Hoạt động kiểm định là động lực cải tiến, nâng cao chất lượng chương trình ĐT
Ngày 31/5, Trường ĐH Thủ đô HN tổ chức Hội thảo khoa học cấp Trường 'Kiểm định và bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia và khu vực'.
Chủ trì Hội thảo có Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Sơn - Trưởng phòng Quản lý khoa học công nghệ- Hợp tác phát triển; Tiến sĩ Lê Hồng Hạnh - Trưởng phòng Quản lý chất lượng giáo dục.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tiến sĩ Lê Hồng Hạnh cho biết, kiểm định chất lượng không chỉ là đảm bảo nhà trường có trách nhiệm đối với chất lượng đào tạo mà còn mang lại động lực cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo cũng như chất lượng toàn trường.
Kiểm định và bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia và khu vực, đáp ứng các mục tiêu như: Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của trường đại học qua đánh giá chất lượng chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo;
Tiệm cận và hội nhập với chương trình đào tạo với các trường đại học uy tín trong khu vực và trên thế giới, hội nhập quốc tế, đồng thời, đáp ứng được các yêu cầu của kiểm định chương trình đào tạo của Nhà trường và của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các cơ sở giáo dục đại học.
Triển khai thực hiện tốt công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài chất lượng chương trình đào tạo theo bộ chuẩn Quốc gia và làm tiền đề để chuẩn bị triển khai đánh giá ngoài chương trình đào tạo và chất lượng trường theo bộ chuẩn quốc tế và khu vực (AUN-QA).
Hội thảo “Kiểm định và bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia và khu vực” đề cập đến các nội dung:
Thứ nhất, về kiểm định và đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo quốc gia và quốc tế : Mô hình, quan điểm, định hướng, Hội thảo sẽ được nghe các báo cáo về những quan điểm định hướng trong hoạt động đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo quốc tế AUN-QA về mô hình, tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể của Bộ chuẩn AUN với các phiên bản, điều quan trọng đảm bảo chất lượng chính là quá trình cải tiến nâng cao chất lượng với chu trình cải tiến chất lượng liên tục PDCA trong quản lý chất lượng chương trình đào tạo.
Thứ hai, về Kiểm định và đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo theo bộ chuẩn quốc gia và quốc tế. Thực trạng Kiểm định và đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo theo bộ chuẩn quốc gia và quốc tế AUN ở Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, đồng hành với việc triển khai thực hiện đề án 1215 “về Phát triển chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội theo tiêu chuẩn quốc gia và kiểm định các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA)”.
Hội thảo đã nhận được ủng hộ của của lãnh đạo Nhà trường, sự tham gia nhiệt tình của các thầy cô, chuyên gia; các nhà khoa học, giảng viên, cán bộ viên chức các đơn vị thuộc trường. Số lượng bài tham dự hội thảo đa dạng về nội dung và đều có chất lượng khá tốt.
Hội thảo sẽ nghe các chuyên gia trong và ngoài trường trình bày xoay quanh 02 chủ đề lớn:
Phần 1 là một số vấn đề về Kiểm định và đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo quốc gia và quốc tế : Mô hình, quan điểm, định hướng;
Phần 2 là kiểm định và đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo theo bộ chuẩn quốc gia và quốc tế. Thực trạng- nguyên nhân và giải pháp.
Tăng cường đầu tư cho công tác đảm bảo chất lượng
Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hùng, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ, để được công nhận chất lượng chương trình đào tạo khu vực hoặc quốc tế, các trường đại học cần đầu tư nhiều thời gian, công sức và kinh phí.
Để đăng ký kiểm định khu vực hoặc quốc tế, trước tiên, các trường cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực và vật lực (bao gồm cả nguồn lực tài chính); lựa chọn tổ chức đánh giá, kiểm định có uy tín.
Các trường có thể học hỏi kinh nghiệm từ các chương trình khác đã được kiểm định. Ngoài ra, các trường cũng có các chuyên gia tư vấn trong nước hoặc nước ngoài am hiểu về kiểm định khu vực và quốc tế hỗ trợ, tư vấn cho nhà trường trong quá trình thực hiện đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo.
Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hải (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) chia sẻ về “áp dụng chu trình cải tiến chất lượng liên tục PDCA Trong quản lý chất lượng chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học”.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hải, cải tiến chất lượng chương trình đào tạo là nhu cầu tự thân của mỗi cơ sở giáo dục đại học, trong đó, quản lý chất lượng chương trình đào tạo được tất cả cơ sở giáo dục đào tạo quan tâm thông qua việc không ngừng tìm cách cải tiến chương trình đào tạo nói chung cũng như các thành phần hay từng nội dung của chương trình đào tạo.
Chu trình cải tiến chất lượng liên tục PDCA được áp dụng trong quản lý chất lượng nói chung và có thể được áp dụng hiệu quả trong quản lý chất lượng chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. Chu trình này mang tính kiểm soát, phòng ngừa nhằm đạt được mục tiêu chất lượng chương trình đào tạo đã thiết kế và tổ chức thực hiện.
Tiến sĩ Trương Quốc Quân (Trường Đại học Thủy lợi) cho rằng, cơ sở giáo dục cần cân đối lại các nguồn lực của mình để tăng cường đầu tư cho công tác đảm bảo chất lượng nói chung và công tác khảo sát ý kiến các bên liên quan nói riêng, trong đó nhóm người học là một trong những nhóm quan trọng nhất.
Chú trọng đầu tư theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp vào hệ thống quản lý đào tạo nhằm tối ưu nhân sự, thời gian triển khai và xử lý dữ liệu, tăng tỷ lệ phản hồi. Mặt khác, các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh lại, tối ưu toàn bộ quy trình hoạt động của mình, hướng tới mục đích xử lý nhanh các vấn đề phát sinh.
Đơn vị phụ trách công tác đảm bảo chất lượng phối hợp cùng các đơn vị khác, xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng với lộ trình thực hiện phù hợp, khả thi từ các báo cáo khảo sát phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nguồn lực của Cơ sở giáo dục. Các kế hoạch này nên được công khai, đặc biệt tới nhóm người học để họ cảm thấy tiếng nói, nhu cầu, mong muốn của mình được lắng nghe, trân trọng.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, giải thích...cho các nhóm đối tượng liên quan, đặc biệt là nhóm giảng viên và nhóm người học, xây dựng trước là tâm lý chủ động, tích cực tham gia, sau là từng bước xây dựng, lan tỏa văn hóa chất lượng vào các nhóm đối tượng này.