Hoạt động hòa giải gắn với vai trò của trưởng ban nhân dân khóm, ấp

Hòa giải cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản ở cộng đồng. Hoạt động hòa giải ở cơ sở góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm, vận động nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, củng cố tình làng, nghĩa xóm, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, từ đó an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực đến nay, hàng năm, Phòng Tư pháp TX. Vĩnh Châu thường xuyên tham mưu cho UBND thị xã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho lực lượng làm công tác hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn TX. Vĩnh Châu có 97 tổ hòa giải với 472 thành viên, trong đó có 367 nam, 105 nữ.

Đồng chí Hồ Thanh Tùng - Trưởng Phòng Tư pháp TX. Vĩnh Châu báo cáo chuyên đề phát huy vai trò của trưởng ban nhân dân khóm, ấp trong công tác hòa giải ở cơ sở. Ảnh: K.N

Đồng chí Hồ Thanh Tùng - Trưởng Phòng Tư pháp TX. Vĩnh Châu báo cáo chuyên đề phát huy vai trò của trưởng ban nhân dân khóm, ấp trong công tác hòa giải ở cơ sở. Ảnh: K.N

Từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn TX. Vĩnh Châu tiếp nhận trên 200 vụ, tất cả các vụ việc được đưa ra hòa giải, hòa giải thành 146 vụ, đạt tỷ lệ 70,53%. Để có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong quan tâm xây dựng, củng cố tổ hòa giải, tạo điều kiện cho các thành viên trong tổ hòa giải được nâng cao kiến thức, kỹ năng hòa giải; sự quan tâm của Sở Tư pháp hướng dẫn, cung cấp tài liệu, tổ chức tập huấn thường xuyên cho các lực lượng làm công tác hòa giải ở cơ sở; nhiệt huyết của các thành viên trong các tổ hòa giải, đặc biệt là trưởng ban nhân dân các khóm, ấp trên địa bàn thị xã đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Theo Thông tư số 14/2018/TT-BNV, ngày 3-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì trưởng ban nhân dân khóm, ấp là người được nhân dân tại địa phương bầu và có trách nhiệm, như: triệu tập và chủ trì hội nghị khóm, ấp; tổ chức thực hiện những công việc thuộc phạm vi khóm, ấp đã được nhân dân bàn và quyết định; đảm bảo các nội dung hoạt động của khóm, ấp theo quy định của pháp luật; vận động tổ chức nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở và hương ước, quy ước của khóm, ấp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tập hợp phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong khóm, ấp. Báo cáo kịp thời với UBND cấp xã về những hành vi vi phạm pháp luật trong khóm, ấp. Với những nhiệm vụ được pháp luật quy định, cho thấy trưởng ban nhân dân khóm, ấp là người có uy tín tại địa phương, được chính quyền và nhân dân địa phương tín nhiệm, bầu và giao thực hiện nhiệm vụ.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Dũng - Bí thư, Trưởng Ban nhân dân ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp (TX. Vĩnh Châu), người có nhiều năm tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở chia sẻ: “Tôi thấy rằng hòa giải ở cơ sở là biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân trong thời gian qua ở ấp Kinh Mới. Qua đó, góp phần tích cực trong việc hàn gắn, giữ gìn tình làng nghĩa xóm; không có tình trạng khiếu nại vượt cấp, kéo dài. Hàng năm, tổ hòa giải ấp tiếp nhận rất ít vụ việc phản ánh trong dân và được đưa ra hòa giải theo quy định của pháp luật”.

Để đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở gắn với phát huy vai trò của trưởng ban nhân dân khóm, ấp, Phòng Tư pháp TX. Vĩnh Châu đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Theo đó, trưởng ban nhân dân khóm, ấp phải tham gia đầy đủ các buổi hòa giải tranh chấp tại địa phương, vì trưởng ban là người có uy tín, được nhân dân tại địa phương tín nhiệm nên khi tham gia hòa giải, trưởng ban sẽ dễ dàng thuyết phục được các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận. Khi cơ cấu trưởng ban nhân dân khóm, ấp kiêm tổ trưởng tổ hòa giải thì buộc các trưởng ban tham gia đầy đủ các buổi hòa giải tranh chấp ở cơ sở; đồng thời trưởng ban cũng sẽ tự giác nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác hòa giải ở địa phương. Ngoài ra, TX. Vĩnh Châu còn đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho trưởng ban nhân dân khóm, ấp. Trong công tác hòa giải, ngoài uy tín bản thân, thì trưởng ban nhân dân khóm, ấp cũng cần phải có kỹ năng hòa giải, phải nắm vững các quy định của pháp luật đối với vụ việc cần hòa giải để hướng các bên tranh chấp đi đến thỏa thuận hợp tình, hợp lý.

Đồng chí Hồ Thanh Tùng - Trưởng Phòng Tư pháp TX. Vĩnh Châu cho biết: “Đối với TX. Vĩnh Châu hiện đang thực hiện mô hình trưởng ban nhân dân kiêm tổ trưởng tổ hòa giải tại một số tổ hòa giải trên địa bàn và đã đạt được kết quả khả quan. Hiện tại, trên địa bàn TX. Vĩnh Châu có 83 người là trưởng ban nhân dân kiêm tổ trưởng tổ hòa giải. Ngoài ra, việc thực hiện mô hình trưởng ban kiêm tổ trưởng tổ hòa giải còn giúp tinh gọn bộ máy, tổ chức hoạt động của ban nhân dân tại các địa phương. Công tác hòa giải trên địa bàn TX. Vĩnh Châu có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực rất lớn của các tổ hòa giải và có vai trò hết sức quan trọng của trưởng ban nhân dân khóm, ấp. Trong thời gian tới, TX. Vĩnh Châu tiếp tục phát huy vai trò của trưởng ban nhân khóm, ấp trong công tác hòa giải ở cơ sở, để công tác này đạt được nhiều kết quả khả quan hơn nữa”.

T.H

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/hoat-dong-hoa-giai-gan-voi-vai-tro-cua-truong-ban-nhan-dan-khom-ap-41338.html