Hoạt động ngoại khóa: Sau giờ học là giờ… 'giữ trẻ' giá cao?
Sau giờ học trên lớp, nhiều học sinh do bố mẹ về muộn nên đăng ký tham gia các môn năng khiếu được tổ chức tại trường. Dù chi trả khoảng 40.000 - 50.000 đồng/giờ, song nhiều phụ huynh cho rằng chất lượng các lớp học chỉ ở mức 'giữ trẻ'.
Học ngoại khóa vì con tan học sớm
Hoạt động quản lý học sinh ngoài giờ chính khóa không phải là điều mới mẻ mà quen thuộc với nhiều phụ huynh tại các thành phố. Không đành để con vật vờ ngoài cổng trường sau giờ học, nhiều phụ huynh đã phải "cắn răng" đăng ký cho con tham gia các lớp học năng khiếu được tổ chức ngay tại trường học sau giờ chính khóa. Theo ghi nhận, số học sinh học các môn năng khiếu này chủ yếu là những học sinh theo sở thích và đa số là do phụ huynh tan làm muộn, nên đăng ký cho con theo học để tránh việc con "bơ vơ" ngoài cổng trường đến tối mịt.
Chia sẻ về các lớp học năng khiếu của con, anh H.N.M cho biết: "Đi làm về muộn hôm nào cũng phải sau 17h30 mới bắt đầu về trong khi con đã tan học lúc 16h15. Hết giờ học, giáo viên yêu cầu học sinh xuống khu vực sân trường ở vị trí trả học sinh. Những trẻ bố mẹ đến muộn được yêu cầu tập trung ở khu vực bục khánh tiết dưới sân trường, lạnh và muỗi đốt, nhiều học sinh luôn ngó ra ngoài cổng trường... Vài lần đến trường thấy con bị yêu cầu không được làm ồn, nô đùa làm ảnh hưởng tới các lớp học ngoại khóa mà tôi cảm thấy chạnh lòng, đành đăng ký cho con vào các lớp ngoại khóa".
Mỗi tháng bỏ ra gần 1 triệu đồng tiền đăng ký lớp học năng khiếu ngoài giờ cho con, chưa kể mua áo tập theo lớp, chị Thu Phương (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con học tiểu học cho biết, do công ty bận việc nên không thể bố trí thời gian để đón con đúng giờ, nên đành phải đăng ký 5 môn học ngoại khóa cho con để đảm bảo ngày nào con tan học xong sẽ học các môn ngoại khóa bao gồm: Bóng rổ, cờ vua, võ, đàn và múa. Mỗi môn 120.000 - 150.000 đồng/tháng. Do giáo viên dạy bộ môn năng khiếu đều yêu cầu đóng trực tiếp trong thời gian học ngoại khóa, khó gặp từng giáo viên để đóng theo tháng nên đành đóng liền mỗi môn 3 tháng.
"Thực ra, tôi cũng coi như đó là hoạt động "giữ trẻ" là chính, nên cũng không đặt nặng về yêu cầu môn học. Tuy nhiên, có những hôm về sớm hơn chút qua trường xem con học các môn thế nào mà hôm nào về cũng đòi chuyển học môn khác, rồi kêu chán… thì thấy, đúng là hoạt động học này quá sơ sài. Các môn đều là một tuần 1 buổi nên hầu như lặp đi lặp lại vài động tác vận động. Các con thực hiện khởi động đã quá nửa thời gian, sau đó là vài động tác cơ bản. Học nhạc nhưng loanh quanh vài nốt nhạc lúc nhớ, lúc quên. Một học sinh chỉ vài chục nghìn thôi, nhưng một lớp có thể lên đến hàng triệu đồng/giờ, mà sơ sài như thế là chưa tương xứng", chị Phương chia sẻ thêm.
Tăng cường quản lý để không còn là hình thức "giữ trẻ"
Theo ghi nhận, tại các trường tiểu học ở Hà Nội khá phổ biến hoạt động trông giữ học sinh ngoài giờ chính khóa. Đó là các lớp hướng dẫn học, các môn năng khiếu nghệ thuật, thể thao… Mức học phí của mỗi trường là rất khác nhau cho một tiết học sau giờ chính khóa. Nếu đăng ký đủ cả 5 ngày trong tuần, sẽ có phụ huynh phải trả khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng (tùy môn hoặc hoạt động). Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, hoạt động trông giữ học sinh ngoài giờ học chính khóa mô hình câu lạc bộ phải được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý.
Cụ thể, theo hướng dẫn công tác thu chi ở các trường học trên địa bàn năm học 2020 - 2021 của Sở GD&ĐT không đề cập đến quản lý các hoạt động thu chi ngoại khóa. Tuy nhiên, trước đó Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã hướng dẫn các trường trong khi chưa có quy định cụ thể, các trường lập dự toán thu, chi tài chính theo tinh thần thỏa thuận với phụ huynh học sinh, thu đủ chi.
Trước thực trạng chất lượng và học phí của các hoạt động ngoài giờ lên lớp hiện nay mỗi nơi mỗi kiểu, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, nhu cầu của học sinh về học kỹ năng sống, vui chơi, vận động, năng khiếu là hoàn toàn chính đáng, nhất là khi những phụ huynh đi làm về muộn, có thể đăng ký cho con vào các giờ ngoại khóa. Hoạt động này cũng cần duy trì, bởi cũng đã hạn chế được tình trạng như trước đây học sinh học xong vì bố mẹ chưa đến đón mà đến điểm học thêm của giáo viên để học "ca 3". Học sinh rất cần học năng khiếu, kỹ năng sống trong khi các giờ dạy chính khóa không đủ thời lượng, hoặc giáo viên chưa đủ đáp ứng nhu cầu của học sinh.
"Hoạt động ngoại khóa hiện nay cũng cần được tổ chức dựa trên khả năng của giáo viên có đủ năng lực, trình độ để dạy các môn đó không, thậm chí cần thuê thêm các chuyên gia, huấn luyện viên có kinh nghiệm bên ngoài để dạy, tránh tình trạng hoạt động theo kiểu giữ trẻ là chính như một số nơi đã làm. Cũng có những trường học làm rất tốt vấn đề này, nhưng về mức thu cũng phải rõ ràng để đảm bảo chất lượng tương xứng và có sự trao đổi, thống nhất với phụ huynh. Nhà trường cũng cần hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện của học sinh, chứ không nên định ra mức thu thích thế nào thì thu trong khi tổ chức chưa khoa học, chất lượng", TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT Ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa có nêu rõ: Hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý giáo dục, của các cơ quan thanh tra Nhà nước, thanh tra chuyên ngành có liên quan, của chính quyền các cấp. Cơ sở giáo dục, đơn vị vi phạm quy định về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.