Hoạt động khoa học và công nghệ chuyển biến tích cực

Hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) cấp huyện thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.

Giai đoạn 2016-2020, Sở KH-CN đã phối hợp với các đơn vị có liên quan quản lý, hỗ trợ triển khai 100 dự án KH-CN cấp huyện với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở tham mưu giúp UBND tỉnh phối hợp với Bộ KH-CN triển khai 9 dự án thuộc Chương trình nông thôn-miền núi tại các huyện, thị xã, thành phố với tổng kinh phí hơn 62 tỷ đồng. Từ đó, nhiều mô hình ứng dụng KH-CN tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân ổn định cuộc sống, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mô hình trồng rau thủy canh ở thị xã An Khê. Ảnh: N.T

Mô hình trồng rau thủy canh ở thị xã An Khê. Ảnh: N.T

Thời gian qua, Sở KH-CN đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ 4; công bố hợp quy theo tiêu chuẩn quốc gia và nghiệp vụ quản lý thiết bị đo lường… cho gần 3.000 chủ doanh nghiệp trên địa bàn. Để góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính thông qua các chương trình, dự án KH-CN, cán bộ, công chức thuộc UBND huyện và các xã, thị trấn cũng được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008. Các địa phương đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn bức xạ; hướng dẫn, định hướng cho các đơn vị trong việc xác định nhiệm vụ và lựa chọn các nhiệm vụ KH-CN.

An Khê là địa phương tiêu biểu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội và sản xuất. Nổi bật là dự án “Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Rau An Khê” do UBND thị xã An Khê làm chủ dự án. Cuối năm 2019, Sở KH-CN đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức lễ công bố và trao văn bằng bảo hộ sản phẩm rau cho thị xã An Khê. Ông Phan Ngọc Thành-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê-cho biết: “Trung tâm được UBND thị xã giao chủ trì thực hiện và triển khai dự án xây dựng nhãn hiệu Rau An Khê. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, với sự hỗ trợ của Sở KH-CN, nhãn hiệu chứng nhận Rau An Khê-Gia Lai được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, qua đó tạo thêm động lực để nông dân yên tâm sản xuất, người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển nhãn hiệu, xây dựng hoàn chỉnh phương án thương mại hóa và các kênh tiêu thụ cho rau An Khê-Gia Lai”.

Buổi lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận Rau An Khê-Gia Lai. Ảnh: N.T

Buổi lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận Rau An Khê-Gia Lai. Ảnh: N.T

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động KH-CN cấp huyện vẫn còn những khó khăn như: đội ngũ cán bộ chuyên trách phụ trách công tác KH-CN còn thiếu và không ổn định; công tác quản lý nhà nước về KH-CN ở một số địa phương chưa chủ động. Việc lập kế hoạch hoạt động KH-CN đã được thực hiện nhưng việc triển khai các kế hoạch này còn nhiều bất cập; nguồn kinh phí còn hạn chế…

Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở KH-CN nhấn mạnh: Thời gian tới, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần hình thành nên các tổ chức KH-CN đủ mạnh về nhân lực và cơ sở vật chất để làm chủ các công nghệ lõi trong lĩnh vực sản xuất giống cây nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Tích cực phối hợp với các phòng, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở KH-CN để triển khai tốt các hoạt động quản lý nhà nước về KH-CN trên địa bàn, chú trọng các lĩnh vực thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng. Đối với nhiệm vụ triển khai ứng dụng tiến bộ KH-CN cần lựa chọn các nhiệm vụ mang tính cấp thiết tại cơ sở như: xây dựng các mô hình sản xuất phục vụ chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 và hướng đến tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015; xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực đặc sản địa phương; ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, truy xuất nguồn gốc.

“Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các chương trình, dự án KH-CN của Trung ương và của tỉnh về đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sở hữu trí tuệ, Chương trình nông thôn-miền núi; tăng cường cử công chức tham gia đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý KH-CN cấp huyện theo các chương trình do Bộ KH-CN, Sở KH-CN triển khai”-Giám đốc Sở KH-CN thông tin thêm.

NGỌC THU-TẤN THẮNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/744/202004/hoat-dong-khoa-hoc-va-cong-nghe-chuyen-bien-tich-cuc-5679832/