Hoạt động xúc tiến đầu tư của Hà Nội: Tạo sự lan tỏa mạnh mẽ
Năm 2023, tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự năng động và sáng tạo của các cơ quan, đơn vị, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của thành phố Hà Nội đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ.
Điều này không chỉ kết nối các địa phương mà còn đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Thủ đô và doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong cả nước ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đổi mới hoạt động xúc tiến, tăng mạnh thu hút đầu tư
Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội, tính đến ngày 6-12, Thủ đô thu hút 2,85 tỷ USD vốn FDI (tăng 61% so với cùng kỳ), trong đó có 378 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 371,4 triệu USD; 168 dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 293,7 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4%. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 24 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm 2022; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5%.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, năm 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường; xung đột Nga - Ukraine kéo dài cùng chính sách tiền tệ thắt chặt của nhiều quốc gia đã tác động đến kinh tế toàn cầu. Trong nước, kinh tế chịu tác động rõ rệt, nhất là thị trường xuất khẩu sụt giảm, sức mua của thị trường nội địa, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Trước bối cảnh đó, được sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục, sâu sát của lãnh đạo thành phố, Trung tâm và các sở, ngành đã phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các hoạt động xúc tiến một cách linh hoạt, sáng tạo, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội. Trong năm 2023, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội và các sở, ngành đã triển khai thực hiện 189 hoạt động, chương trình xúc tiến cả trong nước và nước ngoài. Nhiều hoạt động đã được đổi mới, thay đổi phương thức triển khai phù hợp, hiệu quả, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú nhận định, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đã góp phần kiến tạo vai trò kết nối xúc tiến thương mại của Hà Nội đối với khu vực và cả nước. Đồng thời, là đầu mối triển khai công tác xúc tiến của thành phố trong cả 3 lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch.
Đặc biệt, một số chương trình xúc tiến của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đã tạo được thương hiệu, có sự lan tỏa, kết nối các địa phương, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội mà còn hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong cả nước quảng bá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Điển hình như: Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam thường niên với sự tham dự của gần 60 tỉnh, thành phố; các chương trình tiếp cận hệ thống phân phối lớn tại nước ngoài như: AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Big C, Go (Central Group)...
Phát huy vai trò trung tâm kết nối vùng
Để tiếp tục phát huy vai trò là “cánh tay nối dài” của các sở, ngành thành phố, tại hội nghị triển khai công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của Hà Nội trong năm 2024 được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội phối hợp chặt chẽ hơn với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến năm 2024 và các năm tiếp theo.
Về phía các sở, ngành cần tăng cường trách nhiệm trong tham mưu với thành phố về kịch bản phát triển, thu hút xúc tiến trong năm 2024. Các sự kiện xúc tiến cấp thành phố cần tổ chức có quy mô, chất lượng cao.
Với những kết quả đạt được trong năm 2023, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú đề nghị, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương phát huy vai trò là trung tâm kết nối của vùng, tiên phong triển khai các phương thức xúc tiến hiện đại, thúc đẩy xúc tiến thương mại tại các địa phương; tăng cường xúc tiến với các tổ chức thương mại quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại…
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo, đóng góp của lãnh đạo thành phố và các cơ quan liên quan, ông Nguyễn Ánh Dương khẳng định, năm 2024, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội sẽ bám sát định hướng của Trung ương và thành phố về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; các chương trình của Thành ủy; chương trình, kế hoạch hành động của UBND thành phố; các định hướng, chiến lược trong từng lĩnh vực xúc tiến.
Trung tâm cũng xác định rõ các thị trường trọng điểm, gắn kết đồng bộ cả ba nội dung xúc tiến về đầu tư, thương mại và du lịch trong các sự kiện để sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến (đặc biệt là các hoạt động xúc tiến tại nước ngoài); đồng thời, tổ chức xúc tiến đầu tư có chọn lọc theo đúng định hướng ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới; dự án có quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó nhận chuyển giao công nghệ, xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ của thành phố.