Học ăn, học nói…
Từ sự cố vạ miệng của 'nhà đài', có thể thấy một tình trạng chung của xã hội hiện nay là thông tin quá nhiều, quá dồn dập, ai cũng hối hả nạp thông tin vì sợ lạc hậu, trong khi nền tảng kiến thức căn bản chưa được củng cố. Nhiều khi nói mà không hiểu khái niệm…
Có người nói vui, sự cố này có lẽ bắt nguồn từ bộ phim đình đám Ký sinh trùng (tiếng Anh Parasite) của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho. Bộ phim đoạt giải thưởng Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes - 2019, thắng 4 trên 6 đề cử Oscar năm 2020 đang là sự quan tâm số 1 của giới trẻ, nên biên tập viên kia mới mượn chữ để thể hiện sự… uyên bác.
Trở lại với bộ phim, không hiểu các quan chức của Cục Điện ảnh, của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghĩ sao khi chấp nhận lối dịch thô thiển, tự nhiên chủ nghĩa này. Nếu để tâm tìm hiểu, năm 2006, đạo diễn Bong Joon-ho ra mắt bộ phim The Host (Vật chủ) mà ta chuyển ngữ thành Quái vật sông Hàn. Theo mạch vật chủ thì nay là ký sinh. Nội dung của bộ phim này chỉ những bi hài của những kiếp người sống bám vào nhau. Với nguyên bản tên phim, lẽ ra nên dịch Ký sinh là hợp lý, bởi Ký sinh trùng hoàn toàn khác nghĩa với Ký sinh.
Kho từ vựng tiếng Việt, từ gốc Hán Việt chiếm đến 80%. Những người có chút kiến thức phổ thông đều biết bộ Trùng trong tiếng Hán chỉ sâu bọ (côn trùng). Những người học qua phổ thông thì đều đã từng học bài giữ gìn vệ sinh, ăn chín uống sôi không để nhiễm bệnh ký sinh trùng đường ruột mà nói toạc ra bệnh giun sán, hoặc ký sinh trùng trên da, là bệnh chấy rận, ghẻ!
Dịch tiếng nước ngoài đòi hỏi vừa giỏi tiếng của họ, vừa phải giỏi tiếng Việt và những kiến thức văn hóa liên quan. Nếu dịch như trường hợp tên phim kia thì chả khác gì… máy, người ta chả cần ngoại ngữ, cứ vào phần mềm dịch của “ông Google” cho mau.
Hối hả nạp kiến thức, vội vã áp dụng cho ra vẻ thời thượng… mà thiếu kiến thức nền, không có lẽ lại là căn bệnh của thế hệ?
Thủy Ngân
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/thoisu-suyngam/202008/hoc-an-hoc-noi-8179886/