Hoạt động kinh doanh không được phép sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ

Tình trạng vi phạm bản quyền, sử dụng tùy tiện biểu tượng Chữ thập đỏ (CTĐ) trong các hoạt động thương mại đang diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam.

Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, uy tín của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, của Hội CTĐ Việt Nam, đặc biệt làm mất đi ý nghĩa nhân đạo của một biểu tượng có giá trị “bảo vệ” trong các tình huống xung đột vũ trang trên phạm vi toàn cầu. Tạp chí Người Đưa tin pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Hùng- Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng quà bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh.

Lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng quà bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh.

Mặc dù đã có những văn bản pháp lý quy định về biểu tượng và việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ nhưng hiện nay vẫn xuất hiện tình trạng sử dụng tùy tiện, lạm dụng biểu tượng Chữ thập đỏ trên các sản phẩm hàng hóa và trong hoạt động kinh doanh. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này và đâu là nguyên nhân của tình trạng vi phạm này?

Không chỉ ở những thành phố lớn mà tại nhiều địa phương, chúng ta dễ dàng bắt gặp tình trạng sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ trên nhiều sản phẩm hàng hóa, biển hiệu của cơ sở, dịch vụ kinh doanh. Phổ biến hơn cả vẫn là các sản phẩm, hàng hóa liên quan đến ngành y tế, vệ sinh, môi trường, hóa mỹ phẩm, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sửa chữa, bảo trì…

Sở dĩ có tình trạng này một phần là do thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân hễ nhìn thấy dấu hiệu “Chữ thập đỏ” là nghĩ ngay đến y tế, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo vệ sinh, an toàn…Mặt khác là do sự thiếu hiểu biết đối với các văn bản pháp luật quy định về sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ dẫn đến việc các tổ chức, cá nhân sử dụng tùy tiện hoặc đơn vị quản lý nhà nước cấp phép quyền sử dụng nhãn hiệu có dấu hiệu Chữ thập đỏ cho những tổ chức, cá nhân không được phép sử dụng. Cá biệt có trường hợp cố ý mạo danh sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ của tổ chức nhân đạo cho mục đích trục lợi.

Ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Việc sử dụng sai mục đích của biểu tượng Chữ thập đỏ như vậy dẫn đến những hậu quả gì?

Nói về giá trị của biểu tượng Chữ thập đỏ nói riêng và các biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (gồm cả biểu tượng Trăng lưỡi liềm đỏ và biểu tượng Pha lê đỏ), chúng ta cần phải hiểu Biểu tượng được sử dụng với hai mục đích: Mục đích BẢO VỆ là mục đích cơ bản, có nghĩa là khi có xung đột vũ trang, các bên tham chiến không được phép tấn công, xâm phạm những nơi có các biểu tượng này. Trong trường hợp này Biểu tượng được sử dụng có kích thước lớn để có thể nhìn thấy với khoảng cách xa. Mục đích thứ hai của Biểu tượng là NHẬN DIỆN, có nghĩa là được sử dụng chủ yếu trong thời bình để nhận biết một cá nhân, tổ chức, tài sản, phương tiện có liên quan tới Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hoặc một Hội quốc gia.

Rõ ràng, khi biểu tượng đó bị sử dụng tràn lan, tùy tiện, sai mục đích, sai đối tượng sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm càng trở nên phổ biến và giá trị “bảo vệ” của biểu tượng sẽ mất tác dụng khi xung đột vũ trang xảy ra.

Việc một tổ chức, cá nhân nào đó không phải là tổ chức Chữ thập đỏ sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ sai mục đích sẽ hạ thấp hình ảnh của biểu tượng trong mắt công chúng, ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức Chữ thập đỏ và sẽ giảm hiệu lực của biểu tượng khi xảy ra chiến tranh.

Nguy hiểm hơn, khi tổ chức Chữ thập đỏ bị mất uy tín vì những tổ chức, cá nhân sử dụng biểu tượng để mạo danh Chữ thập đỏ hoạt động phi pháp dẫn đến việc người dân thiếu niềm tin vào tổ chức Chữ thập đỏ, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động hỗ trợ đối tượng cần giúp đỡ. Cuối cùng người yếu thế sẽ không có cơ hội được tiếp cận hỗ trợ của tổ chức nhân đạo là Hội Chữ thập đỏ.

Hoạt động cứu trợ nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Hoạt động cứu trợ nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã và sẽ có những biện pháp gì để xử lý đối với tình trạng cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh vi phạm biểu tượng?

Để từng bước khắc phục tình trạng vi phạm biểu tượng, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đặt nhiệm vụ truyền thông nâng cao nhận thức lên hàng đầu. Do vậy, đối với những cơ sở, đơn vị kinh doanh, tổ chức, cá nhân vi phạm, Hội đều tìm cách liên hệ, trao đổi để tuyên truyền, nhắc nhở kịp thời điều chỉnh.

Vừa qua, Hội cũng đã làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam để trao đổi, cung cấp các thông tin cơ bản về việc sử dụng biểu tượng, những văn bản pháp luật quốc tế và của Chính phủ Việt Nam (Luật Nhân đạo quốc tế, Luật hoạt động Chữ thập đỏ) quy định việc sử dụng biểu tượng để hỗ trợ tốt hơn quá trình thẩm định cấp phép đăng ký bản quyền nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân. Đối với những nhãn hiệu vi phạm “trót” được cấp phép, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có hướng dẫn xử lý cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh.

Trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động kiểm tra liên ngành về tình trạng sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ tại các địa phương. Việc tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành này rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan như: Bộ Y tế, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công thương…

Khoản 7, Điều 6, luật Hoạt động Chữ thập đỏ nghiêm cấm hành vi sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ trái pháp luật. Với những tổ chức, cá nhân vi phạm bản quyền biểu tượng Chữ thập đỏ có bị khởi kiện ra tòa? Về phía Hội có khuyến cáo gì đối với các cơ sở, đơn vị kinh doanh, các tổ chức, cá nhân vi phạm biểu tượng Chữ thập đỏ?

Việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ nói riêng và các biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đều được quy định bằng các văn bản pháp luật: đó là Luật Nhân đạo quốc tế và Luật hoạt động Chữ thập đỏ. Do đó những tổ chức, cá nhân vi phạm sử dụng các biểu tượng đó hoàn toàn có thể bị Hội Chữ thập đỏ khởi kiện ra tòa nếu không thể giải quyết bằng những biện pháp khác.

Chúng tôi vẫn khẳng định, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xác định việc tuyên truyền nâng cao nhận thức là giải pháp đầu tiên để bảo vệ biểu tượng. Do đó, chúng tôi mong muốn và kêu gọi các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu đã sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ để nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp, cho sản phẩm của mình thì hãy tìm biểu tượng khác thay thế. Việc khởi kiện chỉ là biện pháp “bất khả kháng”!

Để chấm dứt hành vi sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ trái phép, theo Hội có cần hoàn chỉnh khung pháp lý về biểu tượng, sửa đổi bổ sung nội dung trong luật Hoạt động Chữ thập đỏ?

Điều này là hết sức cần thiết. Không chỉ biểu tượng Chữ thập đỏ mà việc sử dụng các biểu tượng khác của Phong trào quốc tế (biểu tượng Trăng lưỡi liềm đỏ, biểu tượng Pha lê đỏ) cũng cần được nghiên cứu, xem xét để bổ sung. Cùng với đó cũng cần có văn bản hướng dẫn thực hiện Luật liên quan đến việc sử dụng biểu tượng. Đặc biệt là chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm biểu tượng cũng cần phải được bổ sung để Luật thực sự đi vào cuộc sống.

Xin cảm ơn ông!

Lan Hương (thực hiện)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hoat-dong-kinh-doanh-khong-duoc-phep-su-dung-bieu-tuong-chu-thap-do-a494940.html