Hoạt động khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Những năm qua, ngành Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tỉnh đã tích cực hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ mới, thiết bị mới, tạo ra sản phẩm mới; nâng cao năng suất, chất lượng... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Những năm qua, ngành Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tỉnh đã tích cực hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ mới, thiết bị mới, tạo ra sản phẩm mới; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh; thúc đẩy sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua đó góp phần phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Với 2 sản phẩm “Chả cá Hùng Vương” và “Tép moi sấy khô” được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019, Cty TNHH MTV Hải sản Hùng Vương, xã Giao Nhân (Giao Thủy) đã đầu tư phương tiện, máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất, chế biến các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng và xuất khẩu. Năm 2019, được sự hỗ trợ của Sở KH và CN, Cty đã đầu tư dây chuyền sấy tép moi trị giá gần 8 tỷ đồng theo công nghệ của Hồng Kông với hệ thống hoàn toàn tự động khép kín quá trình chế biến từ nguyên liệu đến ra thành phẩm, giảm tối đa nhân công so với sản xuất thủ công trước đây; công suất sấy tối đa lên tới 5 tấn sản phẩm/ngày. Ngoài 2 sản phẩm chính là chả cá và tép moi, Cty còn sản xuất các sản phẩm khác như: chả mực, tôm nõn khô, tôm nõn hấp, cá tẩm gia vị, nõn bề bề… Ông Nguyễn Hùng Vương, Giám đốc Cty cho biết: Quy trình sản xuất của các sản phẩm được Cty tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định về tiêu chuẩn chế biến sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản nằm ngoài danh mục tiêu chuẩn do Bộ Y tế quy định. Nhờ đó, từ năm 2014, từ sản phẩm chả cá Hùng Vương đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận “Thương hiệu vàng thực phẩm Việt Nam”. Hiện tất cả những sản phẩm chính của Cty đều được UBND huyện Giao Thủy lựa chọn đăng ký tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm có chất lượng, an toàn thực phẩm đến người tiêu dùng, góp phần xây dựng thương hiệu, khẳng định uy tín của các sản phẩm thế mạnh tại địa phương.
Sản phẩm “nước mắm nguyên chất - gia truyền Lạch Giang” của cơ sở sản xuất nước mắm Lạch Giang, xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) được sản xuất theo phương thức truyền thống cũng được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019. Để sản xuất ra nước mắm nguyên chất ngon, cơ sở đã tuân thủ đúng quy trình sản xuất tỉ mỉ từ khâu chọn, chuẩn bị nguyên liệu, quá trình lên men, ủ chượp đến cho ra thành phẩm là nước mắm cốt có màu sắc hấp dẫn, hương vị đậm đà. Với quá trình ngâm ủ từ 18-24 tháng và được áp dụng hệ thống lọc nước theo công nghệ RO (thẩm thấu ngược) thay cho sử dụng ống tre truyền thống trong quá trình rút nước mắm để loại bỏ cặn và vi khuẩn nên sản phẩm nước mắm sạch hơn, trong hơn; thời gian rút nước mắm cũng nhanh hơn nên nước mắm Lạch Giang có hương vị thơm hơn, đậm đà hơn. Sản phẩm nước mắm nguyên chất - truyền thống Lạch Giang hiện đã được cấp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN). Đến nay, sản phẩm được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là thị trường Hà Nội, được người tiêu dùng hài lòng về chất lượng, mẫu mã, dịch vụ và giá cả. Năm 2019, sản lượng tiêu thụ nước mắm Lạch Giang đạt gần 17 nghìn lít.
Những năm qua, Sở KH và CN đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương tích cực tuyên truyền về chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH và CN vào sản xuất và đời sống, khai thác có hiệu quả lợi thế của từng vùng, địa phương. Sở KH và CN còn tranh thủ các nguồn vốn từ các dự án đầu tư công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ cho hàng hóa chủ lực địa phương ở các chương trình hỗ trợ cấp quốc gia; trong đó ưu tiên lựa chọn đầu tư đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh”, Sở KH và CN đã hỗ trợ 41 đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO; 7 đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng VietGAP; 15 đơn vị áp dụng công cụ quản lý LEAN, Kaizen, 5S. Trong năm 2019, Sở KH và CN đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ 120 nhãn hiệu, 2 kiểu dáng công nghiệp, 1 sáng chế cho các tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương; hỗ trợ tài chính cho hơn 50 tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa theo Nghị quyết 42/2017-HĐND của HĐND tỉnh. Với sự hỗ trợ của ngành KH và CN, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, chủ động áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng mới vào sản xuất giúp sản phẩm công nghiệp nông thôn tăng tính cạnh tranh, tăng giá trị, chú trọng hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2019, đã có 22 sản phẩm của 20 doanh nghiệp ở các địa phương trong tỉnh được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Tiêu biểu như sản phẩm “Bồn trộn bê tông thương phẩm 2m3” của Cty TNHH Cơ khí Quyết Tiến, xã Giao Tiến (Giao Thủy) chế tạo trên dây chuyền sản xuất máy xây dựng nhập từ các quốc gia hàng đầu về cơ khí như Mỹ, Nhật Bản; sản phẩm “tấm ốp tường vân gỗ” của Cty TNHH Nội thất Japan Bình Minh, xã Hải Tây (Hải Hậu) sản xuất từ dây chuyền sản xuất tấm nhựa ốp tường công nghệ cao; sản phẩm “Tỏi đen Khang Linh” của Cty TNHH Thái Thịnh, xã Hải Xuân (Hải Hậu) được tạo ra từ tủ sấy theo công nghệ bức xạ đèn hồng ngoại… Hiện Sở KH và CN phối hợp với các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu các sản phẩm đã đạt quy chuẩn về quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp, quy chuẩn về chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường... ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Thời gian tới, Sở KH và CN phối hợp với các sở, ngành và các địa phương tiếp tục triển khai, đưa các thành tựu KH và CN mới, kết quả nghiên cứu có triển vọng ứng dụng vào sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các sản phẩm chủ lực của tỉnh nói riêng và các sản phẩm khác nói chung. Đẩy mạnh việc hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm thế mạnh đặc trưng trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao vị thế, giá trị của sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh