Hoạt động hàng không Trung Quốc góp phần tăng nhu cầu dầu thô toàn cầu
Sau khi giảm 31,3% trong năm 2022, nhu cầu nhiên liệu dành cho máy bay của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 68,7%, đạt 857.000 thùng/ngày trong năm 2023 khi lưu lượng chuyến bay gia tăng đáng kể.
Tạp chí La Tribune cho biết lĩnh vực vận tải hàng không của Trung Quốc đang hồi phục mạnh mẽ, theo đúng xu hướng toàn cầu được bắt đầu từ năm 2022, khiến nhu cầu về dầu hỏa của nước này tăng vọt 68,7% trong năm 2023.
Đây cũng là một phần nguyên nhân làm cho nhu cầu dầu mỏ của thế giới tăng lên mức chưa từng có.
Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu được đánh giá sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay, với ước tính ở mức 102 triệu thùng/ngày, trong đó dầu hỏa là yếu tố đóng góp chính cho sự gia tăng này.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong số 2,2 triệu thùng dầu thô bổ sung vào tổng lượng dầu được tiêu thụ mỗi ngày trong năm 2023 so với năm 2022, 57% (1,17 triệu thùng/ngày) sẽ ở dạng nhiên liệu dành cho máy bay (dầu hỏa-kerosene).
Năm 2022, dầu hỏa đã là yếu tố chính làm gia tăng nhu cầu dầu thô toàn cầu (+ 19%), sau khi kinh tế toàn cầu và hoạt động vận tải hàng không dần phục hồi.
Tuy nhiên theo IEA, khối lượng tiêu thụ của năm này chỉ bằng 77% so với năm 2019. Năm 2023, tổng lượng tiêu thụ toàn cầu dự kiến sẽ lên mức 92% so với mức trước đại dịch COVID-19.
Lý do giải thích cho cơn khát này “có thể được tìm thấy trên bầu trời Trung Quốc,” nơi các chuyến bay bắt đầu trở nên nhộn nhịp hơn hẳn kể từ đầu năm, sau khi chính quyền nước này đột ngột quyết định chấm dứt các biện pháp cách ly, phong tỏa trong khuôn khổ chính sách "Zero-COVID” từ tháng 11/2022.
Được tự do như thời điểm trước đại dịch, nhiều người Trung Quốc bắt đầu đi du lịch trở lại như để bù cho những tháng bị phong tỏa nghiêm ngặt.
Đỉnh điểm là vào dịp Tết Nguyên đán (7 tháng Giêng đến 15 tháng Hai), cả nước Trung Quốc bước vào thời điểm “xuân vận” để đoàn tụ gia đình. Gần 1,6 tỷ chuyến đi (đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không) đã được ghi nhận trong thời gian diễn ra lễ tết.
Riêng lĩnh vực hàng không tại Trung Quốc, lưu lượng đã nhanh chóng trở lại mức trước đại dịch. Các chuyến bay nội địa hàng ngày đã tăng trung bình từ 4.000 vào đầu tháng 12/2022 lên 13.000 vào tháng 2/2023, một con số cao hơn nhiều so với mức 10.000 chuyến của năm 2019.
Một sự khác biệt được phản ánh trong việc tiêu thụ nhiên liệu dành cho máy bay. Sau khi giảm 31,3% trong năm 2022, nhu cầu về loại chất đốt này của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 68,7%, đạt 857.000 thùng/ngày trong năm 2023, trong khi nhu cầu dầu thô của nước này tăng 6,4%.
Theo số liệu của FlightRadar24, sự “cất cánh” này của Trung Quốc đã góp phần đáng kể vào hoạt động vận tải hàng không trên bầu trời toàn cầu, nơi ghi nhận số chuyến bay tăng từ mức trung bình 99.800 chuyến bay/ngày lên 107.600 chuyến trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022-2/2023.
Tuy nhiên, hoạt động hàng không dân dụng không chỉ tăng mạnh ở Trung Quốc, mà còn được thấy rõ trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương nếu biết rằng tổng cộng khu vực đã chiếm 60% mức tăng nhu cầu dầu hỏa trên thế giới.
Ole Hanssen, người đứng đầu mảng chiến lược nguyên liệu của ngân hàng Saxo (Đan Mạch), đã khẳng định rằng xét về “nhu cầu dầu mỏ, thế giới đang chứng kiến khoảng cách ngày càng lớn giữa các nước phương Tây và châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia đang tiếp tục phục hồi sau thời gian phong tỏa kéo dài.”
Tuy nhiên, có thể có một hiệu ứng sau đại dịch. IEA lưu ý rằng số lượng chuyến bay hiện nay không phản ánh mối tương quan tương tự với nhu cầu nhiên liệu máy bay trong năm 2019 vì hai lý do.
Đầu tiên nằm ở sự sụt giảm số lượng các chuyến bay đường dài trên phạm vi quốc tế và thứ hai là hiệu quả năng lượng của các mẫu máy bay mới sẽ tiêu thụ nhiên liệu ít hơn từ 20% đến 40% so với các mẫu trước đó.
Cuối cùng, ngay cả khi lưu lượng giao thông thế giới cuối quý 2/2023 có trở lại mức từng có trong năm 2019, nhu cầu về dầu hỏa - ước tính khoảng 7,5 triệu thùng/ngày trong quý cuối cùng của năm 2023 như ước tính của IEA - cũng sẽ chỉ chiếm 94% so với cùng kỳ năm 2019./.