Hoạt động ý nghĩa của ki-ốt thanh niên
Hoạt động từ tháng 3-2019 đến nay, ki-ốt thanh niên của Đoàn Thanh niên-Hội Sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã có nhiều hoạt động thiết thực vì cộng đồng như: Quyên góp, tặng đồ dùng, sách vở miễn phí; tư vấn sức khỏe, nhà trọ, việc làm... cho hàng trăm sinh viên, học sinh.
Tô Lan Trinh, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết: “Với những sinh viên còn khó khăn như em thì có thể tìm đến ki-ốt để nhận giáo trình học tập 0 đồng, giúp tiết kiệm được một khoản chi phí". Bên cạnh giúp đỡ các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong trường, ki-ốt thanh niên còn gửi tặng quần áo, sách vở, đồ dùng đến chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, liên chi hội sinh viên ở các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung bị lũ lụt...
Không dừng lại ở đó, ki-ốt thanh niên còn lập một fanpage giới thiệu những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và kêu gọi cộng đồng giúp đỡ. Hoạt động này đã vận động được hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ những mảnh đời thiếu may mắn. Là một trong những trường hợp nhận được hỗ trợ, Trần Quốc Khánh, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ chia sẻ: “Ba mất sớm, một mình mẹ nuôi em ăn học. Hoàn cảnh khó khăn nên khi thi đậu vào ngành y, nhiều khoản chi phí, đã có lúc em có ý định bỏ học. Biết hoàn cảnh của em, ki-ốt thanh niên và các tấm lòng hảo tâm đã hỗ trợ hơn 60 triệu đồng...”.
Ngoài hoạt động tại ki-ốt, các thành viên còn phối hợp tổ chức những hoạt động thiện nguyện như: Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Thầy giáo Nguyễn Phục Hưng, Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Phó trưởng ban quản lý ki-ốt thanh niên cho biết: “Mong muốn lớn nhất của ki-ốt là tích cực trong hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần làm việc thiện nguyện đến sinh viên".
Từ năm 2020 đến nay, ki-ốt thanh niên đã quyên góp, tiếp nhận hơn 15.850 cuốn tài liệu học tập, tặng hơn 13.200 cuốn; tổ chức gần 3.000 lượt quyên góp quần áo cũ, vật dụng, đồ dùng và tặng bà con có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức gần 30 hoạt động thiện nguyện như: Hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn; quyên góp tặng quà người già neo đơn, trẻ mồ côi, khuyết tật, sinh viên, người dân có hoàn cảnh khó khăn; trao xe đạp; bán nông sản giúp nông dân... với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. (Bài và ảnh: THÚY AN)
Giả cột mốc giao thông để quảng cáo
Hiện nay, trên một số tuyến đường ở TP Cần Thơ xuất hiện bảng hiệu quảng cáo nhái hình cột mốc giao thông đường bộ (cột mốc thông báo ki-lô-mét) của một số cửa hàng kinh doanh nhằm tạo ấn tượng, gây chú ý với khách hàng trong quảng bá hình ảnh sản phẩm, dịch vụ.
Ghi nhận trên tuyến đường Cách mạng Tháng Tám thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy, chúng tôi nhận thấy, tại một số điểm cắt tóc, các bảng hiệu được thiết kế khá tương đồng với kích thước, màu sắc của hình cột mốc giao thông đường bộ, thoạt nhìn rất dễ nhầm lẫn (xem ảnh). Thậm chí, có nơi bố trí biển quảng cáo này gần cột mốc giao thông thật do ngành chức năng bố trí từ trước đó.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoản 2, Ðiều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm hành vi lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông. Trong khi đó, cột mốc giao thông là bảng chỉ dẫn để người đi đường biết được khoảng cách trên tuyến, cũng như giúp ngành chức năng quản lý mốc giới đường bộ. Theo quy định của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi treo biển hiệu, biển quảng cáo làm giảm sự chú ý của người đi đường, gây nhầm lẫn, cản trở giao thông sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 đến 6 triệu đồng đối với tổ chức.
Đề nghị các ngành chức năng của TP Cần Thơ có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở người dân tháo dỡ các biển hiệu quảng cáo giả cột mốc giao thông, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra. (Bài và ảnh: THANH HUY)
Mong sớm trùng tu, tôn tạo đình làng Dương Phẩm
Men theo dòng sông An Cựu thơ mộng của TP Huế (Thừa Thiên Huế), chúng tôi tìm đến đình làng Dương Phẩm ở số 153 Phan Đình Phùng. Đây từng là ngôi đình làng nổi tiếng gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Thuận Hóa-Phú Xuân và TP Huế hôm nay, nhưng hiện bị xuống cấp trầm trọng.
Do bị bỏ hoang nên một phần diện tích đất của đình làng đã bị nhiều hộ dân lấn chiếm làm nhà tạm. Muốn vào trong đình làng, chúng tôi phải băng qua lối mòn và đi xuyên qua một căn nhà tạm bợ. Đình làng Dương Phẩm gần như đã sập đổ hoàn toàn, chỉ còn lại vài vách tường thủng lỗ chỗ, bức bình phong, vài chiếc cột kèo... Sân đình ngổn ngang đất đá với những đám cây dại um tùm chật kín cả lối đi.
Theo các cụ cao niên trong làng, đình làng Dương Phẩm có kết cấu gỗ 3 gian 2 chái, tiền đình theo kiểu “võ cua” và khoảng 200 năm tuổi. Hiện tại, ngôi đình cổ được UBND phường Phú Nhuận, TP Huế khoanh vùng bảo vệ tạm thời bằng việc thiết lập hàng rào xung quanh.
Nhiều người dân mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều có chung mong muốn đình làng Dương Phẩm sẽ được trùng tu để có nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống nhằm ghi nhớ công đức vị khai canh làng Dương Phẩm, đồng thời giúp các thế hệ sau được biết về một trong những công trình kiến trúc đình làng quan trọng của Phú Xuân xưa.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Bá Vương, Phó chủ tịch UBND phường Phú Nhuận cho biết: “Lãnh đạo và người dân phường mong muốn TP Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm, sớm có dự án trùng tu, tôn tạo đình làng Dương Phẩm, kiên quyết thu hồi diện tích đất người dân đã lấn chiếm làm nhà tạm...”. (Bài và ảnh: MAI ANH)
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoat-dong-y-nghia-cua-ki-ot-thanh-nien-733250