Hoạt động thừa phát lại góp phần bổ trợ tư pháp

Có thừa phát lại, việc tống đạt giấy tờ để xét xử thuận lợi hơn. Trong ảnh: Một phiên xử sơ thẩm. Ảnh: VĂN TÀI

Thực hiện đề án “Thừa phát lại giai đoạn 2018-2020” của UBND tỉnh, mới đây UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cho phép triển khai thành lập Văn phòng Thừa phát lại (TPL) trên địa bàn TP Tuy Hòa. Theo quy định, TPL được thực hiện các công việc: Tống đạt văn bản theo yêu cầu của tòa án, viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án.

Việc thành lập TPL không chỉ là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, góp phần trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phục vụ cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, mà còn góp phần cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Theo ông Mai Hắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, trong những năm qua, bên cạnh sự phát triển năng động về kinh tế, các quan hệ xã hội trên địa bàn tỉnh diễn ra có xu hướng ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, tranh chấp. Các khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động thường xuyên xảy ra và có chiều hướng tăng về số lượng, phức tạp, đa dạng về nội dung.

Từ tình hình trên, trong giai đoạn hiện nay, việc thực hiện chủ trương phát triển loại hình dịch vụ TPL là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tạo cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn việc yêu cầu thi hành bản án, quyết định của tòa án với thời gian nhanh hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm quyền và lợi ích các bên có liên quan, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, giảm tải công việc cho hệ thống tòa án, viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự.

Cũng theo ông Lợi, khó khăn nhất hiện nay, chủ yếu do mô hình TPL là dịch vụ pháp lý mới nên người dân ở Phú Yên vẫn chưa tiếp cận và hiểu nhiều về dịch vụ này. Do vậy, trong thời gian tới, các cấp, ngành quan tâm phối hợp, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu, qua đó có thêm sự lựa chọn phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.

Sau khi Nghị định 08 ngày 8/1/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TPL được ban hành và có hiệu lực, Sở Tư pháp tham mưu trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện, xây dựng thành lập Văn phòng TPL tại TP Tuy Hòa. Tuy nhiên để mô hình này hoạt động phù hợp, cần thiết cho xã hội và cho hoạt động tư pháp, cũng như được người dân đồng tình ủng hộ, hiện Sở Tư pháp phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở TT-TT, Báo Phú Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp tuyên truyền, phổ biến việc thành lập Văn phòng TPL đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Góp phần bổ trợ tư pháp

Theo luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên, chế định TPL là một chế định pháp luật mới và được thực hiện chính thức trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 1/1/2016. Do đó, việc thực hiện chế định TPL ở Phú Yên có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện tốt chủ trương về xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp. Trên cơ sở đó tạo tiền đề để giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mặt khác, với chức năng lập vi bằng của TPL, việc thực hiện chế định này sẽ bổ sung nguồn chứng cứ, tạo thêm công cụ pháp lý để người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong giải quyết tranh chấp. Đồng thời, người dân cũng có thêm sự lựa chọn phù hợp trong việc yêu cầu thi hành bản án, quyết định của tòa án.

Còn theo ông Mai Hắc Lợi, trước yêu cầu của việc cải cách tư pháp trong tình hình mới, việc triển khai thực hiện chế định TPL ở TP Tuy Hòa nói riêng và tỉnh nói chung sẽ giảm tải công việc cho tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, góp phần nâng cao chất lượng xét xử và thi hành án. Đồng thời hoạt động lập vi bằng của TPL cũng sẽ tạo thêm một công cụ pháp lý, một hoạt động xã hội hóa bổ trợ tư pháp giúp các cá nhân, tổ chức có quyền lựa chọn để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hạn chế tranh chấp các bên liên quan, tạo cơ sở để các cơ quan tài phán xem xét, giải quyết vụ việc khách quan, đúng pháp luật. Vì vậy, việc giao TPL thực hiện tống đạt giấy tờ, các văn bản này sẽ góp phần vào việc hỗ trợ hoạt động, nâng cao hiệu quả của các tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Trung bình mỗi năm, TAND hai cấp ở Phú Yên thụ lý và giải quyết khoảng 5.000 vụ án các loại; tống đạt khoảng 172.000 văn bản, giấy tờ như: thông báo hòa giải, giấy triệu tập đương sự, quyết định đưa vụ án ra xét xử… đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Riêng ở lĩnh vực thi hành án dân sự, trung bình mỗi năm Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục Thi hành án 9 huyện, thị xã, thành phố tống đạt khoảng 8.000 văn bản, giấy tờ như: quyết định thi hành án, giấy mời, thông báo tự nguyện thi hành án… đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Sở Tư pháp Phú Yên

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/164/255920/hoat-dong-thua-phat-lai-gop-phan-bo-tro-tu-phap.html