Địa dư, Tứ Thập Nhị Chương, Di Giáo Kinh, Giảng kinh diễn thuyết, Lễ nghi Phật giáo.

4. Thành quả của hoạt động Tăng tài trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX

Phong trào chấn hưng Phật giáo thực sự đã đem đến những kết quả tích cực, góp phần giúp Phật giáo càng vững mạnh hơn, giáo lý Phật giáo được phổ cập rộng rãi trải dài trên đất Việt. Giá trị tâm linh Phật giáo mang lại trong đời sống tín đồ phật tử là điều chúng ta không thể phủ nhận, việc này một phần là nhờ vào sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các vị cao tăng thạc đức luôn tích cực cống hiến hết mình trong công cuộc đào tạo Tăng tài làm rường cột cho Phật giáo. Sự ra đời của các Hội Phật giáo đã đánh dấu một bước chuyển lớn, sự xuất hiện các trường Phật học nhằm đào tạo các tăng sĩ đầy đủ trí tuệ cả thế học lẫn Phật học của các Hội chính là bước đệm chắc chắn tạo nên sự thành công trong công cuộc chấn hưng Phật giáo.

Đối với hoạt động đào tạo Tăng tài, cả ba Hội đều nỗ lực hết mình, trải qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng những vị đứng đầu các Hội vẫn luôn xem đây là vấn đề trọng tâm, đáng được quan tâm nhất trong công cuộc chấn hưng Phật giáo. Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học Hội nhận được sự ủng hộ của Tăng già và cư sĩ, tuy nhiên trong quá trình hoạt động đã có một vài mâu thuẫn xảy ra giữa những vị đứng đầu nên dù Hội đã cất được một Phật học đường, gồm có sáu gian nhà ngói có trang bị đầy đủ để nhận học Tăng nội trú nhưng “Phật học đường không bao giờ được khai giảng và công việc hoằng pháp bị đình trệ”. Tuy vậy việc đào tạo Tăng tài ở Nam kỳ vẫn luôn diễn ra nhờ sự nỗ lực của Hòa thượng Khánh Hòa và Huệ Quang. Ở Huế, trước khi An Nam Phật Học Hội có những hoạt động giáo dục chính thức thì tại đây đã có sự xuất hiện của Sơn môn Phật học đường. Ở Bắc Kỳ, năm 1935, ở chùa Quán Sứ có một lớp Tiểu học, tuy số lượng học tăng theo học không đông đảo nhưng vẫn duy trì thường xuyên, tại đây chủ yếu dạy về Phật pháp và Quốc văn. Từ những bước đầu như vậy, các Hội Phật học nỗ lực đi vào ổn định, tập trung hơn vào việc đầu tư điều kiện cho các Phật học đường như nơi ở của học Tăng, giảng đường, thư viện...điều này đã đưa đến những kết quả lớn trong công cuộc đào tạo Tăng tài ở giai đoạn chấn hưng Phật giáo.

Tuy nhiên, đối với các Phật học đường ở ba miền mặc dù có chung mục đích đó là đào tạo ra tầng lớp tăng sĩ đầy đủ trí tuệ phục vụ cho Phật giáo nhưng mỗi miền việc đào tạo này vẫn có sự khác biệt trong suốt quá trình thực hiện.

Tại miền Nam vẫn chưa mở được Thích Học Đường, khi việc mở trường không được thúc đẩy như ý nguyện Hòa thượng Khánh Hòa cùng với Ngài Huệ Quang đã về Trà Vinh lập Liên Đoàn Phật Học Xã (1931), đây là Phật học đường lưu động, cứ 3 tháng thì thay đổi nơi cư trú nhưng hình thức này không duy trì được lâu dài vì thời bấy giờ vấn đề tài chính gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chùa không có đủ kinh phí để phục vụ cho giảng viên dạy học cũng như các học tăng theo học. Thời gian tổ chức lưu động này được tổ chức ở các chùa tiêu biểu như Long Hòa ở Tiểu Cần, Thiên Phước ở Trà Ôn, Viên Giác ở Bến Tre. Sau đó, Hòa thượng Khánh Hòa lại cùng với Ngài Huệ Quang, Khánh Anh và Phước Hải hợp tác với một số cư sĩ thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật Học để làm phương tiện cho Phật học đường. Ngay sau khi lập hội, Phật học đường Lưỡng Xuyên được khai giảng (1934). Những vị Tăng tài bước ra từ ngồi trường này có thể kể đến như Ngài Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hành Trụ, Hiển Thụy…Tuy nhiên, ngôi trường này vẫn không thể duy trì lâu vì vấn đề tài chính, một số học tăng được gửi ra học tại trường Sơn Môn Phật Học Huế. Có thể thấy rằng, việc đào tạo Tăng tài ở miền Nam dù đã rất cố gắng nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên kết quả đạt được không được như mục tiêu đặt ra như ban đầu. Nguyên nhân dẫn đến kết quả như vậy xuất phát từ ban lãnh đạo, giữa các vị ấy không có sự thống nhất trong đường lối thực hiện, chương trình đào tạo chưa thực sự phát triển, về mặt đội ngũ giảng sư của miền Nam cũng không đông đảo như hai miền còn lại, đặc biệt là miền Trung. Một nguyên nhân nữa đó là việc các Phật học đường tại miền Bắc không nhận được sự ủng hộ của nhân dân, chính vì vậy nguồn lực tài chính gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển trong việc đào tạo Tăng tài của các trường.

Tại Trung Kỳ, công tác giáo dục cũng như đào tạo Tăng tài có bước phát triển rõ rệt hơn so với Nam Kỳ và Bắc Kỳ. Trong công cuộc phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung kỳ của Hội An Nam Phật Học, công tác giáo dục, đào tạo Tăng tài là một trong những công tác thành công nhất. An Nam Phật Học Hội là Hội tiên phong trong việc thành lập trường Phật học vào năm 1934 theo hướng hiện đại Pháp – Việt, từ cách thức chọn Thầy, tuyển trò, cấp học, chương trình học, phương pháp giảng dạy và học tập, kiểm tra đánh giá cùng cơ sở vật chất. Ngoài ra, nhờ vào đội ngũ giảng viên xuất sắc, với những vị cao tăng có kiến thức rộng về Phật pháp, tinh thông nội điển, có đạo hạnh tốt, kết hợp với các nhà Nho học, nhân sĩ trí thức của Tây học như cụ Tâm Minh Lê Đình Thám đã thu hút các học tăng đến từ hai vùng Nam Bắc, thêm vào đó là việc gửi học tăng đi du học đã tạo nên những bước đệm thành công trong công tác giáo dục, đào tạo Tăng tài của Hội. Với những gì đã đạt được của trường Phật học, Hội An Nam xứng đáng là hình mẫu để cho các Hội khác học hỏi trong việc mở trường, đào tạo Tăng tài. Bên cạnh đó, An Nam Phật Học Hội đã cho ra đời nhiều vị tăng xuất chúng, đủ sức để kế thừa và phát triển sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, mô hình đào tạo Tăng tài của Hội An Nam thu hút được các Tăng sĩ từ trong Nam ra, từ ngoài Bắc vào, giao lưu học hỏi giáo lý và kinh nghiệm như Thiện Hòa, Thiện Hoa, Tố Liên…Từ những đóng góp to lớn này, chúng ta có thể khẳng định rằng trường Phật học của An Nam Phật Học Hội là nền tảng cho sự phát triển sau này của các trường Phật học, ngoài ra đã tạo tiếng vang lớn cho hoạt động đào tạo Tăng tài trong công cuộc chấn hưng Phật giáo.

Kế thừa mô hình của Hội An Nam, Hội Phật giáo Bắc Kỳ ban đầu cũng đã tổ chức được hai lớp tiểu học cho tăng, ni, một lớp trung học được khai giảng tại chùa Quán Sứ và một lớp đại học ở chùa Sở (Hà Đông). Nhờ có sự phát triển trước của trường Phật học ở miền Trung các vị đứng đầu Hội Phật Học Bắc Kỳ tận dụng để học hỏi và nhờ vào sự am tường có sẵn về Phật pháp mà hệ thống trường Phật học ở Bắc kỳ sớm được thành lập và hoạt động có quy củ và rất bài bản. Tuy bước đầu còn nhiều khó khăn và hạn chế nhưng bằng sự nỗ lực trường vẫn duy trì rất ổn định. Về chương trình học, ngoài học các chương trình nội điển thì ở trường còn chú trọng tới triết học phương Đông và phương Tây, các thư tịch Nho giáo. Có thể thấy rằng Hội Phật Giáo Bắc kỳ đã học hỏi rất nhiều từ Hội An Nam Phật Học trong chương trình đào tạo học tăng trong các trường Phật học ở miền Bắc, nhờ vậy việc học rất ổn định và đạt được nhiều thành tựu.

Như vậy, có thể thấy hoạt động đào tạo Tăng tài ở miền Trung so với miền Nam và miền Bắc phát triển và thành công nhất. Vừa là Hội tiên phong trong công cuộc đào tạo Tăng tài vừa là hình mẫu cho việc mở các trường Phật học về sau. Chính vì điều này Hội An Nam Phật Học xứng đáng “là Hội đã tạo nên tiếng vang lớn nhất cho phong trào Chấn Hưng Phật Học.”

Cả ba Hội ở ba miền đã có nhiều sự đóng góp cho Phật giáo trong giai đoạn Phật giáo cần sự chung tay để vượt qua những thử thách khó khăn nhất. Nhiều bậc cao tăng trí tuệ đã nhờ vào sự đào tạo qua các trường lớp tại ba miền đã dấn thân hoằng pháp, tạo nên những thành tựu to lớn và tạo dấu ấn rất riêng biệt cho Phật giáo. Vấn đề này theo tác giả Nguyễn Lang nhận định rằng: “So với số lượng tăng sĩ thất học lớn lao trong xứ, số tăng sĩ được đào tạo trong ba miền không thấm thía vào đâu. Số lượng tăng, ni được trực tiếp đào tạo không vượt quá số năm trăm vị, trong số đó chỉ có khoảng một phần mười được gọi là xuất sắc. Tuy vậy trong khoảng 1945-1975, thiểu số này đã tạo nên được sóng gió trong sinh hoạt văn hóa và chính trị quốc gia.”

5. Kết luận

Qua những thành tựu mà các Hội Phật Học đạt được, có thể nói rằng việc đào tạo Tăng tài trong phong trào chấn hưng Phật giáo đã đem lại nhiều bài học cũng như hướng đi cho những tu sĩ trẻ thế hệ hiện nay. Việc cần thiết nhất của một tu sĩ đương thời đó là trang bị cho mình những kiến thức Phật học cần thiết, bên cạnh đó việc tu tập giới đức là một việc hết sức quan trọng trong đời sống sinh hoạt tăng đoàn. Một đội ngũ Tăng già hưng thịnh thì chứng tỏ Tăng đoàn của tập thể ấy luôn sống trong giới luật, không buông lung, luôn đặt sự phát triển của tôn giáo mình lên hàng đầu.

Chúng ta thấy rằng, vào những năm của nửa đầu thế kỷ XX, khi đất nước còn nhiều khó khăn, Phật giáo cũng bị hạn chế, không nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ giới cầm quyền nhưng các vị Hòa thượng, cao tăng, những cư sĩ thâm tín đạo Phật luôn trăn trở về sự đi lên của Phật giáo. Điều này thể hiện rõ ràng vào tâm huyết thành lập các Hội Phật học, cho đến chấn chỉnh Tăng già của từng Hội, tất cả đều vì một mục đích chung là đưa Phật giáo sánh vai với các tôn giáo khác, hoằng truyền giáo lý của đức Phật vào sâu hơn trong quần chúng nhân dân. Từ những điều lớn lao trong việc đào tạo Tăng tài như chọn thầy, tuyển trò, thực hiện chương trình đào tạo cho đến những công việc nhỏ như lo nơi ăn chốn ở cho các học tăng đều được các bậc Tôn túc quan tâm tận tình. Chính vì vậy, thời kỳ ấy nhiều học tăng đạt được thành tựu trong học tập, có nhiều vị còn đi du học để mở rộng kiến thức đó là điều rất đáng được trân trọng và phát huy.

Chúng ta của hiện tại là những hàng hậu học, cách xa thời kỳ khó khăn của những phong trào chấn hưng Phật giáo, mặc dầu chỉ được biết qua sách vở nhưng phần nào cũng cảm nhận được những khó khăn mà những bậc tiền bối đã trải qua, để có ngày hôm nay các Ngài đã đánh đổi cả sức trẻ, trí tuệ, những việc mà tưởng chừng không thể thực hiện được nhưng các Ngài đều không từ bỏ chỉ mong rằng Phật giáo tồn tại và ngày càng hưng thịnh.

Chúng ta biết được như vậy, phải luôn không ngừng nỗ lực trau dồi phẩm hạnh và tri thức để không chỉ là một người tu sĩ trên hình thức mà còn là những bông hoa góp chút hương thơm cho vườn hoa Phật giáo luôn ngát hương giữa đời.

Mỗi ngày tỉnh dậy, tự thân mình phải luôn lấy giáo lý vi diệu của đức Thế Tôn làm chí hướng tiến tu cho bản thân, luôn sống trong tỉnh giác, hạ thủ công phu, có như vậy mới không uổng phí sự giáo dưỡng của các bậc tiền bối.

Phật giáo có làm tròn bổn phận hộ quốc an dân hay không chính là nhờ cậy vào tầng lớn tăng, ni trẻ thời nay, tất cả phải lấy sự tu học làm kim chỉ nam để hướng thượng, hướng thiện đưa Phật giáo hoằng truyền khắp mọi nơi, giúp tất cả người con Phật tiến xa hơn trên con đường tìm về chân - thiện - mỹ.

Tác giả: Thích nữ Hạnh Huệ

***

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kỷ yếu Hội thảo “Hòa thượng Khánh Hòa với Phong tào chấn hưng Phật giáo Việt Nam”. Truy cập ngày 10/04/2022

2. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận (2012), Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.

3. Nguyễn Quốc Tuấn, Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam (2018), Nxb Hồng Đức.

4. Thích Thiện Minh (1956), Lời giới thiệu thành tích Phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang, Phật học đường Tổng hội phát hành.

5. http://chuaxaloi.vn/tu-lieu-lich-su/hoa-thuong-khanh-hoa-voi-phong-trao-chan-hung-phat-giao-viet-nam/59.html

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/hoat-dong-dao-tao-tang-tai-trong-phong-trao-chan-hung-phat-giao-viet-nam-giai-doan-nua-dau-the-ky-xx.html