Hoạt động ngân hàng góp phần ổn định kinh tế mùa dịch Covid-19
Mặc dù diễn biến dịch Covid-19 khá phức tạp nhưng trong 10 tháng của năm 2021, hoạt động của các chi nhánh ngân hàng nói riêng, tín dụng nói chung trên địa bàn tỉnh Bình Thuận diễn ra tương đối ổn định. Các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh huy động vốn, mở rộng tín dụng an toàn và có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ xuất khẩu... Các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận tiếp tục thực hiện công tác thông tin tuyên truyền cơ chế, chính sách đến doanh nghiệp, người dân. Đồng thời góp phần hạn chế, đẩy lùi nạn 'tín dụng đen'.
Hoạt động ngân hàng góp phần ổn
Hoạt động theo phương châm “an toàn và hiệu quả”
Một thuận lợi đáng ghi nhận là mặt bằng lãi suất diễn biến tương đối ổn định so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng 3 - 3,95%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng 3,6 - 6,7%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên 4,4 - 6,9%/năm. Lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 4,5%/năm (riêng Quỹ tín dụng nhân dân là 5,5%/năm), các lĩnh vực khác từ 7 - 9%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 9 - 11,5%/năm.
Trong 10 tháng qua, các tổ chức tín dụng đã tiếp tục đẩy mạnh quan hệ khách hàng, tạo nguồn cho vay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến ngày 31/10/2021, vốn huy động trong toàn tỉnh từ các tổ chức và cá nhân đạt 45.070 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Các tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng cho vay với phương châm “an toàn và hiệu quả”, gắn với việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và địa phương. Đến ngày 31/10/2021, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 73.856 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm và tăng 6,57% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay bằng VND đạt 71.902 tỷ đồng, chiếm 98,4% tổng dư nợ.
Tính đến cuối tháng 10/2021, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 2.057 tỷ đồng/9.475 khách hàng. Giảm lãi vay cho 2.703 khách hàng với số tiền lãi được giảm 1,21 tỷ đồng. Cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra, doanh số cho vay mới lũy kế là 32.516 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/10/2021, nợ xấu trên địa bàn 1.040 tỷ đồng, chiếm 1,42% tổng dư nợ, tăng 0,36% so với đầu năm (do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng).
Ưu tiên cho vay để thực hiện các chính sách
Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của Trung ương và địa phương. Trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 39.093 tỷ đồng, chiếm 53,5% tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu đạt 521 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 16.378 tỷ đồng, chiếm 22,4% tổng dư nợ.
Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/ 2014/NĐ-CP có dư nợ cho vay đạt 866,5 tỷ đồng. Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch có số dư nợ cho vay đạt 355 tỷ đồng phục vụ nuôi tôm thịt, tôm giống công nghệ cao, chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGap. Các đối tượng chính sách vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ cho vay đạt 3.173 tỷ đồng/ 102.333 hộ, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đạt 71,1 tỷ đồng với 200 hộ.
Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến cuối tháng 10/2021 đã giải ngân cho vay 1.512 triệu đồng cho 5 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 400 lao động, trong đó cho vay để trả lương ngừng việc với số tiền 250 triệu đồng/4 doanh nghiệp (78 lao động) và cho vay để trả lương cho lao động phục hồi sản xuất với số tiền 1.262 triệu đồng/1 doanh nghiệp (322 lao động). Ngoài ra thực hiện chủ trương của Trung ương và của địa phương, tiếp tục tăng cường đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển lương qua tài khoản, thanh toán qua POS. Mạng lưới ATM, POS tiếp tục được mở rộng, hoạt động thông suốt và an toàn. Đến nay, trên địa bàn có 187 máy ATM, tăng 3 máy so với đầu năm và 1.532 máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Bình Thuận cũng đã chỉ đạo và hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện tốt các quy định về lãi suất huy động ngoại tệ, quy định cho vay bằng ngoại tệ, các quy định về mua bán ngoại tệ; đồng thời thường xuyên theo dõi hoạt động của các đại lý đổi ngoại tệ... Những việc làm trên đã giúp cho việc quản lý ngoại tệ trên địa bàn tỉnh đúng quy định pháp luật. Có thể nói hoạt động ngân hàng trong thời gian qua đã góp phần vào việc ổn định kinh tế địa phương trong mùa dịch Covid-19.
Huỳnh Thanh