Hoạt động sản xuất ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các đơn vị và địa phương triển khai tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, động lực cho phát triển du lịch và hình thành chuỗi liên kết ngành hàng nông sản.

Xoài, ngành hàng thế mạnh của tỉnh

Xoài, ngành hàng thế mạnh của tỉnh

Đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh khai thác thế mạnh cây ăn trái, hoa kiểng, thủy sản và làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần đưa giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 21.671 tỷ đồng, tăng 3,94% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng 820 tỷ đồng). Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 16.288 tỷ đồng, tăng 5,59% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng 863 tỷ đồng), lâm nghiệp ước đạt 262 tỷ đồng, tăng 11,06% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 26 tỷ đồng), thủy sản ước đạt 5.121 tỷ đồng, giảm 1,32% so cùng kỳ. Ước giá trị tăng thêm toàn ngành đạt 9.513 tỷ đồng, tăng 4,37% so cùng kỳ năm 2022 và tương ứng tăng 398 tỷ đồng (cao hơn 0,62% so với chỉ tiêu theo kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm là 3,75%)

Theo đó, giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 13.239 tỷ đồng, tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước (tương ứng tăng 669 tỷ đồng). Trên cây lúa, giá trị sản xuất ước 6 tháng đầu năm đạt 6.843 tỷ đồng, tăng 1,5% so cùng kỳ. Cơ cấu giống có xu hướng dịch chuyển từ giống có chất lượng thấp sang trồng các loại giống có chất lượng cao, hoặc nếp. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tỷ lệ nhóm giống chất lượng cao đạt 69,6%, tỷ lệ nhóm nếp đạt 17,1%, tỷ lệ nhóm lúa thường đạt 13,3%. Giá thành sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 dao động từ 3.268 - 3.643 đồng/kg, tăng 163-182 đồng/kg so với cùng kỳ năm qua. Trong khi giá bán tăng từ 950 - 1.300 đồng/kg, lợi nhuận tăng từ 5,5 - 8,1 triệu đồng/ha so với cùng kỳ. Đến tháng 5/2023, cấp 355 mã số vùng trồng trên lúa với tổng diện tích 48.963ha (chiếm 25% diện tích canh tác lúa). Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) là 6.675ha; diện tích được chứng nhận VietGAP trên 4.000ha.

Ước giá trị sản xuất ngành hàng hoa màu đạt 1.326 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 212 tỷ đồng). Đến tháng 5/2023, cấp 67 mã số vùng trồng rau màu với tổng diện tích 1.500ha. Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện ATTP là 6,9ha; diện tích được chứng nhận VietGAP là 107,9ha.

Hoa kiểng là ngành hàng thế mạnh của tỉnh. Theo đó, giá trị sản xuất hoa kiểng 6 tháng đầu năm ước đạt 2.315 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 450 tỷ đồng). Vì đây là cây có giá trị kinh tế cao nên nông dân gia tăng diện tích canh tác. Diện tích hoa kiểng toàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 1.678ha, tăng 59,8% so với cùng kỳ, tăng 22,5% so với kế hoạch 6 tháng 2023, chiếm 58,2% kế hoạch năm 2023.

Đối với cây lâu năm, giá trị sản xuất ước đạt 2.755 tỷ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng diện tích trồng cây lâu năm toàn tỉnh là 43.454ha, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Thời gian qua, nhiều nhà vườn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá bỏ những vườn cây lâu năm kém hiệu quả chuyển sang trồng cây cho giá trị kinh tế cao. Đến tháng 5/2023, đã cấp 504 mã số vùng trồng cây ăn trái với tổng diện tích 13.107ha. Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện ATTP là 11,4ha, diện tích được chứng nhận VietGAP là 703,1ha (chủ yếu là xoài, nhãn, cây có múi, mận, thanh long, sầu riêng, mít...).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình chăn nuôi động vật trên cạn trong thời gian qua khá ổn định. Tuy nhiên, tỷ lệ chăn nuôi quy mô nông hộ chiếm trên 90% nên tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái dẫn đến tình trạng ép giá diễn ra thường xuyên và giá thức ăn chăn nuôi tăng 20 - 30%, làm tăng chi phí, tăng giá thành sản xuất và giá bán thịt hơi các loại có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của người sản xuất chăn nuôi. Theo đó, giá trị sản xuất chăn nuôi ước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.344 tỷ đồng, tăng 12,87% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 8,71% so kế hoạch 6 tháng và chiếm 47,03% so với kế hoạch năm 2023.

Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của tỉnh. Giá trị sản xuất thủy sản ước 6 tháng đầu năm đạt 5.120 tỷ đồng, giảm 1,32% so cùng kỳ năm 2022. Theo đó, cá tra vẫn là một trong những đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Tổng diện tích thả nuôi cá tra ước đạt 1.834ha, tăng 2,1% so với cùng kỳ và chiếm 70,2% so với kế hoạch năm 2023; giá thành sản xuất bình quân đạt 27.466 đồng/kg (tăng 2.591 đồng/kg so cùng kỳ), giá bán bình quân đạt 29.250 đồng/kg (tăng 25 đồng/kg so cùng kỳ), lợi nhuận bình quân đạt 1.784 đồng/kg. Trong quý I, tình hình xuất khẩu cá tra tương đối thuận lợi. Bước sang quý II, xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, số đơn hàng ít nên các doanh nghiệp chế biến giảm công suất hoạt động dẫn đến tình hình tiêu thụ cá tra chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 377 cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện với diện tích 1.623,91ha mặt nước. Trong đó, có 80 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP với diện tích 670,4ha; 38 cơ sở áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP với diện tích 242,4ha....

Y DU

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/hoat-dong-san-xuat-nganh-nong-nghiep-tiep-tuc-phat-trien-114815.aspx