Học 1 ngày xin nghỉ có nguy cơ bị trừ hơn 50 triệu, Hệ thống Tuệ Đức nói gì?
Con học một ngày, nhưng khi xin cho con nghỉ học, chị Sáu được nhà trường nói chỉ trả lại tiền ăn, dù trước đó chị đã đóng hơn 64 triệu đồng.
Học một ngày, nguy cơ mất hơn 55 triệu đồng
Phản ánh với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Đặng Thị Sáu (nhà ở thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, con gái chị đã đóng tiền vào học lớp 7 tại Hệ thống Trường Tuệ Đức cơ sở đường Nguyễn Thị Định, thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, sau khi học một ngày, con chị bị tâm lý không thể học và nhà trường nói sẽ không trả lại nhiều khoản tiền chị đã đóng.
Sau khi tìm hiểu và làm việc với bộ phận tuyển sinh của nhà trường, chị Sáu được cung cấp một bảng thông báo học phí, với tổng số tiền cần đóng là 64.160.000 đồng (kể cả khoản tiền 2,3 triệu đồng tiền đồng phục).
Danh sách những khoản tiền cần đóng gồm tiền học phí học kỳ 1 của năm học 2023 – 2024 (45 triệu đồng), phí dịch vụ bán trú học kỳ 1, phí ăn học kỳ 1, cơ sở vật chất của năm học, phí học tập trải nghiệm cả năm học, thu hộ bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn, và cả phí khảo sát (2 triệu đồng) mà phụ huynh đã đóng từ trước khi học sinh tham gia khảo sát.
Chị Sáu đã chuyển khoản đủ số tiền nói trên cho nhà trường vào trưa ngày 4/8/2023.
Ngày 7/8, con gái của chị Sáu tới trường học buổi đầu tiên. Tuy nhiên, do con chị bị tâm lý, tinh thần không được thoải mái và ổn định, nên ngay sau ngày học này, chị lập tức đến trường xin cho con được nghỉ học tại đây.
Ở thời điểm đó, chị Sáu có nói với bộ phận tuyển sinh của cơ sở đường Nguyễn Thị Định rằng, chị mong muốn được nhà trường trả lại cho chị số tiền mà chị đã đóng.
Chị Sáu đồng ý để trường trừ lại khoản tiền nào mà con chị đã dùng, còn chưa dùng thì xin hãy trả lại cho phụ huynh.
Vào thời điểm đó, nhân viên của cơ sở Nguyễn Thị Định có nói rằng, trường chỉ đồng ý trả lại tiền ăn học kỳ 1 cho phụ huynh (8,5 triệu đồng), còn các khoản tiền khác thì khó mà lấy lại.
Theo chị Đặng Thị Sáu, trong trường hợp trường chỉ đồng ý trả lại tiền ăn cho học sinh, căn cứ vào số tiền mà chị Sáu đã đóng (hơn 64 triệu đồng), thì chị có nguy cơ bị mất hơn 55 triệu đồng, mà con gái của chị cũng chỉ mới học duy nhất một ngày.
Đại diện cơ sở Nguyễn Thị Định lúc ấy còn nói thêm với chị Sáu là sẽ trình với lãnh đạo cấp trên về mong muốn, nguyện vọng của chị Sáu, tuy nhiên đến nay, đã gần 10 ngày trôi qua, chị Sáu vẫn chưa thể biết được câu chuyện tiền học của con chị sẽ được xử lý như thế nào?
Đại diện hệ thống Tuệ Đức lên tiếng
Ngày 14/8, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với bà Huỳnh Trịnh Bảo Trâm – Giám đốc vận hành Hệ thống Trường Tuệ Đức để có thêm thông tin khách quan.
Bà Huỳnh Trịnh Bảo Trâm cho hay: "Học sinh đã đi học một ngày rồi có nghĩa là đã đồng ý ký vào thỏa thuận về các chính sách học phí của trường.
Nhà trường đặt ra các nguyên tắc mà không áp dụng, không tuân thủ thì không thể nào làm được một hệ thống nhà trường, cần phải công bằng, quân bình được các yếu tố để có thể phát triển hệ thống nhà trường một cách bền vững.
Tất cả các phụ huynh khi đưa con vào trường học đều đã được chia sẻ các chính sách về học phí, đồng thuận với nhau, phụ huynh đồng tình lựa chọn trường, và trường cũng lựa chọn phụ huynh phù hợp".
Theo bà Huỳnh Trịnh Bảo Trâm, các cuộc chia sẻ, tư vấn trực tiếp ở trường đều được ghi âm lại rất rõ ràng. Phụ huynh phải đồng tình, đồng ý, đồng thuận thì mới chuyển sang bước tiếp theo là phụ huynh đóng tiền học.
Còn về việc chưa nộp hồ sơ học vụ của học sinh, bà Trâm cho rằng đây là việc chậm trễ của phụ huynh.
Theo cập nhật do chị Đặng Thị Sáu cung cấp cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cho đến chiều ngày 16/8, nhà trường vẫn chưa có câu trả lời cho phụ huynh biết về những mong muốn nhận lại tiền đã đóng của chị.