Hoạt động phi lợi nhuận và thuế

Doanh nghiệp làm thiện nguyện được cho là cách nâng cao tinh thần tập thể, xây dựng tình đoàn kết, gầy dựng thiện chí và thiện cảm của khách hàng và đối tác, giữ chân tài năng và đội ngũ có tâm, hưởng các ưu đãi thuế. Nhìn từ Singapore, đó còn là một cuộc hành trình đi tìm khế ước xã hội mới, gắn kết Singapore rất đáng tham khảo.

Hai thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Singapore - nhà lập quốc Lý Quang Diệu và nhà lãnh đạo thế hệ thứ hai Goh Chok Tong - đeo đuổi công cuộc xây dựng nền kinh tế, những “giá trị vật chất” để Singapore từ “thế giới thứ ba vươn lên thế giới thứ nhất” - như lời của ông Lý. Hai thế hệ kế tiếp chú trọng và đeo đuổi những giá trị mang ý nghĩa tinh thần, nhân ái cho xã hội Singapore.

Đó chính là hành trình đi tìm bản sắc Singapore, mà trong đó chính phủ cùng dấn thân và gắn kết với cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng.

Bản kế hoạch ngân sách năm 2007 tạo chuyển động

Dưới thời Thủ tướng Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) trong giai đoạn từ tháng 8-2004 đến tháng 5-2024, theo tài liệu của PwC, trong kế hoạch ngân sách 2007, chính phủ đã bắt đầu miễn thuế cho các tổ chức phi lợi nhuận (NPO).

Trẻ em từ trường mẫu giáo Litte Seeds được tham gia chương trình thử nghiệm kết nối với người cao tuổi tại Viện Dưỡng lão St John’s-St Margaret’s Village gần trường. Ảnh: CAN

Trẻ em từ trường mẫu giáo Litte Seeds được tham gia chương trình thử nghiệm kết nối với người cao tuổi tại Viện Dưỡng lão St John’s-St Margaret’s Village gần trường. Ảnh: CAN

Ông Lý Hiển Long lúc đó nói mục tiêu là “thu hút các NPO có tiềm lực, nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho Singapore”. Theo đó, các NPO đủ điều kiện được miễn thuế trong giai đoạn đầu đến 10 năm. Ưu đãi này có thể gia hạn tùy sự phê duyệt của chính phủ.

Theo ASEAN Briefing, để được miễn thuế, các tổ chức hay hiệp hội phải nộp đơn cho các cơ quan chính phủ sau khi thành lập. Họ sẽ được miễn thuế thu nhập nếu doanh thu của các thành viên quốc tịch Singapore có quyền khấu trừ thuế chiếm dưới 50% tổng doanh thu.

Nếu trên 50%, chỉ phần doanh thu của các thành viên Singapore sẽ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 17%. Tuy nhiên, thành viên nước ngoài cũng đều phải chịu thuế thu nhập bất kể các quy tắc nêu trên.

Một tổ chức NPO có thể được hưởng chương trình miễn thuế dành cho các startup mới. Các công ty lâu năm được miễn thuế 75% cho doanh thu 100.000 đô la Singapore đầu tiên và 50% cho 200.000 đô la Singapore tiếp theo. Từ năm 2020, luật thay đổi, các công ty sẽ được miễn thuế từ 100.000 đô la Singapore tiếp theo.

Dù là các hoạt động phi lợi nhuận, nhưng nếu giá trị cung cấp chịu thuế hàng năm của tổ chức từ thiện vượt quá hoặc dự kiến vượt quá 1 triệu đô la Singapore, tổ chức đó phải đăng ký Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST). Các khoản tài trợ, quyên góp và bảo trợ mà không cần nơi nhận trả quyền lợi sẽ không phải chịu thuế GST dao động từ 0-7%.

Chính phủ cùng làm thiện nguyện với người dân và doanh nghiệp. Khi khuyến khích công dân và cư dân nước ngoài ở Singapore thực hiện quyên góp tự phát tại các điểm bán hàng, chính phủ lập quỹ đối ứng 20 triệu đô la Singapore để góp thêm.

Cơ chế hoàn thuế khuyến khích cá nhân và tổ chức quyên góp

Khi một doanh nghiệp làm công việc thiện nguyện, điều đó sẽ mang lại những lợi ích gì? Các nhà xã hội học đã chỉ ra các tác động tốt. Đó là nâng cao tinh thần tập thể, xây dựng tình đoàn kết, gầy dựng thiện chí và thiện cảm của khách hàng và đối tác, giữ chân tài năng và đội ngũ có tâm, hưởng các ưu đãi thuế…

Hãng kế toán và nhân sự toàn cầu InCorp Global có trụ sở chính ở Singapore đã chỉ ra rằng đóng góp thiện nguyện là một trong bảy cách hợp pháp, thích hợp nhất để được miễn giảm thuế ở Singapore. Hình thức này được InCorp xếp sau việc tham gia các lớp nâng cao kỹ năng cá nhân.

Bệnh viện công Tan Tock Seng lớn nhất ở Singapore cùng nhiều trường đại học công của Singapore… cũng kêu gọi cá nhân và doanh nghiệp quyên góp, quyên tặng cho các hoạt động của mình để hưởng ưu đãi thuế.

Chương trình Tình nguyện viên doanh nghiệp (CVS) ra đời tháng 7-2016, cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ thuế bằng 2,5 lần giá trị mà nhân viên của họ hoặc tình nguyện hoặc được điều động đến các nơi được định nghĩa là tổ chức của công chúng (IPC) hoạt động vì lợi ích cộng đồng, theo cơ quan thuế IRAS của Chính phủ Singapore.

Quyên góp cá nhân cũng được khấu trừ thuế 250% số tiền quyên tặng cho IPC trong mùa khai thuế tiếp theo.

Với nhà tài phiệt, như các quỹ gia đình (family office) hay công ty quản lý tài sản cho các gia tộc giàu có trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại Singapore, cũng được khấu trừ thuế đáng kể cho các khoản quyên góp ở nước ngoài.

Hành trình tìm “khế ước xã hội mới”

Thành lập năm 2014, Youth Corps là một tổ chức thanh niên hoạt động giống như một doanh nghiệp xã hội, nhằm tập hợp tinh thần thiện nguyện của giới trẻ, xây dựng tinh thần công dân tích cực vì một xã hội đoàn kết và yêu thương.

Singapore Cares thành lập đầu năm 2017, do Trung tâm tình nguyện và từ thiện quốc gia (NVPC) và Hội đồng dịch vụ xã hội quốc gia (NCSS) dẫn dắt. Thông qua phong trào Singapore Cares, các công ty, tổ chức dịch vụ xã hội và trường học cùng nhau hiến kế và hành động vì những mục đích mà họ tin tưởng.

Sáng kiến “Forward SG Excercise” được khởi động vào tháng 6-2022, do ông Lawrence Wong và các nhà lãnh đạo chính trị thế hệ thứ tư cùng dẫn dắt để làm mới “khế ước xã hội” của Singapore. Từ các vấn đề môi trường đến xã hội dân số già, ông Wong và những nhà lãnh đạo Singapore xem đây là “bài tập” để kết dính toàn xã hội, giúp mọi người hiểu hơn về trách nhiệm cá nhân và tập thể với nhau, “cũng như các giá trị và khát vọng chung” của dân tộc Singapore.

Ông Wong lúc đó là Phó thủ tướng, bắt đầu đảm nhiệm vị trí Thủ tướng từ tháng 5-2024.

“Đã có những thay đổi rõ rệt trong tư duy của thanh thiếu niên Singapore. Người trẻ ngày nay thường nói về sự nghiệp và công việc, nhưng họ cũng luôn bày tỏ mong muốn có được ý nghĩa và mục đích với những gì họ muốn làm, không chỉ là mức lương cao. Nói cách khác, chúng ta muốn chấp nhận những định nghĩa rộng hơn về thành công”, một đoạn trong báo cáo hơn 180 trang của Forward SG Exercise viết.

Ngày 19-1-2024, Singapore thành lập Văn phòng đối tác Chính phủ Singapore (SGPO), nhằm thay thế cho “Forward SG Exericise” và tăng cường tương tác và mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ và người dân. Đây là điểm dừng chân đầu tiên khi người dân muốn chia sẻ ý tưởng hoặc đề xuất các đóng góp cá nhân cho xã hội, và biến chúng thành hành động. Thông qua cổng điện tử, người dân có thể góp ý và yêu cầu hỗ trợ để thực hiện sáng kiến của mình. SGPO sẽ chuyển tiếp đến cơ quan liên quan và tìm cách đưa ý tưởng thành hiện thực.

“SGPO sẽ như một sự kết nối những cá nhân và tổ chức cùng chí hướng, hướng họ đến nơi có nguồn quỹ, nhà cố vấn và những nguồn lực tiềm năng khác”, ông Wong nói nhân buổi lễ khai trương.

Khảo sát do Trung tâm tình nguyện và từ thiện quốc gia (NVPC) công bố tháng 6-2024 cho thấy, tỷ lệ tình nguyện tại Singapore đã tăng từ 22% trong năm 2021 lên 30% trong năm 2023, trong khi tỷ lệ quyên góp vẫn ổn định ở mức 62%, nhỉnh hơn mức 60% của năm 2021.

Trong những năm cả thế giới đóng cửa phòng dịch Covid-19, ngành hàng không Singapore dư dôi rất lớn đội ngũ phi hành đoàn và mặt đất. Các hãng bay đã nhanh chóng đưa đội ngũ đang “nhàn hạ” có kiến thức sơ cứu y tế vào hỗ trợ các bệnh viện và trung tâm cách ly ở Singapore bị thiếu người.

Singapore sẽ là xã hội siêu già vào năm 2026 khi số người trên 65 tuổi vượt quá 20%, theo Văn phòng nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER). Các tổ chức và trường học Singapore đã đưa ra các sáng kiến như đưa những thiện nguyện viên là người cao tuổi và trẻ em vào bầu bạn với người già cô đơn ở các viện dưỡng lão, người trẻ phụ giúp các công việc linh tinh.

Đây chính là “khế ước xã hội”, “chất kết dính xã hội” mà nhà lãnh đạo hiện nay - Thủ tướng Lawrence Wong - thường đề cập, dẫn dắt và cùng tham gia với toàn dân, cộng đồng và doanh nghiệp.

Việt Nam xếp thứ 130 về thiện nguyện

Bạn có sẵn sàng giúp đỡ một người lạ hay một ai đó mà bạn không biết mặt nhưng đang cần hỗ trợ? Bạn có quyên góp từ thiện hay không? Bạn có dành thời gian cho một tổ chức thiện nguyện hay không? Có 145.000 người ở 140 quốc gia tham gia trả lời ba câu hỏi khảo sát năm 2024 nói trên của Tổ chức thiện nguyện Charities Aid Foundation (CAF).

Kết quả danh sách tốp 10 là Indonesia, Kenya, Singapore, Gambia, Nigeria, Mỹ, Ukraine, Úc, UAE (Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất), và Malta. Singapore xếp hạng ba về chỉ số thiện nguyện, tăng từ 49 trong năm 2023 lên 61 trong năm nay. CAF gọi đây là điểm nổi bật trong khảo sát năm 2024. Dù gây ra nhiều tranh luận, CAF đã chỉ ra các điểm đáng ghi nhận: các sáng kiến và nỗ lực của chính phủ gắn kết với cá nhân và doanh nghiệp, tạo ra quan hệ đối tác sâu sắc hơn trong chuyện làm thiện nguyện tại Singapore. Việt Nam đứng thứ 130, với 27 điểm và tỷ lệ trả lời ba câu hỏi tương ứng là 52%, 14% và 16%.

H.N.T

Song Hảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hoat-dong-phi-loi-nhuan-va-thue/