Hoạt động khuyến nông đã làm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của người dân
Hôm nay 18/8, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông, triển khai mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự.
Ngày 28/10/1993, UBND tỉnh ra Quyết định số 1169/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Kể từ đây, công tác khuyến nông chính thức đi vào hoạt động với bộ máy từ tỉnh đến cơ sở.
Hoạt động khuyến nông đã bám sát các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm của nhà nước và địa phương để chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho nông dân. Đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và phát triển bền vững.
Thông qua hoạt động tập huấn, đào tạo cho nông dân, phổ biến kiến thức, tuyên truyền chính sách và hỗ trợ kỹ thuật theo hướng “cầm tay chỉ việc” đã làm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của người dân. Qua triển khai các mô hình, chương trình, dự án khuyến nông, nông dân Quảng Trị đã ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất và thực hiện liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm.
Hoạt động khuyến nông đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi đúng hướng, phù hợp với lợi thế từng vùng theo hướng chú trọng nâng cao hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt nhiều kết quả to lớn; đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nông dân được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
Điểm nổi bật của hoạt động khuyến nông trên lĩnh vực trồng trọt là đã lai tạo nhiều giống lúa có chất lượng cao để cung cấp cho nông dân nhằm canh tác hiệu quả, nâng cao năng suất, góp phần đưa năng suất từ 18,46 tạ/ha (năm 1990) lên 50 tạ/ ha (năm 2008) và trên 60 tạ/ha (năm 2023); đưa tổng sản lượng lương thực từ 7,65 vạn tấn (năm 1990) lên 29 vạn tấn (năm 2023).
Ở lĩnh vực chăn nuôi đã hình thành các mô hình theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như nuôi bằng chuồng kín, tự động hóa các khâu thức ăn, nước uống, tiêu độc khử trùng… Qua đó đã thay đổi tập quán sản xuất và nâng cao tỉ trọng giá trị sản xuất ngành trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp từ 25,9% (năm 2017) lên 31,68% (năm 2020).
Lĩnh vực lâm nghiệp đã nhân rộng các chương trình như thâm canh keo lai, thâm canh rừng trồng gỗ lớn; các mô hình trồng rừng trên vùng cát nội đồng ven biển phát triển mạnh, chống cát bay cát lấp và mang lại giá trị kinh tế. Qua đó, nâng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh từ 21,5% (năm 1989) lên 49,9% (năm 2022).
Lĩnh vực thủy sản đã hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản và chuyển giao cho nông dân, qua đó nâng diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn tỉnh từ 688 ha, sản lượng đạt 744,3 tấn (năm 2000) lên 3.605,1 ha, sản lượng 9.017,3 tấn (năm 2022); sản lượng khai thác đạt từ 11.999,3 tấn (năm 2000) lên 26.848,7 tấn (năm 2022).
Hội nghị đã thảo luận đề xuất 7 nhóm giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu hiện đại hóa ngành nông nghiệp, gồm: bám sát chiến lực phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2030; không ngừng cải tiến, đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông; tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đa dạng hóa phương pháp và phương tiện khuyến nông; tăng ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động khuyến nông; tranh thủ các nguồn lực, tư vấn hoạch định chiến lược; tăng cường công tác quản lý nhà nước.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: Để lĩnh vực khuyến nông hoạt động hiệu quả, đồng hành trong sự phát triển của ngành nông nghiệp, thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Nông nghiệp và PTNT cần chỉ đạo hệ thống khuyến nông tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin tuyên truyền, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Chú trọng triển khai các chương trình, dự án khuyến nông công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối thị trường trong nước và quốc tế. Duy trì các chương trình, dự án khuyến nông phục vụ nông nghiệp an sinh, xóa đói, giảm nghèo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới khó khăn.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là liên kết công tư (PPP) trong hoạt động khuyến nông, từ đó tổng kết, lấy mô hình nhân rộng mô hình.
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khuyến nông, lấy hệ thống khuyến nông chuyên trách làm nòng cốt và huy động các thành phần kinh tế tham gia hoạt động khuyến nông. Tăng cường kết nối hệ thống khuyến nông theo phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”.
Củng cố và kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở, có cơ cấu tổ chức bộ máy đồng bộ thống nhất tinh gọn, hiệu quả và bền vững. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực cho hệ thống khuyến nông các cấp, xây dựng đội ngũ khuyến nông có năng lực tốt, tâm huyết với nghề, làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, hiệu quả.
Tiếp tục quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp về chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng giao tiếp, truyền thông để các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp được thực hiện có hiệu quả từ cơ sở.
Dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 2 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 1993 - 2023; Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia tặng giấy khen cho 6 tập thể và 9 cá nhân; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tặng giấy khen cho 5 tập thể và 29 cá nhân.