Hoạt động karaoke có biểu hiện 'lách luật'
Thời gian qua, công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke luôn được TP Hà Nội chú trọng; nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke bị cho dừng hoạt động vì không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.
Tuy nhiên, một số cơ sở lại chuyển sang hình thức “hát cho nhau nghe”, kinh doanh ăn uống kết hợp biểu diễn nghệ thuật không bán vé... Việc này đòi hỏi có sự thống nhất về quản lý.
Xử phạt cơ sở kinh doanh cố tình vi phạm
Thời gian qua, karaoke là loại hình kinh doanh được nhiều người dân quan tâm trên địa bàn Hà Nội. Trong bối cảnh kiểm soát chặt dịch vụ karaoke, rất nhiều hình thức biến tướng của karaoke xuất hiện như “hát cho nhau nghe”, hát tại các quán ăn, các câu lạc bộ, quán bar, vũ trường, quán rượu, các hình thức hát loa kéo ở nhà hàng.
Theo thông tin tại tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Sở VH&TT Hà Nội với 30 quận, huyện, thị xã về Quyết định phân cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn TP Hà Nội vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, huyện Thạch Thất có 23 xã, thị trấn với nhiều cơ quan, DN, khu công nghệ cao. Do nhu cầu sinh hoạt giải trí rất lớn, dịch vụ kinh doanh văn hóa ngày càng phát triển. Theo thống kê đến cuối tháng 2/2024, trên địa bàn huyện có 132 cơ sở kinh doanh karaoke và dịch vụ hát cho nhau nghe, trong đó có 21 cơ sở kinh doanh karaoke và 111 cơ sở kinh doanh dịch vụ “hát cho nhau nghe”.
Đặc thù của hoạt động kinh doanh karaoke ở khu vực nông thôn là tỷ lệ hộ gia đình tự kinh doanh chiếm trên 90%. Mỗi cơ sở kinh doanh thường có 2 - 3 phòng hát. Trên địa bàn huyện không có loại hình kinh doanh vũ trường, quán bar, không có nhà hàng biểu diễn nghệ thuật sử dụng nhạc mạnh.
Qua kết quả kiểm tra hiện nay, 24 cơ sở kinh doanh karaoke và dịch vụ hát cho nhau nghe có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; toàn bộ cơ sở kinh doanh karaoke và dịch vụ "hát cho nhau nghe" không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, đang tạm đình chỉ kinh doanh. Đối với các cơ sở kinh doanh không đủ điểu kiện, huyện đều có biên bản, quyết định tạm đình chỉ, các cơ sở cố tình hoạt động đều có quyết định xử phạt.
Trên địa bàn huyện Thạch Thất hiện nay có rất nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ "hát cho nhau nghe", đây là một hình thức “lách luật” của các cơ sở kinh doanh karaoke nhằm tránh sự quản lý của các cơ quan nhà nước cấp huyện, gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý cho các cơ quản chức năng.
Do đó, huyện đề nghị Sở VH&TT mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về công tác quản lý 2 loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke và "hát cho nhau nghe"; đề nghị các sở, ngành tham mưu UBND TP ban hành quy chế quản lý, chế tài xử lý đối với các cơ sở kinh doanh karaoke dưới hình thức dịch vụ "hát cho nhau nghe" nhằm bảo đảm hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa của các tổ chức, cá nhân tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của Nhân dân.
Tại quận Hoàn Kiếm, trong một tháng triển khai Quyết định 14 nhưng quận chưa tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức xin cấp phép về kinh doanh karaoke. Thực tế, diện tích nhà đất để làm cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quận đều nhỏ hẹp, vì vậy, để đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn điều kiện bảo đảm có 2 cầu thang thoát hiểm.
Hiện nay, toàn bộ 16 cơ sở kinh doanh karaoke ở quận Hoàn Kiếm đã dừng hoạt động, trả mặt bằng không kinh doanh hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh sang nhà hàng, trong đó 1 cơ sở thực hiện quyết định tạm dừng kinh doanh do không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy. Trên thực tế, 12 cơ sở trả giấy phép kinh doanh karaoke chuyển đổi mục đích kinh doanh sang nhà hàng nhưng vẫn cho khách vừa ăn vừa hát, gây khó khăn trong công tác quản lý và xử lý vi phạm.
Tháo gỡ khó khăn
Để thống nhất trong công tác quản lý, tại hội nghị vừa qua, các quận, huyện đề nghị Sở VH&TT phối hợp với các đơn vị liên quan có hướng dẫn cụ thể trong việc kiểm tra, xử lý cơ sở karaoke trá hình chuyển sang loại hình kinh doanh nhà hàng, quán cà phê…
Theo lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội, Quyết định số 14/2024/QĐ-UBND ngày 19/02/2024 về phân cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn TP Hà Nội được ban hành là sự chỉ đạo kỹ lưỡng, thận trọng của TP Hà Nội, dự thảo đã được xin ý kiến các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền liên quan và 30 quận, huyện, thị xã.
Tại Quyết định số 14/2024/QĐ-UBND đã quy định rất rõ vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã. Sở VH&TT đề nghị các quận, huyện, thị xã rà soát lại danh sách cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn, có thể công khai các hộ kinh doanh đủ điều kiện trên hệ thống Cổng Thông tin điện tử của quận, huyện, các nền tảng quản lý, xuống thôn, xóm, tổ dân phố… Các cơ sở kinh doanh karaoke phải tuyệt đối bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Đối với dịch vụ kinh doanh “hát cho nhau nghe”, Sở VH&TT giao cho Phòng Quản lý nghệ thuật phối hợp với phòng Quản lý văn hóa sẽ có hướng dẫn gửi xuống các quận, huyện, thị xã; tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp giải đáp thắc mắc về vấn đề này.
Tháng 3/2024, tại cuộc họp nghe báo cáo rà soát dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường có tính chất nhạy cảm, cần quản lý chặt chẽ, do đây là địa điểm tập trung đông người, hầu hết là người trẻ, có sử dụng đồ uống, tiềm ẩn nguy cơ sử dụng ma túy, chất gây nghiện, phát sinh tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn… cũng như các nội dung về văn hóa, thuần phong, mỹ tục.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng cho biết, việc cấp phép hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường phải theo quy hoạch, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự; phòng, chống cháy nổ; không gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu dân cư... Những cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đã được cấp phép phải khắc phục triệt để, tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn, kỹ thuật phòng, chống cháy nổ.
Hoạt động kinh doanh karaoke không đơn thuần chỉ là một dịch vụ giải trí, mà hoạt động này còn nhiều ý nghĩa hơn thế trong việc giải quyết công ăn việc làm, đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi hoạt động kinh doanh karaoke tạm dừng, chúng ta đã thấy khá nhiều hệ lụy khác diễn ra, từ việc kinh doanh "chui" đến việc gây ô nhiễm tiếng ồn ở các khu dân cư, dẫn đến những mâu thuẫn không cần thiết ở cộng đồng, chưa kể là những khó khăn mà người kinh doanh gặp phải. Vì vậy, việc chấn chỉnh và sớm đưa dịch vụ karaoke vào hoạt động trở thành yêu cầu cần thiết.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoat-dong-karaoke-co-bieu-hien-lach-luat.html